Phát triển mạnh cây lát

Bình Gia là một trong những huyện khó khăn của tỉnh Lạng Sơn, tỷ lệ hộ nghèo cao… Thế mạnh duy nhất của Bình Gia là diện tích đất đai rộng, địa phương xác định phát triển lâm nghiệp là hướng đi xóa đói, giảm nghèo bền vững. Một trong những cây đang được đẩy mạnh phát triển ở Bình Gia là cây gỗ lát, vì thời gian thu hoạch lên đến trên 20 năm nên bà con coi cây lát là 'của hồi môn'.

Những năm gần đây, trên địa bàn Lạng Sơn, một số huyện có thế mạnh về đất rừng như Hữu Lũng, Lộc Bình, Đình Lập, Bình Gia, Tràng Định hầu hết đều tập trung đầu tư mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn. Như huyện Bình Gia, theo số liệu mới nhất, huyện hiện có gần 1.000 héc-ta quế, gần 1.300 héc-ta lát hoa, đây là huyện có diện tích trồng cây quế và lát lớn nhất trên địa bàn Lạng Sơn. Có được kết quả về phát triển kinh tế lâm nghiệp, trồng rừng là do khoảng 10 năm trở lại đây, Bình Gia xác định phát triển kinh tế rừng là hướng đi chủ đạo. Đặc biệt, việc trồng rừng từng bước hướng tới tập trung vào phát triển một số loại cây gỗ lớn và cây có giá trị kinh tế cao như: keo, lát… Việc tập trung trồng những loại cây lâm nghiệp này đã mang lại thu nhập cao hơn cho người trồng rừng trên địa bàn huyện. Hiện tại Bình Gia, những xã như: Tân Hòa, Thiện Long, Hòa Bình, Vĩnh Yên… các hộ trồng rừng đã có thu nhập trung bình 50 triệu đồng/năm. Những hộ có diện tích trồng lớn và trồng rừng lâu năm đã có mức thu nhập đạt từ 150 – 200 triệu đồng/năm…

Nhiều địa phương đang đẩy mạnh trồng cây gỗ lớn

Nhiều địa phương đang đẩy mạnh trồng cây gỗ lớn

Có thể nói, bên cạnh sản xuất trồng trọt và chăn nuôi, lâm nghiệp của huyện Bình Gia luôn được quan tâm chú trọng đầu tư phát triển. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn, Bình Gia đã tổ chức rà soát tổng diện tích đất lâm nghiệp giao cho người dân trồng, phát triển sản xuất. Để đẩy nhanh tiến độ trồng, phát triển rừng hằng năm đảm bảo đúng kế hoạch, hiệu quả cao, ngay từ đầu năm, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn, các ngành chức năng vận động người dân tích cực trồng rừng, do đó, cây giống, mặt bằng… được chuẩn bị đầy đủ, đồng thời làm tốt công tác chăm sóc bảo vệ đối với những diện tích rừng mới. Chủ trương của huyện là tuyên truyền, hỗ trợ người dân ở những nơi có rừng, gắn bó với việc trồng rừng, lấy việc trồng rừng là “kế sinh nhai”. Huyện cũng thường xuyên cử cán bộ đi tìm hiểu, học tập những tiến bộ khoa học kỹ thuật về thâm canh rừng để áp dụng tại địa phương. Việc sử dụng giống cây lâm nghiệp có chất lượng tốt, tỷ lệ sinh khối cao ngày càng phổ biến.

Trao đổi với phóng viên, ông Lương Trương Đạt – Bí thư Huyện ủy Bình Gia thông tin: Cùng với định hướng chung của huyện về phát triển kinh tế lâm nghiệp, mỗi cán bộ chuyên môn của huyện còn phải đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động người dân hiểu về lợi ích lâu dài của kinh tế rừng, đến nay người dân đã tích cực tham gia phát triển kinh tế rừng. Đặc biệt với đặc thù thổ nhưỡng đất đai của Bình Gia rất phù hợp với trồng cây gỗ lát, loại gỗ quý và có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, đặc thù của cây gỗ lát là không trồng được dày và thời gian thu hoạch phải sau 20 năm. Cây lát trưởng thành cho thu hoạch (đường kính thân trên 40 cm) có giá trị thời điểm hiện tại khoảng hơn 20 triệu đồng/cây… Như vậy, có thể nói dù thời gian thu hoạch lâu năm nhưng đánh giá tổng thể, cây lát mang lại giá trị kinh tế rất cao. Ông Lương Trương Đạt chia sẻ, để động viên người dân trồng cây lát, lãnh đạo huyện phải gặp gỡ động viên và nói cho bà con hiểu. Việc trồng cây lát hiện tại có thể mình chưa được thu hoạch, nhưng con cháu mình sẽ thu hoạch, hãy coi cây lát như “của hồi môn” để lại cho con cháu. Đến nay, hầu hết các hộ trồng rừng ở Bình Gia đều trồng cây lát, nhà ít cũng vài chục gỗ quanh vườn, có những hộ lên đến vài trăm cây lát. Có thể nói nhìn về lâu dài, đây là một tài sản tích lũy lớn, là “của hồi môn” cho con cháu…

Cùng với đẩy mạnh trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp, Bình Gia cũng đang đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Năm 2019, Bình Gia phấn đấu đưa 2 xã về đích nông thôn mới là xã Bình La và Vĩnh Yên, nâng tổng số xã về đích nông thôn mới của địa phương lên 6 xã.

N. Quang - P. Tiệp

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phat-trien-manh-cay-lat-120662.html