Phát triển logistics và vai trò của cơ quan Hải quan

Nhận thấy nhiều bất cập trong việc phát triển hệ thống cảng biển và dịch vụ logistics, Cục Hải quan TP.HCM đã kiến nghị lãnh đạo TP.HCM nhiều nội dung nhằm hỗ trợ hoạt động XNK trên địa bàn.

Cảng Hiệp Phước- TP.HCM được đầu tư hiện đại nhưng hàng hóa qua cảng còn hạn chế. Ảnh: T.H.

Theo quy hoạch di dời tái bố trí các kho bãi cảng trong địa bàn TP.HCM, hầu hết các các cảng truyền thống tồn tại lâu năm trong nội đô sẽ được chuyển đổi công năng và di dời, như: cảng Tân Cảng đã di dời ra Cát Lái, cảng Ba Son chuyển đổi công năng, cảng Sài Gòn di dời về Hiệp Phước, khu vực cảng Tân Thuận Bến Nghé di dời, khu vực các cảng ICD Phước Long chuyển đổi công năng… Tuy nhiên, cho đến nay việc tái bố trí hay dành quỹ đất mới để bố trí cho cơ quan Hải quan làm việc chưa có hoặc triển khai chậm. Chẳng hạn, 3 đơn vị (Đội kiểm soát hải quan, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn KV2, Chi cục Hải quan Khu công nghệ cao) chưa có trụ sở làm việc phải thuê trụ sở bên ngoài. Một số đơn vị làm chung trụ sở với các đơn vị kinh doanh cảng như, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1; Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 3; Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hiệp Phước…

Trong thời gian qua, ngành Hải quan nói chung và Cục Hải quan TP.HCM nói riêng đã luôn đồng hành cùng các DN kinh doanh cảng biển nhằm tạo thuận lợi nhất cho hoạt động XNK hàng hóa, giảm chi phí cho DN. Chẳng hạn như vấn đề kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu, ngoài việc kiến nghị tiếp tục giảm bớt giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu; điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu cho phù hợp với Luật Doanh nghiệp 2016, Cục Hải quan TP.HCM còn phối hợp với DN kinh doanh cảng triển khai, bố trí địa điểm kiểm tra chuyên ngành ngay tại cửa khẩu…

Thực hiện đề án của Cục Hải quan TP.HCM về việc kiểm tra soi chiếu trước hàng hóa, Cục Hải quan TP.HCM đã chủ động làm việc với các công ty kinh doanh cảng thực hiện soi trước container hàng nhập khẩu ngay khi dỡ xuống tàu nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp; Tiếp tục triển khai Cơ chế một cửa quốc gia trong thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh tàu biển. Đến nay, tại TP.HCM có 631 đại lý hãng tàu đăng ký tham gia thực hiện thủ tục điện tử cho tàu biển trên hệ thống một cửa quốc gia.

Đặc biệt, từ đầu năm 2018 đến nay, Cục Hải quan TP.HCM đã thí điểm triển khai Hệ thống quản lý, giám sát hải quan tự động đối với hàng hóa qua khu vực giám sát hải quan theo Đề án quản lý, giám sát hải quan tại cảng biển, cảng hàng không theo Kế hoạch 4098/KH-TCHQ của Tổng cục Hải quan và Quyết định 2722/QĐ-BTC của Bộ Tài chính. Đến nay, Cục Hải quan TP.HCM đã triển khai tại 4 cảng, gồm: Cảng Bông Sen, cảng SP-ITC, cảng Tân Cảng - Hiệp Phước, cảng Phước Long (ICD1 và ICD3). Bước đầu việc triển khai đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, mang lại nhiều thuận lợi cho cơ quan Hải quan, các DN kinh doanh cảng và các DN XNK, được cộng đồng DN đánh giá cao. Tính đến ngày 18/3/2018 đã có khoảng 9.849 container, 4.916 kiện và 216.768 tấn hàng rời và khoảng 2.407 tờ khai được làm thủ tục và tự động xác nhận hàng hóa qua khu vực giám sát trên Hệ thống giám sát hải quan tự động.

Trong quá trình thực hiện, nhận thấy nhiều bất cập trong việc phát triển hệ thống cảng biển và dịch vụ logistics, Cục Hải quan TP.HCM đã kiến nghị lãnh đạo TP.HCM nhiều nội dung nhằm hỗ trợ hoạt động XNK trên địa bàn. Mới đây, để triển khai Hệ thống giám sát, quản lý hải quan tự động tại cảng biển, cảng hàng không (VASSCM) nhằm tạo thuận lợi tối đa cho cộng đồng DN vừa tăng khả năng quản lý của cơ quan Nhà nước trong hoạt động XNK, Cục Hải quan TP.HCM đã kiến nghị lãnh đạo TP.HCM chỉ đạo các sở, ban ngành, hiệp hội doanh nghiệp, các đơn vị kinh doanh kho bãi tham gia triển khai vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ nhằm tăng khả năng cạnh tranh DN trong xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tại cảng Cát Lái có tình trạng hàng hóa quá tải, ùn tắc cục bộ vào dịp lễ, Tết do hạ tầng giao thông khu vực cảng Cát Lái chưa được cải thiện, thêm nữa là xung quanh khu vực cảng không có các khu kho bãi chứa hàng chờ bốc, hạ; các dịch vụ logistics đáp ứng nhu cầu XNK hàng hóa. Cảng Cát Lái chưa áp dụng hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động dẫn tới ùn tắc tại khâu giám sát bãi, cổng cảng.

Để giảm tải tại cảng này, Cục Hải quan TP.HCM đã phối hợp với cảng giải quyết thông quan hàng hóa ngoài giờ chính, kiến nghị điều tiết hàng hóa tại các cảng lân cận, đồng thời đang quyết liệt chuẩn bị áp dung hệ thống giám sát hải quan tự động tại cảng Cát Lái...

Cục Hải quan TP.HCM kiến nghị, TP.HCM tạo điều kiện cho cụm cảng Hiệp Phước mở rộng hoạt động về lĩnh vực logistics và dịch vụ giá trị gia tăng đối với mặt hàng xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc, cung cấp các dịch vụ lưu kho bãi, đăng kiểm, hải quan, kiểm tra kỹ thuật... để đáp ứng nhu cầu đang tăng trưởng nhanh chóng của thị trường xe ô tô nhập khẩu tại Việt Nam, phát triển cụm cảng Hiệp Phước thành trung tâm khai thác, nhập khẩu mặt hàng ô tô lớn nhất khu vực TP.HCM nói riêng và cả khu vực miền Nam nói chung. Quy hoạch xây dựng cảng, bến cảng và các dịch vụ giá trị gia tăng nhằm đón tàu du lịch trong nước và quốc tế (dự báo tới 2020 hành khách là 326 ngàn lượt/năm); Xây dựng kế hoạch, triển khai điều tiết lượng hàng hóa qua các cảng nhằm giảm ùn tắc cục bộ tại khu vực cảng Cát Lái, như: Điều tiết hàng về các cảng xung quanh: SP-ITC, Hiệp Phước, ICD Phước Long, VICT...

Về các dự án hạ tầng kết nối khác đến khu đô thị cảng Hiệp Phước, Hải quan TP.HCM kiến nghị các cơ quan quản lý có thẩm quyền cần có kế hoạch triển khai, hoàn thành các dự án hạ tầng kết nối khác đến Khu đô thị cảng (tuyến vành đai 3, vành đai 4, nạo vét luồng Soài Rạp, nâng cấp các tuyến giao thông thủy nội địa...) với tiến độ đầu tư phù hợp với nhu cầu sử dụng để hỗ trợ gia tăng giá trị dự án tạo nguồn thu hoàn vốn cho dự án BT. Tạo điều kiện để phát triển vận tải đường sông và phát huy tiềm năng vận tải thủy nội địa của hệ thống sông, kênh trong khu vực nhằm đáp ứng thông qua khối lượng hàng hóa (không bao gồm hàng lỏng) năm 2020 là 100 triệu tấn/năm và 326 ngàn lượt hành khách/năm.

Cùng với các kiến nghị trên, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý hải quan, phát triển hoạt động logistics, đại lý hải quan và thủ tục đối với hàng hóa quản lý chuyên ngành, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động XNK, sản xuất và đầu tư, Cục Hải quan TP.HCM đang nghiên cứu xây dựng chuyên đề “Dịch vụ logistics, đại lý hải quan và thủ tục đối với hàng hóa XNK quản lý chuyên ngành”. Chuyên đề này nằm trong chủ trương, định hướng của UBND TP.HCM phát triển dịch vụ logistics tại địa bàn TP.HCM và các khu vực lân cận.

Ông Phạm Anh Tuấn, đại diện Công ty CP Tư vấn thiết kế cảng - Kỹ thuật biển:

Việc phân bố hàng hóa không đồng đều giữa các cảng biển trong nhóm đang làm ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác hạ tầng kết cấu của toàn nhóm cảng biển số 5. Hiện nay, hàng hóa tập trung nhiều tại cảng Cát Lái, trong khi đó, khu vực cảng Hiệp Phước ngay gần đó lại rất ít hàng hóa, cảng Cái Mép- Thị Vải cũng chỉ khai thác được khoảng 30% tổng công suất. Tình trạng này dẫn đến ách tắc hàng hóa tại Cát Lái, ùn tắc giao thông tại TP.HCM… Về hoạt động khai thác, không có một cơ quan quản lý toàn diện hoạt động khai thác cảng biển; không tận dụng được các bến cảng biển mới đầu tư để tiếp nhận tàu lớn; thủ tục hành chính tại cảng biển chưa thực sự một cửa; công nghệ thông tin chưa hỗ trợ hiệu quả hoạt động khai thác cảng.

Bà Phạm Thị Bích Vân, Phó Giám đốc tiếp thị Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn TP.HCM:

Hiện nay, hàng kẹt ở Cái Mép khá lớn, vì 85% hàng về Cái Mép được chuyển sà lan về TP.HCM. Các cơ sở hậu cần logistics chủ yếu tập trung tại khu vực quanh cảng Cát Lái, ICD khu vực Thủ Đức, khu vực Sóng Thần và khu vực lân cận cầu Đồng Nai. Việc tập trung này gây áp lực lớn lên hệ thống giao thông, gây tắc đường, xe quay vòng chậm, tăng chi phí cho DN sử dụng dịch vụ. Hơn nữa, các cơ sở logistics manh mún, không hình thành một nơi tập trung, nên việc phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc tăng hiệu quả logistics phân tán và gặp nhiều khó khăn.

Không chỉ TP.HCM, tình trạng cảng và dịch vụ logistics ở một số tỉnh lân cận cũng có những bất cập. Tại Bình Dương, các DN phát triển rất mạnh, hàng hóa XNK lớn, nhưng cảng lại rất ít, hàng hóa của DN chủ yếu đổ về các ICD và cảng TP.HCM. Hiện Bình Dương có 3 cảng, trong đó chỉ có cảng Bình Dương có khả năng tiếp nhận tàu 5.000 tấn, công suất cũng đạt đến 70-75%, hai cảng còn lại chỉ có khả năng tiếp nhận sà lan 2.000 tấn. Thực tế cho thấy, nơi nào cũng phát triển dịch vụ logistics nhưng lại thiếu liên kết. Trong khi đó, bản chất của logistics là phải phát triển theo chuỗi. Cần phải có sự liên kết, phát triển theo chuỗi mới có thể phát triển và giảm được chi phí ở một số khâu.

Lê Thu (ghi)

Lê Thu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/phat-trien-logistics-va-vai-tro-cua-co-quan-hai-quan.aspx