Phát triển miếng dán điều trị ung thư da

Các miếng dán không gây đau đớn và tự tan biến sau khi đưa thuốc vào cơ thể người bệnh, vừa được phát triển bởi các nhà khoa học Đại họcurdue, ở Lafayette, Hoa Kỳ.

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS), khoảng 100.350 trường hợp ung thư hắc tố mới sẽ được chẩn đoán ở Mỹ vào cuối năm 2020. Ung thư hắc tố chiếm tỷ lệ tử vong cao hơn bất kỳ loại ung thư da nào khác, và ACS dự đoán sẽ có 6.850 trường hợp tử vong do ung thư hắc tố trong năm nay.

Những tiến bộ gần đây trong việc hóa trị ngoài da tại khối ung thư hắc tố đã cung cấp các lựa chọn điều trị sau phẫu thuật hiệu quả hơn so với hóa trị tiêu chuẩn, hơn nữa còn giảm độc tính và tác dụng phụ. Tuy nhiên, những liệu pháp này thường sử dụng các mũi kim siêu nhỏ và có thể gây đau đớn, do đó nhiều người bệnh có thể không chịu được.

Hình ảnh u hắc tố ác tính.

Giờ đây, một nghiên cứu mới từ các nhà nghiên cứu tại Đại học Purdue, ở Lafayette, Hoa Kỳ đã đề xuất một giải pháp. Các nhà khoa học đã tạo ra một miếng dán không gây đau đớn khi điều trị ngoài da cho khối ung thư hắc tố.

Chúng tôi đã tạo ra một miếng dán mới với các mũi kim siêu nhỏ, cho phép vận chuyển thuốc không gây khó chịu qua da để điều trị bệnh ung thư da. Ông Chi Hwan Lee, tác giả chính của nghiên cứu cho biết.

Loại bỏ khối u bằng phẫu thuật cắt bỏ là phương pháp điều trị ung thư da được ưu tiên. Tuy nhiên, khối ung thư hắc tố có thể phát triển và tái phát thường xuyên, khiến người bệnh phải lặp đi lặp lại các đợt hóa trị và xạ trị thông thường.

Hóa trị là một yếu tố đặc biệt quan trọng của điều trị khi phẫu thuật không còn là một lựa chọn hoặc khi ung thư đã lan rộng. Do các liệu pháp này có thể gây khó khăn cho bệnh nhân và thường gây độc tính và các tác dụng phụ khác. Các nhà nghiên cứu đang xem xét hóa trị ngoài da như một phương pháp dễ dung nạp hơn - một phương pháp có thể hiệu quả tương đương, nếu không muốn nói là hiệu quả hơn.

Dù hóa trị ngoài da cho thấy có triển vọng, các tác giả nghiên cứu cho biết cơn đau do đầu kim polyme nhỏ gây ra thường kìm hãm tiến trình này. Các đầu kim được sử dụng trong hóa trị ngoài da rất nhỏ nhưng vẫn đủ lớn để gây đau. Điều này đặc biệt bất tiện, ví dụ, trong điều trị ung thư hắc tố ở mắt, do giác mạc rất nhạy cảm.

Miếng dán mới là một lớp màng mềm, tan trong nước, tan nhanh sau khi đưa các sợi nano silicon được thiết kế đặc biệt vào da. Những đầu kim nano này vô hại với mô sống, và sau khi cung cấp thuốc được giải phóng dần dần, chúng được cơ thể hấp thụ.

Miếng vá da có thể hấp thụ được thiết kế bởi nhóm nghiên cứu của Đại học Purdue.

Miếng vá da có thể hấp thụ được thiết kế bởi nhóm nghiên cứu của Đại học Purdue.

Giáo sư Lee giải thích: Miếng dán này đặc biệt có thể hòa tan hoàn toàn bởi chất lỏng trong cơ thể, sao cho chất nền được hòa tan trong vòng 1 phút sau khi đưa kim vào da, sau đó hòa tan dần dần các kim silicon bên trong mô trong vòng vài tháng. Thiết kế mũi kim siêu nhỏ của các nhà nghiên cứu khiến chúng trở thành một công cụ giải phóng thuốc từ từ lí tưởng. Sự độc đáo của công nghệ của chúng tôi nằm ở việc chúng tôi sử dụng các sợi nano silicon cực nhỏ nhưng bền với các đầu nhọn, góc cạnh, dễ dàng xâm nhập vào da theo cách không gây đau đớn và xâm lấn tối thiểu.

Những chiếc kim nhỏ xíu và xốp này được thiết kế với khả năng tải thuốc lớn, đủ để cung cấp thuốc liên tục trước khi chúng tan. Công suất của chúng tương đương với đầu kim nhỏ với kích cỡ lớn hơn hiện đang được sử dụng cho hóa trị ngoài da.

Giáo sư Lee nhớ lại rằng ông bắt đầu tìm kiếm một cách tốt hơn để cung cấp hóa trị ngoài da sau khi thấy nỗi sợ kim tiêm của con gái khi tiêm chủng.

Nhóm nghiên cứu mà Giáo sư Lee điều hành tại Purdue tập trung vào việc thu hẹp khoảng cách giữa công nghệ hiện tại và nhu cầu lâm sàng chưa được đáp ứng. Đội ngũ của ông chuyên phát triển các thiết bị đeo được. Ngoài các miếng dán lột-và-dính để đưa thuốc vào cơ thể, họ cũng phát triển các thiết bị theo dõi tình trạng sức khỏe.

Miếng dán ung thư hắc tố được phát triển và thử nghiệm bởi phòng thí nghiệm của Giáo sư Lee, với sự tham gia của Giáo sư Yoon Yeo, Đại học Dược Purdue, và Giáo sư Dong Rip Kim, thuộc Đại học Hanyang, Seoul, Hàn Quốc.

Hải Sơn

(Theo MNT 6/2020)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phat-trien-mieng-dan-dieu-tri-ung-thu-da-n176407.html