Phát triển ngành cơ khí- Thiếu đòn bẩy chính sách

Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí - điện TP. Hồ Chí Minh (HAMEE) - xung quanh thực trạng và các giải pháp phát triển ngành cơ khí.

Đồng bộ nhiều giải pháp phát triển ngành cơ khí

Ông đánh giá như thế nào về thực trạng của ngành cơ khí hiện nay?

Hơn 15 năm qua, mặc dù một số DN cơ khí có điều kiện đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, có khả năng chế tạo được các sản phẩm chất lượng cao để xuất khẩu và thay thế hàng nhập khẩu, nhưng số DN này còn quá ít và cũng đang gặp nhiều khó khăn để tồn tại và phát triển bền vững. Mỗi năm, nước ta phải tốn vài chục tỷ USD nhập máy móc, thiết bị để xây dựng các công trình, phát triển các ngành công nghiệp trong nước, trong khi ngành cơ khí chế tạo Việt Nam chỉ đáp ứng được một phần nhỏ, thậm chí nhiều người cho rằng chúng ta đang "thua trên sân nhà".

Để không "thua trên sân nhà", theo ông, ngành cơ khí cần những giải pháp gì?

Với xuất phát điểm thấp hơn các nước cả nhiều thập kỷ, để phát triển ngành công nghiệp cơ khí rất cần "bàn tay" của nhà nước. Chính phủ và DN phải thành một khối tổng thể, thảo luận các biện pháp cần thiết. Theo tôi, cần nhiều giải pháp mạnh và đồng bộ như: Có chính sách thuế phù hợp trong nhập khẩu vật tư cho sản xuất ngành cơ khí; tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận nguồn vốn vay dài hạn cho đầu tư phát triển, đặc biệt hỗ trợ vay vốn để DN đầu tư thiết bị, máy móc, nhà xưởng sản xuất; xây dựng chương trình hỗ trợ DN áp dụng các hệ thống quản lý trong sản xuất để tạo ra sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật cao; hỗ trợ phát triển thị trường… Nói ngắn gọn, Chính phủ cần xây dựng ngành cơ khí đủ sức cạnh tranh, vươn lên trong cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, nên ban hành các chính sách phù hợp hơn, nhằm khuyến khích, tập trung vào các nhóm sản phẩm có lợi thế và phù hợp lộ trình hội nhập toàn cầu.

Các DN cơ khí phải làm gì để nâng cao nội lực, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, thưa ông?

Theo tôi, các DN cần nhận thức đầy đủ nhu cầu từ thị trường toàn cầu, hiểu rõ nhu cầu khách hàng như: Số lượng bao nhiêu, sản phẩm thế nào, giá trị dịch vụ cộng thêm là gì, sự cải tiến được mong đợi… Từ đó, thấy được vị trí của mình cũng như những hạn chế tồn tại cần khắc phục, những quy trình nào cần được đặt ra, những chứng chỉ nào cần được cung cấp, những kỹ năng nào cần được phát triển để đáp ứng yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu. Thêm vào đó là chủ động cơ cấu lại sản xuất, tìm hướng đi thích hợp.

Sắp tới, HAMEE sẽ phối hợp với Công ty triển lãm Vinexad (Bộ Công Thương) tổ chức Triển lãm Quốc tế Ngũ kim và dụng cụ cầm tay Việt Nam lần thứ hai, chuyên sâu về thiết bị cơ khí - chế tạo máy mang tầm quốc tế ở Việt Nam. Đây sẽ là sân chơi cho các DN Việt Nam nói chung và DN cơ khí nói riêng có cơ hội quảng bá hình ảnh DN và giới thiệu sản phẩm, dịch vụ đến các đối tác và khách hàng trong ngoài nước.

Xin cảm ơn ông!

Quỳnh Nga - Hoa Quỳnh

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/phat-trien-nganh-co-khi-thieu-don-bay-chinh-sach-93574.html