Phát triển ngành cao su hiệu quả, bền vững đến năm 2030

Đồng chí Cao Đức Phát đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận đánh giá khách quan về vai trò, vị trí của ngành cao su với sự phát triển của đất nước và của các địa phương; từ đó có góc nhìn toàn diện hơn về việc phát triển trồng cây cao su hiệu quả, bền vững đến năm 2030.

Ngày 6/11, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tập đoàn Cao su Việt Nam tổ chức Hội nghị phát triển cao su hiệu quả, bền vững đến năm 2030.

Các đồng chí: Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam Trần Ngọc Thuận đồng chủ trì hội nghị.

Đồng chí Cao Đức Phát phát biểu khai mạc hội nghị (ảnh: HM)Hội nghị nhận được nhiều tham luận của các bộ, ban, ngành, địa phương (ảnh: HM)

Đồng chí Cao Đức Phát phát biểu khai mạc hội nghị (ảnh: HM)Hội nghị nhận được nhiều tham luận của các bộ, ban, ngành, địa phương (ảnh: HM)

Chuyển đổi cơ cấu, chủng loại và chất lượng cao su phù hợp với nhu cầu tiêu thụ

Trao đổi tại hội nghị, các đại biểu cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, ngành cao su nước ta đang gặp nhiều khó khăn và thách thức. Trong giai đoạn 2010-2015, diện tích cao su tăng nhanh, một số vùng trồng ngoài quy hoạch, không phù hợp, có điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội khó khăn, như gió, bão ở khu vực Duyên hải miền Trung, rét đậm kéo dài, sương muối tại các vùng miền núi phía bắc đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, gây thiệt hại cho người sản xuất; giá cao su trên thị trường thế giới từ năm 2015 đến năm 2019 giảm xuống thấp, đang là thách thức đối với ngành cao su. Sản phẩm cao su chế biến của Việt Nam chủ yếu là nguyên liệu thô, phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Công nghệ chế biến còn hạn chế so với các nước trong khu vực, chưa đáp ứng được nguyên liệu cho ngành công nghiệp cao su trong nước. Các đại biểu cho rằng cần có những giải pháp cụ thể để tiếp tục duy trì, phát triển diện tích cây cao su trong cả nước.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng: Trong giai đoạn 2015 - 2020, chuyển đổi diện tích cao su không phù hợp với điều kiện phát triển trong các tiểu vùng hoặc có năng suất chất lượng kém sang cây trồng khác hiệu quả hơn. Tập trung đầu tư thâm canh tăng năng suất vườn cây cao su, phấn đấu tăng sản lượng cao su trung bình từ 3 - 4%/năm. Đầu tư nâng cấp các cơ sở chế biến nhằm thay đổi cơ cấu sản phẩm nguyên liệu cao su để phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của thị trường xuất khẩu và nhu cầu ngành công nghiệp cao su trong nước.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cao su cần đa dạng hóa thị trường, kết hợp với việc giảm giá thành, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm để tăng cường khả năng cạnh tranh. Tăng lượng tiêu thụ nội địa, các nhà sản xuất nguyên liệu cao su trong nước cần chuyển đổi cơ cấu, chủng loại và chất lượng sản phẩm cao su cho phù hợp với nhu cầu tiêu thụ ngành công nghiệp cao su trong nước.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Trần Tuệ Hiền chia sẻ tại hội nghị (ảnh: HM)

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Lò Minh Hùng đề nghị các Bộ, ngành Trung ương sớm ban hành hướng dẫn, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai các nội dung ký kết hợp đồng góp vốn cổ phần bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp để hợp tác đầu tư thực hiện dự án phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Sơn La; sớm ban hành chính sách hỗ trợ phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh theo hướng ban hành các chính sách hỗ trợ liên quan đến đào tạo nghề cao su...

Đại diện Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam cho rằng, trong thời đại công nghệ thì cần tiếp tục đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học công nghệ chuyên ngành cao su, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư trang thiết bị; đẩy mạnh công tác chuyển giao kỹ thuật và khuyến nông để đưa nhanh và cập nhật các tiến bộ kỹ thuật cho các thành phần trồng cao su trong cả nước.../.

Hoàng Mẫn

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/kinh-te/phat-trien-nganh-cao-su-hieu-qua-ben-vung-den-nam-2030-541822.html