Phát triển mở rộng thị trường: Yếu tố sống còn của doanh nghiệp

Dịch Covid-19 diễn biến khó lường cùng với những biến động bất thường từ bên ngoài là phép thử khả năng chống chọi và vươn dậy của mỗi DN. Thực tế này đòi hỏi DN phải sâu sát thị trường, coi việc tìm kiếm, phát triển và mở rộng thị trường là nhiệm vụ sống còn.

May hàng xuất khẩu tại Công ty Vit Garment - KCN Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

May hàng xuất khẩu tại Công ty Vit Garment - KCN Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Những nút thắt chưa được tháo gỡ

Không thể phủ nhận tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc và Đông Bắc Á cả đầu ra và đầu vào của nhiều ngành hàng khiến nền kinh tế Việt Nam dễ bị tổn thương. Minh chứng rõ nhất là trong đợt dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020, nhiều DN trong nước lao đao vì thiếu nguồn cung nguyên phụ liệu, linh kiện phục vụ sản xuất, kéo theo khó khăn về thị trường tiêu thụ, nhất là các ngành hàng điện tử, dệt may và da giày.
Nhận định về vấn đề thị trường, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng: “Việc dịch chuyển của các chuỗi giá trị toàn cầu, dòng chảy thương mại, đầu tư để đối phó với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và quá trình thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang khơi dậy những động lực và mở ra những không gian mới cho việc đa dạng hóa thị trường. Đó là thúc đẩy các DN tăng tỷ lệ nội địa hóa và nguồn cung ứng từ các thị trường tiềm năng ngoài Trung Quốc và Đông Bắc Á để giảm tình trạng phụ thuộc. Tuy nhiên, trong tương lai không chỉ Mỹ, Trung Quốc mà ngay cả Nhật Bản, Hàn Quốc... khi gặp khó khăn sẽ tìm cách quay trở lại bảo vệ thị trường nội địa. Vì vậy, Việt Nam cần tính tới điều này trong một chiến lược bài bản, thực chất và hiệu quả hơn cho phát triển thị trường trong nước ngay từ lúc này".
Chỉ ra những thách thức đối với Việt Nam khi thực thi các FTA, TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh chia sẻ: Trong lần rà soát chính sách thương mại đầu tiên trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), được thực hiện theo kỳ bảy năm một lần, WTO đánh giá Việt Nam tuân thủ tốt các cam kết. Tuy nhiên, cơ hội mà nền kinh tế Việt Nam khai thác được từ WTO lại được nhìn nhận là không cao, thậm chí nhiều cơ hội đã biến thành thách thức khi khu vực đầu tư nước ngoài đang trở thành trụ cột trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Như vậy, vấn đề không chỉ là những thách thức với xu hướng mới, yêu cầu mới của các FTA, mà với cả những nút thắt thể chế vẫn còn tồn tại chưa được tháo gỡ.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, DN Việt muốn vươn ra thị trường thế giới thì phải đứng vững trên thị trường nội địa. Bởi, với gần 100 triệu dân, tầng lớp trung lưu bùng nổ và một nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, thị trường trong nước phải được coi là điểm tựa. Do đó, giải pháp trong ngắn hạn là Chính phủ, cơ quan quản lý Nhà nước cần hỗ trợ mạnh cho sản xuất, kinh doanh, giải quyết thủ tục hành chính khẩn trương, quyết liệt nhằm giúp DN giảm chi phí, vượt qua giai đoạn khó khăn. Về dài hạn, cùng với coi trọng thị trường trong nước, cần đa dạng hóa thị trường quốc tế, định hình lại các chuỗi giá trị thông qua tái cấu trúc nền kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh cũng như giảm sự phụ thuộc quá lớn vào bất kỳ thị trường nào.
Tổng Giám đốc Tổng Công ty May Bắc Giang LGG Lưu Tiến Chung cho biết, công ty vẫn đang duy trì cân bằng tỷ trọng các thị trường (Mỹ, EU, Nhật, Hàn...) để tránh rủi ro. Đồng thời, áp dụng các phương thức sản xuất tiên tiến, máy tự động để giảm thiểu chi phí bảo đảm có hiệu quả kinh doanh trong điều kiện chi phí lao động tăng. Ngoài ra, DN cũng chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh tuân thủ trách nhiệm xã hội đáp ứng yêu cầu khắt khe hơn của các đối tác lớn. “Không chỉ trong bối cảnh dịch Covid – 19 bùng phát, về lâu dài, việc phụ thuộc vào một nguồn cung từ Trung Quốc luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, ngoài việc tìm kiếm, hợp tác với những đối tác cung ứng nguyên phụ liệu mới, DN cần đẩy mạnh việc mở rộng nguồn cung nội địa” – ông Lưu Tiến Chung khuyến nghị.
Như vậy, một trong những nhiệm vụ hàng đầu hiện nay là phải thu hút đầu tư nguồn lực xã hội vào phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, quan trọng nhất là thu hút các nhà sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh và các nhà cung cấp linh kiện lớn trên thế giới đầu tư vào Việt Nam với mục tiêu phục vụ thị trường trong nước và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm của các DN xuất khẩu. Đây được coi là giải pháp then chốt để Việt Nam từng bước tự chủ được nguồn cung nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất; là cơ sở thuận lợi cho DN tận dụng ưu đãi từ các FTA.

Việt Nam cần phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, tăng cường liên kết, tận dụng tối đa các thị trường mới mở ra từ các FTA để mở rộng các kênh cung ứng và đa dạng hóa thị trường.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc

Ánh Ngọc

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/phat-trien-mo-rong-thi-truong-yeu-to-song-con-cua-doanh-nghiep-418665.html