Phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp- một xu thế tất yếu

Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan- ĐBQH, Giám đốc HV Nông nghiệp Việt Nam: Trước những thách thức của nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng về nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và gần đây là sự tranh chấp căng thẳng về rác thải giữa một số nước thì việc phát triển nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường qua mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp là một xu thế tất yếu.

Các tiêu chí phát triển sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường chưa được quan tâm

“Trong mô hình kinh tế tuần hoàn, quá trình sản xuất theo một chu trình khép kín mà hầu hết các chất thải được quay trở lại làm nguyên liệu cho sản xuất. Chất thải và phụ phẩm của quá trình sản xuất này là đầu vào của quá trình sản xuất khác. Mô hình kinh tế tuần hoàn tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm tối đa sự lãng phí, thất thoát và nhất là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây chính là điểm khác biệt lớn với nền kinh tế truyền thống mà người ta chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên nhằm tối đa hóa sản lượng, vứt bỏ sau tiêu thụ, tạo ra một lượng phế thải khổng lồ gây ô nhiễm môi trường. Mô hình kinh tế tuần hoàn đặc biệt quan trọng và cần thiết đối với lĩnh vực nông nghiệp”- GS.TS.ĐBQH Nguyễn Thị Lan cho biết.

Theo tổ chức FAO thì hàng năm, 1/3 lượng nông sản của thế giới mất đi hoặc trở thành rác thải, làm lãng phí và tiêu tốn trung bình trên đầu người 260.000 USD/người/năm. Để biến chất thải thành nguồn lợi, tạo ra giá trị vật chất cho con người, các cường quốc về nông nghiệp như Hà Lan, Pháp và một số nước phát triển khác đang rất chú trọng để thúc đẩy và quan tâm ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Đối với Việt Nam, giai đoạn vừa qua đã đạt được nhiều kết quả rất đáng tự hào. Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Thị Lan thì: “Phân tích theo chuỗi giá trị, dễ dàng nhận thấy, ngành nông nghiệp nước ta vẫn cần giải quyết tốt hơn một số vấn đề còn tồn tại như sau: Thứ nhất, trong sản xuất chúng ta quá chú trọng vào số lượng, tìm cách tăng sản lượng, tăng năng suất nhưng chưa quan tâm đúng mức đến các tiêu chí phát triển sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường. Chưa quan tâm đến lượng dư thừa đầu vào của quá trình sản xuất như dư thừa phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn cũng như các rủi ro với môi trường do việc dư thừa đầu vào gây ra.

Thứ hai, chúng ta còn quá tập trung vào các khâu trước thu hoạch mà chưa tính toán đầy đủ và chưa có giải pháp hiệu quả cho sự thất thoát, lãng phí ở các khâu thu hoạch, sau thu hoạch và tiêu dùng. Kết quả nghiên cứu của tổ chức FAO cho thấy, Việt Nam có thất thoát, lãng phí trong chế biến và tiêu dùng nông sản cao gấp 7 lần so với Hà Lan. Thịt, cá, rau quả là mặt hàng bị mất đi trong chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ lớn nhất, trên thế giới trung bình 45% nhưng đối với Việt Nam lên đến 60%.

Thứ ba, nhận thức chung của xã hội về việc phát triển nền nông nghiệp tuần hoàn theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu dùng và trong quản lý, tổ chức sản xuất, sử dụng sản phẩm theo hướng hiệu quả cao, phát triển bền vững, thân thiện môi trường, tăng tính nhân văn, hạn chế chất thải và không lãng phí còn chưa đồng bộ, chưa đầy đủ”.

GS.TS Nguyễn Thị Lan- ĐBQH, Giám đốc HV Nông nghiệp Việt Nam: Mô hình kinh tế tuần hoàn tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm tối đa sự lãng phí, thất thoát, nhất là giảm tối đa chất thải ra môi trường

GS.TS Nguyễn Thị Lan- ĐBQH, Giám đốc HV Nông nghiệp Việt Nam: Mô hình kinh tế tuần hoàn tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm tối đa sự lãng phí, thất thoát, nhất là giảm tối đa chất thải ra môi trường

Áp dụng công nghệ cao trong tái chế để tái sử dụng rác thải và phụ phẩm

Với tư duy theo hướng kinh tế tuần hoàn, không cái gì bị bỏ đi, các bên đều chiến thắng trong chuỗi giá trị của quá trình sản xuất khép kín. Chúng ta có thể triển khai áp dụng công nghệ cao trong tái chế để tái sử dụng rác thải và phụ phẩm trong nuôi trồng, chế biến nông, lâm thủy sản để tạo ra giá trị gia tăng cao. Đặc biệt, nếu chúng ta có thể nghiên cứu áp dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý để xử lý chất thải và xác vật nuôi bị nhiễm bệnh thành các sản phẩm phân bón, sản phẩm hữu dụng, an toàn thì vừa tránh được những bấp cập trong tiêu hủy, chôn lấp vừa tiết kiệm chi phí và tránh gây ô nhiễm môi trường.

Từ những phân tích trên tôi kính đề nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ có chủ trương ưu tiên, định hướng phát triển nền nông nghiệp tuần hoàn, có chính sách đồng bộ để thúc đẩy, thu hút sự tham gia của toàn xã hội trong chuỗi sản xuất tiêu thụ nông sản; có chính sách nâng cao nhận thức, ý thức và tư duy của toàn xã hội về nông nghiệp tuần hoàn thông qua chương trình đào tạo từ các cấp bậc phổ thông đến bậc đại học và thông qua các chương trình khuyến nông.

Thêm nữa, cần có các chính sách đầu tư cho nghiên cứu, đầu tư nguồn lực phát triển các hệ thống quản lý, quản trị sản xuất và công nghệ tương thích để phát triển nền nông nghiệp tuần hoàn từ đó lan tỏa sang các ngành kinh tế khác để góp phần định hướng lại nền nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu ngành, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế để chúng ta sẵn sàng chủ động tham gia vào cuộc cách mạng về chất lượng và hiệu quả. Một cuộc cách mạng đầy hứa hẹn nhưng không ít khó khăn, thách thức và luôn đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng.

Linh Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/phat-trien-mo-hinh-kinh-te-tuan-hoan-trong-san-xuat-nong-nghiep-mot-xu-the-tat-yeu-150744.html