Phát triển làng nghề bền vững

Trong dòng chảy phát triển chung của nước ta, mạch ngầm làng nghề luôn được lưu truyền và phát triển từ đời này qua đời khác, là những gia đình, dòng họ luôn trân trọng, nâng niu, kế thừa và phát triển nghề truyền thống cha ông.

Ngày 20/11, tại Hà Nội, Lễ kỷ niệm 15 năm thành lập Hiệp hội Làng nghề Việt Nam (3/2/2005 - 3/2/2020), đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba, phong tặng các danh hiệu làng nghề Việt Nam lần thứ XI-2020 đã được diễn ra trang trọng và ý nghĩa.

Đây cũng là một trong nhiều hoạt động thiết thực của Hiệp hội hướng tới lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Hiệp hội làng nghề Việt Nam đón nhận Huân chương lao động hạng Ba (Ảnh: HNV).

Hiệp hội làng nghề Việt Nam đón nhận Huân chương lao động hạng Ba (Ảnh: HNV).

Tham dự buổi Lễ có đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng đông đảo đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương.

Báo cáo kết quả hoạt động 15 năm qua, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Lê Duy Dần nhấn mạnh, trong những năm gần đây, làng nghề có bước phát triển mới. Đảng, Nhà nước và các cấp ban, ngành đặc biệt quan tâm. Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho làng nghề phát triển; cũng có nhiều chương trình hỗ trợ làng nghề, nhất là với việc phát triển, nhân rộng “chương trình mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) làm cho nhận thức về giá trị của làng nghề được nâng cao.

Trong 15 năm xây dựng và hoạt động, Hiệp hội đã 9 lần tổ chức phong tặng các danh hiệu làng nghề, trong đó, đã phong tặng 835 Nghệ nhân Làng nghề Việt Nam (trong đó có 62 Nghệ nhân văn hóa nghệ thuật Ẩm thực làng nghề Việt Nam); 72 Làng nghề tiêu biểu; 72 Đơn vị kinh tế Làng nghề tiêu biểu; 06 Bảo vật tinh hoa làng nghề; 95 Sản phẩm Thủ công mỹ nghệ Làng nghề tiêu biểu; 68 Thợ giỏi Làng nghề Việt Nam; 115 Bảng vàng gia tộc nghề truyền thống Việt Nam.

Ở danh hiệu cấp Quốc gia, Hiệp hội là nơi cung cấp cho Hội đồng Nhà nước xét tặng nghệ nhân những nghệ nhân xuất sắc tiêu biểu để Hội đồng xét phong tặng Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú: trong số 22 Nghệ nhân Nhân dân, 192 Nghệ nhân Ưu tú thì đã có tới 15 Nghệ nhân Nhân dân, 135 Nghệ nhân Ưu tú là nghệ nhân làng nghề, hội viên của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam.

Dịp này, đúng kỷ niệm 15 năm thành lập, Hiệp hội đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba bởi những đóng góp của Hiệp hội trong công tác bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam bày tỏ vui mừng trước những thành tích Hiệp hội đã đạt được trong 15 năm qua. Đồng chí cũng biểu dương Hiệp hội nói chung và các làng nghề, nghệ nhân nói riêng đã góp phần khẳng định và quảng bá thương hiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam ra khu vực cũng như thế giới.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn cũng lưu ý, để tiếp tục phát triển bền vững trong thời gian tới, Hiệp hội cần phải luôn luôn coi trọng yếu tố văn hóa trong các hoạt động bảo tồn và phát triển làng nghề. Quan tâm đến mục tiêu bảo tồn và phát triển văn hóa làng nghề trong mọi hoạt động đào tạo, tổ chức sự kiện hay hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh doanh; Hướng mọi hoạt động của Hiệp hội phục vụ hội viên và cộng đồng làng nghề, lấy hội viên làm trung tâm, nhằm phục vụ hội viên trên cơ sở hiểu biết rõ nguyện vọng, xu hướng phát triển và khả năng của hội viên để cung cấp các dịch vụ, hỗ trợ hội viên trong hoạt động xúc tiến thương mại, khoa học - công nghệ, hỗ trợ tư vấn pháp lý, thường xuyên tổ chức khen thưởng, động viên, vinh danh thành tích hội viên; Chủ động sáng tạo trong việc khai thác các nguồn lực từ những tổ chức kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế đến các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp. Huy động nội lực từ sự tham gia của hội viên với những phương án sản xuất kinh doanh hoặc tổ chức những sự kiện có hiệu quả và sức lan tỏa; Duy trì và củng cố tinh thần đoàn kết giữa các tập thể, cá nhân, kết hợp hài hòa lợi ích của hội viên với lợi ích chung của cộng đồng, từ đó nhân lên sức mạnh vốn có của Hiệp hội; Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan Đảng, Nhà nước để có sự chỉ đạo và tích cực tham gia vận động chính sách để Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho làng nghề phát triển cũng như tích cực tham gia vào các chương trình, kế hoạch phát triển của đất nước và địa phương. Thực hiện tốt chức năng tư vấn, giám sát và phản biện xã hội vì quyền lợi chính đáng của hội viên.

Phát biểu chúc mừng tại buổi Lễ, đồng chí Cao Đức Phát cũng khẳng định vai trò quan trọng của Hiệp hội, bày tỏ mong muốn Hiệp hội tiếp tục là cầu nối hiệu quả giữa Đảng, Nhà nước với các làng nghề, nghệ nhân.

Định hướng phát triển trong thời gian tới, Chủ tịch Hiệp hội Lê Duy Dần cho biết, Hiệp hội sẽ tập trung nâng cao chất lượng hoạt động, hướng về hội viên, về các hội làng nghề thành viên, làng nghề, làng nghề truyền thống với chủ đề: “Kết nối cộng đồng làng nghề - Bảo tồn Văn hóa - Phát triển Du lịch - Hội nhập Quốc tế” đồng thời phát huy những thế mạnh của hội viên, thường xuyên tổ chức những hoạt động phối hợp như các hội chợ, triển lãm, diễn đàn, hội thảo, các sự kiện lễ hội tại địa phương..., trên cơ sở đó, nhằm xúc tiến các hoạt động thương mại, đồng thời gắn kết Hiệp hội với các hội viên, làng nghề; kết nối làng nghề từng khu vực và trong cả nước. Chú trọng công tác phát triển hội viên. Song song là tăng cường công tác truyền thông, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động của Hiệp hội và cộng đồng làng nghề cả nước. Hơn nữa, duy trì thường xuyên việc thực hiện các hoạt động tôn vinh, khen thưởng các danh hiệu làng nghề (nghệ nhân làng nghề, thợ giỏi, sản phẩm làng nghề tiêu biểu, doanh nghiệp làng nghề tiêu biểu, Bảng vàng gia tộc...) và coi đây là một công tác quan trọng nhằm bảo tồn và phát triển các nghề và làng nghề truyền thống, bảo tồn các giá trị văn hóa của làng nghề.

Bên cạnh đó, xây dựng chương trình phát triển du lịch làng nghề trên cơ sở điều tra thực trạng tại những khu vực có tiềm năng, chủ động phối hợp với địa phương và các cơ quan chức năng để phát hiện và đề xuất những làng nghề có thể đầu tư, phát triển theo hướng du lịch; từng bước nâng cao năng lực hợp tác quốc tế của Hiệp hội thông qua việc huy động tiềm lực của hội viên, tăng cường các hoạt động giao lưu, trao đổi với các đối tác nước ngoài; động viên, tạo điều kiện kết nối để nhiều hội viên có thể tham gia các sự kiện ở nước ngoài; phối hợp với cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp tìm nguồn kinh phí tổ chức đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề… phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay; động viên hội viên làng nghề trong cả nước tích cực tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phong trào “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), coi đây là một trong những nguồn lực để làng nghề phát triển bền vững.

Trong khuôn khổ chương trình, Ban Tổ chức đã công bố và trao tặng “Đĩa vàng cống hiến dành cho những giá trị kỷ lục”; tôn vinh 15 chuyên gia và nghệ nhân cao tuổi; trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề Việt Nam”; trao tặng “Bảng vàng gia tộc nghề truyền thống Việt Nam” để tôn vinh những gia đình, dòng họ có nhiều thế hệ lưu giữ, phát huy và phát triển nghề truyền thống; trao Bằng chứng nhận cho các danh hiệu Đơn vị kinh tế - du lịch làng nghề tiêu biểu và cá nhân, đại diện tổ chức có sản phẩm đạt “Báu vật tinh hoa làng nghề Việt Nam” và “Thợ giỏi làng nghề Việt Nam” nhằm ghi nhận đồng thời động viên, khích lệ những người thợ thủ công mỹ nghệ có tay nghề cao, có những đóng góp cho sự phát triển Làng nghề truyền thống./.

Hiệp hội Làng nghề Việt Nam (sau đây gọi tắt là Hiệp hội) được thành lập ngày 03/02/2005, đến nay hoạt động được 15 năm. Hiệp hội là tổ chức xã hội nghề nghiệp, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện cho hội viên làng nghề trong cả nước. 15 năm qua, Hiệp hội đã chủ động thực hiện nhiều hoạt động phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp nhằm thúc đẩy sự phát triển làng nghề và hỗ trợ cho hội viên, làng nghề phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống. Với những nỗ lực và kết quả đạt được trên mọi mặt hoạt động, nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập, Hiệp hội đã vinh dự được đón nhận: Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng. Hiệp hội cũng nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, nhiều Bằng khen của Bộ Công Thương, bức trướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với 18 chữ: “Hiệp hội Làng nghề Việt Nam bảo tồn - tôn vinh - phát triển làng nghề truyền thống Việt Nam”, Bằng khen và Cờ thi đua của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với thành tích: “Vì sự nghiệp phát triển làng nghề bền vững”, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá Hiệp hội Làng nghề Việt Nam là 1 trong 3 tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động tốt và quản trị tốt. Ngoài ra, nhiều đơn vị và cá nhân là hội viên của Hiệp hội cũng đã nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, VCCI.

Xin giới thiệu một số hình ảnh tại buổi Lễ này:

Lễ kỷ niệm thu hút đông đảo đại biểu tham dự

Các đồng chí lãnh đạo, đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương tham dự Lễ kỷ niệm.

Các nghệ nhân cao tuổi ở nhiều làng nghề.

Các nghệ nhân giỏi được vinh danh.

Đặc sản nông nghiệp, sản phẩm OCOP Hà Giang.

Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ được trưng bày trong khuôn khổ chương trình.

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/phat-trien-lang-nghe-ben-vung-568280.html