Phát triển logistics để tăng tính cạnh tranh của hàng hóa

Phát biểu tại Hội nghị đầu tư TP Cần Thơ vào tháng 8-2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, Cần Thơ với vị trí là trung tâm của ĐBSCL, cần đóng vai trò quan trọng, đi đầu về phát triển dịch vụ logistics, không chỉ để phục vụ thành phố, mà còn đáp ứng nhu cầu của cả khu vực...

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa nông nghiệp quy mô lớn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Đây là vùng có hệ thống sông ngòi dày đặc, điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển loại hình vận tải container bằng sà lan. Tuy nhiên, hiện 2/3 lượng hàng hóa của vùng ĐBSCL vẫn phải vận chuyển đến các cảng biển của TP Hồ Chí Minh và Cái Mép (Bà Rịa – Vùng Tàu) bằng... đường bộ.

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, lượng hàng hóa qua các cảng khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ nay đến năm 2020 là 25-28 triệu tấn/năm, đến năm 2030 từ 66,5 đến 71,5 triệu tấn/năm; trong đó, hàng tổng hợp, container chiếm từ 21-26 triệu tấn/năm.

Các chuyên gia cũng đưa ra bài toán kinh tế, một tấn hàng hóa từ ĐBSCL vận chuyển về các cảng TP Hồ Chí Minh để xuất khẩu bằng đường thủy nội địa, chi phí khoảng 10 USD, trong khi chi phí vận tải bằng đường bộ cao hơn từ 10 - 60%.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển cho rằng, việc đẩy mạnh phát triển logistics để tạo thuận lợi cho giao thương và nâng cao được sức cạnh tranh của các sản phẩm nông sản trong vùng là việc rất cần thiết, do ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của cả nước, có vai trò quan trọng phát triển kinh tế quốc gia.

Phát biểu tại Hội nghị đầu tư TP Cần Thơ vào tháng 8-2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, Cần Thơ với vị trí là trung tâm của ĐBSCL, cần đóng vai trò quan trọng, đi đầu về phát triển dịch vụ logistics, không chỉ để phục vụ thành phố, mà còn đáp ứng nhu cầu của cả khu vực.

Xếp, dỡ hàng hóa tại Tân Cảng Cái Cui (Cần Thơ).

Xếp, dỡ hàng hóa tại Tân Cảng Cái Cui (Cần Thơ).

Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, với vai trò trung tâm động lực phát triển của vùng, TP Cần Thơ phải có hệ thống logistics mạnh để thu hút hàng từ các tỉnh về, xuất khẩu trực tiếp đi các nơi.

Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương chủ trương đồng ý quy hoạch, cho xây dựng một trung tâm logistics hạng 2, cấp vùng đặt tại quận Cái Răng. Quy mô Trung tâm logistics dự kiến ở mức tối thiểu 30ha vào năm 2020 và phát triển 70ha vào năm 2030 phục vụ TP Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau.

Để đáp ứng tốt nhu cầu phát triển, UBND TP Cần Thơ kiến nghị Bộ Công thương xin điều chỉnh quy mô dự án xây dựng trung tâm logistics hạng 2 tại Cần Thơ từ 74ha lên 242,2ha và cũng đã được Trung ương đồng ý. Hiện, Sở Công Thương TP Cần Thơ đang khẩn trương thực xây dựng quy hoạch cụ thể để triển khai. Dự kiến trong quý I và quý II-2019, sẽ hoàn thành quy hoạch và tiến hành triển khai các bước tiếp theo, mời gọi các nhà đầu tư…

Thời gian qua, một số doanh nghiệp vận tải đã tích cực đẩy mạnh hoạt động logisctics ở khu vực ĐBSCL. Công ty Vận tải biển Vinalines (công ty con của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam) đã sử dụng sà lan vận chuyển hàng hóa 2 chiều từ các cảng thuộc khu vực Cái Cui, Hoàng Diệu, Trà Nóc trung chuyển qua các cảng thuộc TP Hồ Chí Minh, như: Tân Thuận, Cát Lái, VICT, Bến Nghé, Dầu thực vật và một số cảng ICD trên địa bàn để chuyển đi các tỉnh miền Trung, phía Bắc và ngược lại…

Để thúc đẩy phát triển logistics vùng ĐBSCL, nhiều doanh nghiệp kiến nghị Trung ương, chính quyền các địa phương cần quan tâm tháo gỡ kịp thời nút thắt về vận tải lớn trong vùng. Hiện Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL còn gặp khó trong việc vận tải hàng hóa bằng đường biển bằng tàu hàng có tải trọng lớn, do luồng hàng hải chưa đảm bảo tàu hàng lớn vào các cảng trong vùng.

Vùng ĐBSCL cũng còn thiếu các phương thức vận tải hàng hóa lớn bằng các loại hình giao thông đường bộ, đường sắt và đường không. Vì vậy, không nên chỉ tập trung lo giải quyết vướng mắc về vận tải hàng hóa lớn bằng đường thủy, mà cần nghiên cứu, ưu tiên phát triển các loại hình vận tải lớn có thể triển khai ngay.

Cụ thể, đầu tư mở các chuyến bay vận tải để khai thác tốt sân bay quốc tế Cần Thơ; đầu tư, nâng cấp hạ tầng đường bộ để đảm nhận tốt hơn việc vận tải hàng hóa… Nhiều doanh nghiệp cho rằng, 3 thành tố quan trọng của logistics là vận tải lớn, hạ tầng bến bãi và dịch vụ hậu cần. Nếu giải quyết tốt được nút thắt về vận tải lớn, các khâu còn lại sẽ được thúc đẩy phát triển mạnh.

Nhiều chuyên gia cho rằng, với việc hội nhập sâu, tham gia vào chuỗi logistics toàn cầu, yêu cầu các cảng trong vùng ĐBSCL phải cải tổ toàn diện hoạt động sản xuất kinh doanh, nhằm đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật cao từ các công ty logistics.

Việc đầu tư trang thiết bị chuyên dụng tại cảng và cơ sở hạ tầng là việc cần làm của các doanh nghiệp, các bộ, ngành liên quan. Tiếp tục nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với các cảng biển trong vùng để khai thác hiệu quả vốn đã đầu tư.

Cải tiến, đơn giản hóa thủ tục hành chính thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp tại các cảng biển trong vùng ĐBSCL, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đưa hàng hóa về cảng. Có như thế, hệ thống cảng biển tại ĐBSCL mới phát huy được các cơ hội, thế mạnh của mình.

Nhằm thúc đẩy đầu tư, phát triển hệ thống logistics, Cần Thơ đã triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu “Phát triển mạng lưới logistics TP Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Chủ nhiệm đề tài là PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng.

Nhóm nghiên cứu đã nỗ lực thu thập các thông tin, số liệu để phân tích, đánh giá hiện trạng, chỉ ra điểm mạnh, điểm yếu của logistics tại Cần Thơ và vùng ĐBSCL. Qua đó, đề xuất, định hướng chiến lược cụ thể về phát triển mạng lưới logistics cho thành phố...

Đức Văn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/thi-truong/phat-trien-logistics-de-tang-tinh-canh-tranh-cua-hang-hoa-534641/