Phát triển ngành cà phê bền vững: Cần các doanh nghiệp đầu tàu

Mặc dù thu về hàng tỷ USD qua xuất khẩu nhưng ngành cà phê Việt Nam vẫn chưa tạo sự ổn định cả về sản lượng, giá cả thị trường và giá trị gia tăng...Để khắc phục điều này và phát triển bền vững cần tập trung chế biến sâu và có những doanh nghiệp đầu tàu.

Nâng cao giá trị gia tăng của ngành cà phê Xuất khẩu cà phê một năm thắng lớn Ngành cà phê: Khó đạt mục tiêu xuất khẩu

Nhiều rủi ro

Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex cho biết, sản phẩm cà phê mang tính toàn cầu do đó số lượng cà phê xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam chưa có tình trạng tồn kho và không bán được. Rủi ro khi kinh doanh trên sàn phụ thuộc vào người mua hàng (thường là mua trên giấy nhiều hơn người mua hàng thật) dẫn đến thị trường luôn biến động. Nếu các doanh nghiệp không có kinh nghiệm và tham gia theo “bầy đàn” thì rủi ro là rất lớn.

Năm 2018 là năm Việt Nam xuất khẩu cà phê khá tốt, tăng khoảng 15% so với năm 2017. Giá cà phê đầu vụ khá tốt đối với người nông dân. Tuy nhiên sau thời vụ như hiện tại thì giá tiếp tục đi xuống. Điều đáng nói, lượng tồn kho cà phê rang xay của các nhà kho cà phê chủ yếu nằm ở kho của người dân, muốn đẩy mạnh bán ra thì giá trị thị trường sẽ giảm. Việc giữ giá cà phê ổn định là bài toán rất khó.

Các doanh nghiệp đầu tàu có khả năng là tạo ra thị trường hàng hóa, điều tiết thị trường giá cả.

Nhiều năm qua, sản lượng xuất khẩu của cà phê Việt tăng nhưng chủ yếu xuất thô, giá trị gia tăng, thương hiệu không có vì tiềm lực doanh nghiệp nội còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về tài chính dù biết đầu tư chế biến sâu là hiệu quả. Đó là chưa kể đến sự cạnh tranh đến từ các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Tuy nhiên điều đáng mừng, hiện các doanh nghiệp ở Việt Nam đã đi theo xu hướng là tiếp tục đầu tư chiều sâu nâng cao giá trị hàng hóa cũng như vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ nguồn gốc, tạo sản phẩm khác biệt để cạnh tranh.... Nếu doanh nghiệp làm tốt những vấn đề này thì giá của sản phẩm cũng sẽ được nâng lên tạo ra sự lợi thế nhất định.

Nâng cao chất lượng, giảm rủi ro

Theo ông Đỗ Hà Nam, thời gian vừa qua với sự vào cuộc giám sát chặt chẽ về nguồn gốc, chất lượng của cơ quan quản lý như Bộ Công Thương, Bộ Y Tế, Bộ Nông Nghiệp, cùng với sự tập trung đầu tư vào chế biến, nâng cao chất lượng của các doanh nghiệp đã giúp sản phẩm cà phê Việt ngày càng có chỗ đứng trên thị trường. Hiện nay Việt Nam có khoảng 10 nhà máy chế biến cà phê chất lượng cao, trong đó có 5 công ty của nước ngoài.

Tuy nhiên để phát triển ngành cà phê mang tính bền vững, đầu tiên các doanh nghiệp phải có hệ thống thu mua tốt từ người nông dân, xây dựng cơ sở chế biến đảm bảo các tiêu chuẩn người mua, bên cạnh đó phải xây dựng hệ thống bán hàng mang tính chuyên nghiệp, đảm bảo chữ tín trong kinh doanh.

Bên cạnh đó, cần nỗ lực nâng cao tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu như cà phê hòa tan, cà phê bột vừa nâng cao giá trị hàng hóa, lợi nhuận cũng như tạo thương hiệu, từng bước hướng tới thị trường toàn cầu.

Kinh doanh trong ngành nông nghiệp thì rủi ro có thể lúc lên lúc xống, vấn đề làm sao tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Đối với ngành cà phê Việt, Nhà nước cần nghiên cứu hợp tác với các doanh nghiệp đầu tàu, tại vì các doanh nghiệp đầu tàu có khả năng là tạo ra thị trường hàng hóa, điều tiết thị trường giá cả, ngoài ra còn có thể phối hợp với cơ quan của Chính phủ cảnh báo các rủi ro với các sản phẩm hàng hóa ra thị trường.

Theo thống kê của Tổng Cục Hải quan, tổng lượng cà phê xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2018 ước đạt 1,32 triệu tấn và 2,5 tỷ USD, tăng 15,5% về khối lượng nhưng giảm 2,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Hoàng Tỷ

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/phat-trien-nganh-ca-phe-ben-vung-can-cac-doanh-nghiep-dau-tau-108848.html