Phát triển ngành công nghiệp ưu tiên: Xác định rõ trọng tâm, trọng điểm

Thời gian qua, mặc dù có sự phát triển, tăng trưởng mạnh mẽ, song giá trị của ngành công nghiệp trong nước tạo ra vẫn thấp. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) - xung quanh vấn đề này.

Ông đánh giá như thế nào về nội lực và năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp, số lượng doanh nghiệp (DN) công nghiệp phản ánh điều gì thưa ông?

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trên thực tế, tỷ lệ và số lượng DN công nghiệp Việt Nam, mặc dù đã tăng lên trong thời gian vừa qua, nhưng còn quá ít so với các DN của các thành phần kinh tế khác, cũng như so với các quốc gia trong khu vực. Nếu so sánh với các quốc gia tiên tiến châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, số lượng DN công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam chỉ tương đương một thành phố lớn hay thậm chí một quận của các quốc gia này.

Có một điểm yếu là Việt Nam chưa có một hệ sinh thái công nghiệp để tạo môi trường thuận lợi cho các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển. Công nghiệp chế biến, chế tạo chưa thu hút được sự quan tâm đầu tư của xã hội do phần lớn các ngành này cần vốn đầu tư lớn, tỷ suất lợi nhuận thấp, rào cản gia nhập thị trường khắt khe hơn các ngành dịch vụ khác.

Ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương)

Vì vậy, để phát triển sản xuất công nghiệp, theo tôi điều quan trọng đầu tiên là phải khuyến khích, thúc đẩy tinh thần “xã hội sản xuất” rộng rãi trong cộng đồng DN Việt, thông qua các chính sách: Khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp; chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô, phân bổ nguồn lực quốc gia hợp lý, tập trung tạo sự hấp dẫn để thu hút đầu tư vào khu vực sản xuất công nghiệp. Trên cơ sở đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính để tháo gỡ các rào cản gia nhập thị trường cho các DN công nghiệp. Tiến tới phát triển hệ thống DN nhỏ và vừa - đặc biệt là các hỗ trợ về vốn, công nghệ và lao động. Đồng thời, bảo đảm cân đối trong đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Vậy trong giai đoạn tới, những ngành công nghiệp nào sẽ được coi là ưu tiên, thưa ông?

Theo định hướng của Đảng và Chính phủ, Việt Nam sẽ phát triển một số ngành công nghiệp ưu tiên có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; có ý nghĩa nền tảng tác động lan tỏa cao đến các ngành kinh tế khác; sử dụng các công nghệ sạch, thân thiện môi trường. Quan trọng hơn là ngành có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao.

Cụ thể, giai đoạn từ nay đến năm 2030, Việt Nam sẽ tập trung ưu tiên phát triển công nghệ thông tin và viễn thông, công nghiệp điện tử; công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh; công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Tiếp đó, tập trung phát triển công nghiệp dệt may, da giày, nhưng ưu tiên tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao gắn với các quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa; phát triển một số ngành, lĩnh vực cơ khí trọng điểm như: Ôtô, máy nông nghiệp, thiết bị công nghiệp, điện, thiết bị y tế…

Từ giai đoạn 2030 - 2045, Việt Nam sẽ ưu tiên phát triển các thế hệ mới của ngành công nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông; công nghệ kỹ thuật số, tự động hóa, cao cấp, vật liệu mới, công nghệ sinh học.

Được biết, Bộ Công Thương đang tập trung vào một số giải pháp lớn nhằm khai thác các tiềm năng và thế mạnh để đưa nền công nghiệp Việt Nam hướng tới mục tiêu tạo ra giá trị gia cho biết nói rõ hơn về mục tiêu này?

Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về định hướng chính sách công nghiệp quốc gia, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành theo chỉ đạo của Chính phủ triển khai các giải pháp: Chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả hoạt động của các loại thị trường nhằm phân bổ nguồn lực quốc gia hợp lý, tập trung tạo sự hấp dẫn để thu hút đầu tư vào khu vực sản xuất công nghiệp; tập trung xây dựng chính sách phát triển một số ngành công nghiệp ưu tiên có tiềm năng và cơ hội phát triển như: Công nghiệp ôtô, dệt may, da giày, điện tử, khoáng sản, công nghiệp hỗ trợ.

Tiến tới hỗ trợ DN vừa và nhỏ, xây dựng các chính sách để hỗ trợ có trọng tâm trọng điểm một số DN tiềm năng có thể phát triển thành các tập đoàn tầm cỡ khu vực và quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt ngành công nghiệp.

Ngoài ra, tăng cường hợp tác quốc tế, tận dụng tối đa cơ hội từ các quốc gia có Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam để thúc đẩy liên kết DN trong nước và các chuỗi sản xuất toàn cầu.

Xin cảm ơn ông!

Thùy Linh - Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phat-trien-nganh-cong-nghiep-uu-tien-xac-dinh-ro-trong-tam-trong-diem-131555.html