Phát triển lâm nghiệp từ những 'cánh rừng vàng'

Lần đầu tiên ngành lâm nghiệp được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Để phát triển ngành kinh tế này, nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng được xác định là một trong những trọng tâm của toàn ngành nông nghiệp trong thời gian tới.

Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Ngày 24/12, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác 2018 và triển khai công tác năm 2019.

Theo báo cáo tại hội nghị, công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng tiếp tục đạt được một số kết quả nổi bật. Cụ thể, cả nước đã phát hiện 12.945 vụ, giảm 3.577 vụ (tương ứng giảm 22%) so với năm 2017. Diện tích rừng bị thiệt hại là 936 ha, giảm 515 ha (tương ứng giảm 35%). Các hành vi, vụ việc vi phạm đã giảm cả về số lượng và quy mô.

Về vận chuyển, chế biến lâm sản trái pháp luật: cả nước đã phát hiện 4.967 vụ vận chuyển, mua bán trái pháp luật gỗ và lâm sản (giảm 25% so với năm 2017). Về quản lý chuyển đổi mục đích sử dụng rừng (CMĐSDR): Có 50/60 tỉnh có rừng đã báo cáo, trong đó, 33 tỉnh đề xuất CMĐSD rừng tự nhiên, tổng số dự án là 3.021, với diện tích 122.851 ha.

Bộ NN&PTNT đã tham mưu Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận CMĐSDR của 22/33 tỉnh có đề nghị CMĐSDR tự nhiên và dự án thuộc thẩm quyển của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay VPCP đã có ý kiến 12 tỉnh với 15 dự án, 551 ha, bao gồm: rừng tự nhiên 453 ha, rừng trồng 58 ha, đất chưa có rừng 40 ha.

Theo ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết về thực hiện kế hoạch trồng rừng: Hiện nay cả nước đã trồng 231.523 ha, bằng 118,7% kế hoạch năm, trong đó: rừng phòng hộ, đặc dụng 15.070 ha, đạt 100,5%; rừng sản xuất 216.453 ha, đạt 120,3% kế hoạch năm. Cùng với đó việc thực hiện trồng rừng thay thế đến nay, cả nước đã trồng được 58.879 ha, đạt 87% tổng diện tích phải trồng.

Về khai thác, chế biến lâm sản, ông Phạm Văn Điển cũng cho biết sản lượng khai thác gỗ năm 2018 đạt 27,5 triệu m3, trong đó từ rừng trồng tập trung 18,5 triệu m3, tăng 3% so với 2017; cây trồng phân tán và cây cao su tái canh khoảng 9 triệu m3, đáp ứng được khoảng 80% nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ.

Ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Tổng doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ và lâm sản hiện có khoảng 4.500 doanh nghiệp, với 1.863 doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào xuất khẩu, trong đó khối FDI có trên 700 doanh nghiệp, đã hình thành ngành công nghiệp chế biến gỗ lớn mạnh về quy mô và trình độ công nghệ.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Biến đổi khí hậu đang là thách thức lớn nhất mà nhân loại đang phải đối mặt. Trong các giải pháp về ứng phó biến đổi khí hậu thì rừng là giải pháp cốt lõi, tổng thể nhất. Nên công tác lâm nghiệp phải gắn với việc đó”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, năm 2018 là năm bản lề để triển khai Luật Lâm nghiệp mới sửa đổi. Cùng với đó, để phát triển được ngành lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì “rừng phải xác định đúng nghĩa rừng vàng, phát huy được nhiều sản vật và tiềm năng khác”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu ngành Lâm nghiệp trong năm 2019 tập trung giải quyết các vụ vi phạm về phá rừng, bảo vệ tốt khu bực rừng Tây Bắc, Tây Nguyên và phát triển rừng ven biển. Để thực hiện tốt Luật Lâm nghiệp, Bộ trưởng cũng yêu cầu ngành thực hiện tốt việt truy xuất nguồn gốc gỗ thật minh bạch. Cùng với đó rà soát, đánh giá lại việc thực hiện “Đề án 866” về Chương trình Mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 – 2020.

Giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2018 đạt 9,308 tỷ USD, tăng 15,9% so với năm 2017, chiếm hơn 23% giá trị xuất khẩu của các ngành hàng thuộc ngành NN&PTNT. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 8,787 tỷ USD, chiếm 95% giá trị. Đặc biệt, giá trị xuất siêu lâm sản cả năm đạt 6,99 tỷ USD chiếm 85% giá trị xuất siêu của toàn ngành.

Năm 2018, cả nước thu được hơn 2.859 tỷ đồng tiền dịch vu môi trường rừng, đạt 122,7% kế hoạch năm 2018 và tăng 68% so với năm 2017 (thu tăng 1.150 tỷ đồng), trong đó: Quỹ Trung ương thu được: 2.041,8 tỷ đồng (đạt 121,7% kế hoạch); 44 Quỹ tỉnh thu được: 817,59 tỷ đồng (đạt 125,4% kế hoạch).

Đỗ Hương

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/phat-trien-lam-nghiep-tu-nhung-canh-rung-vang/355225.vgp