Phát triển năng lượng sạch: Chủ trương đúng đắn

Phát triển các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo đang được Chính phủ đặc biệt quan tâm và khuyến khích. Là khu vực có tiềm năng và lợi thế lớn, tại miền Trung, nhiều dự án đầu tư được khởi động, một số đã vận hành hiệu quả, góp phần tăng thu ngân sách và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Tiềm năng lớn

Việt Nam - quốc gia nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, số giờ nắng bình quân trong năm từ 2.500 - 3.000 giờ; nhiệt độ bình quân năm trên 21OC; hơn 8% diện tích có tiềm năng gió rất tốt (tốc độ gió ở độ cao 65m là 7 - 8 m/giây)...

 Phát triển năng lượng sạch là hướng đi đúng đắn

Phát triển năng lượng sạch là hướng đi đúng đắn

Với các tỉnh, thành phố miền Trung giáp biển, mức bức xạ nhiệt mặt trời cao nhất cả nước. Vì vậy, đây là khu vực có tiềm năng và lợi thế lớn để phát triển năng lượng tái tạo. Tận dụng lợi thế này, ngoài chủ trương, chính sách khuyến khích từ Chính phủ, các địa phương của khu vực còn những điều kiện thuận lợi nhất để thu hút nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát và phát triển dự án năng lượng tái tạo.

Nỗ lực của chính quyền các địa phương bước đầu cho thấy kết quả khả quan, đáng khích lệ với nhiều dự án điện năng lượng mặt trời có quy mô lớn khởi công hoặc đã vận hành đến từ nhiều đầu tư trong nước và quốc tế.

Có thể kể đến một số dự án nổi bật như: Dự án Nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp (huyện Phù Cát) có tổng diện tích 62 ha, công suất thiết kế 49,5 MW, tổng vốn đầu tư gần 1.140 tỷ đồng; Dự án Nhà máy Điện mặt trời AMI Khánh Hòa (xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm) công suất thiết kế 50MWp, tổng diện tích đất sử dụng 67,2ha, tổng vốn đầu tư 1.245 tỷ đồng; Dự án Nhà máy Phong điện Phương Mai 3 tại Khu kinh tế Nhơn Hội (Quy Nhơn – Bình Định) có công suất thiết kế 21MW, tổng mức đầu tư khoảng 45 triệu USD, được xây dựng trên tổng diện tích 122 ha.

Đặc biệt, Tổ hợp năng lượng tái tạo Trung Nam (tỉnh Ninh Thuận) do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam đầu tư gồm trang trại điện gió (tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng), điện mặt trời (tổng vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng), được đấu nối trực tiếp với hệ thống điện quốc gia qua Trạm biến áp 220KV Tháp Chàm. Tổng sản lượng khai thác hàng năm đạt khoảng 950 triệu kWh đến 1 tỷ kWh.

Vững bước tiên phong

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, phát triển điện phải đi trước một bước để đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích thu hút vốn ngoài nhà nước đầu tư cho ngành điện. Cùng với sự nỗ lực của các ngành, các cấp đến nay, hệ thống điện quốc gia bảo đảm cung cấp đủ điện đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước với chất lượng và độ tin cậy ngày càng cao.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho hay, các tỉnh miền Trung có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo. Chính phủ đã có một loạt những quyết sách đúng đắn nhằm thu hút kêu gọi các nhà đầu tư, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện năng trong thời gian tới, giải quyết bài toán về an ninh năng lượng.

Ông Nguyễn Sỹ Hùng- Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) - cho biết, để phục vụ phát triển kinh tế, nhu cầu tiêu thụ điện trên địa bàn miền Trung liên tục tăng. Năm 2018, sản lượng điện thương phẩm tăng 9,12% so với năm 2017 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao trong những năm tiếp theo. Trong khi đó, việc khai thác điện từ nguồn tài nguyên như nước, than hiện đang đứng trước nhiều thách thức do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên. Vì vậy, nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch như điện mặt trời, điện gió sẽ là xu hướng phát triển của tương lai. Cũng từ thực tế trên, EVNCPC đón đầu, tạo mọi điều kiện và đồng hành cùng các dự án đầu tư phát triển điện mặt trời.

Tháo gỡ vướng mắc về truyền tải điện

Ông Phạm Đăng Thành - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận – bày tỏ, vướng mắc lớn nhất là hạ tầng lưới điện, giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo. Hầu hết các dự án đều không thể phát hết công suất mà phải tuân thủ theo sự điều độ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Nhiều dự án điện mặt trời vận hành cùng lúc sẽ làm quá tải hệ thống truyền dẫn, có thể gây mất ổn định hệ thống điện, gây tụt áp, rã lưới...

Mới đây, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đã chủ động đề xuất xã hội hóa lưới điện truyền tải. Cụ thể, nhà đầu tư gắn đầu tư dự án năng lượng tái tạo với hệ thống lưới điện truyền tải; khi hoàn thành nhà đầu tư sẽ chuyển giao lại phần hạ tầng truyền tải cho EVN quản lý, khai thác.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), với hướng đi lâu dài, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép xã hội hóa đường dây truyền tải. Bên cạnh đó, Cục Điều tiết điện lực cũng đề nghị các địa phương hỗ trợ ngành điện giải phóng mặt bằng lắp đặt hệ thống đường dây truyền tải.

Bộ Công Thương đang gấp rút tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội điều chỉnh một số quy định pháp luật hiện hành, cho phép xã hội hóa việc xây dựng, lắp đặt các dự án truyền tải.

EVN đã kiến nghị UBND tỉnh Ninh Thuận báo cáo Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ cho phép lắp đặt các trạm biến áp tạm 220/110 kV tại Vĩnh Tân và Phước Thái. Các chủ đầu tư nhà máy năng lượng tái tạo tham gia lắp đặt, sau khi hoàn thành sẽ cho EVN thuê để vận hành.

Xuân Hoài - Thành Long

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phat-trien-nang-luong-sach-chu-truong-dung-dan-127962.html