Phát triển kinh tế - xã hội sau nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết của Đảng

LTS: Sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, kinh tế-xã hội (KT-XH) nước ta đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, thể hiện rõ nhất là kết quả của năm 2017 và 8 tháng năm 2018. Việt Nam đang thuộc nhóm quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hàng đầu thế giới, cùng với đó, xã hội cơ bản ổn định, đời sống của người dân được nâng lên.

Báo Quân đội nhân dân có loạt bài đánh giá những mặt đạt được của KT-XH đất nước, đồng thời kiến nghị một số giải pháp để kinh tế Việt Nam phát triển bền vững.

Bài 1: Thành tựu toàn diện trên các mặt

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đặt ra các chỉ tiêu KT-XH khá cao, trong điều kiện tình hình kinh tế thế giới và trong nước nói chung còn rất nhiều thách thức. Nền kinh tế Việt Nam cũng đang trong giai đoạn đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, cùng với đó, một số động lực tăng trưởng, lợi thế chính của nền kinh tế trong suốt hàng chục năm vừa qua, như: Dầu thô, lao động giá rẻ giảm dần sự đóng góp. Qua đó thấy những kết quả đạt được trong hơn hai năm qua là rất đáng mừng.

Tăng trưởng kinh tế đạt mức cao

Thời gian gần đây, truyền thông nhiều nước trên thế giới đã dùng từ “con hổ mới của kinh tế châu Á” để nói về nền kinh tế Việt Nam, mà mới nhất là trên tờ The Peninsula Qatar của Qatar trong số ra ngày 12-8. Trong đó, các nhà báo, các chuyên gia kinh tế của các nước đều ngưỡng mộ tốc độ phát triển kinh tế thuộc nhóm nhanh hàng đầu thế giới của Việt Nam.

Một góc khu đô thị tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. Ảnh: qdnd.vn

Các chỉ tiêu về KT-XH được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng thể hiện quyết tâm đưa kinh tế đất nước phát triển với tốc độ nhanh. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm đạt 6,5-7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200-3.500USD; tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP khoảng 85%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32-34% GDP; bội chi ngân sách Nhà nước còn khoảng 4% GDP. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30-35%; năng suất lao động xã hội bình quân tăng khoảng 5%/năm; tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1-1,5%/năm. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt khoảng 38-40%. Về xã hội, đến năm 2020, tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 40%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65-70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; có 9-10 bác sĩ và hơn 26,5 giường bệnh trên 1 vạn dân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt hơn 80% dân số; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,0-1,5%/năm. Về môi trường, đến năm 2020, 95% dân cư thành thị, 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh và 85% chất thải nguy hại, 95-100% chất thải y tế được xử lý; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.

Trong rất nhiều các chỉ tiêu trên thì chỉ tiêu được quan tâm hàng đầu là tăng trưởng GDP. Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế là 6,5-7%/năm, trong khi đó, hiện các nước Đông Nam Á chỉ tăng trưởng kinh tế với mức trung bình là 5,2%/năm. Sau năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng (năm 2016) không đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP đề ra (đạt 6,21%, tăng so với năm 2015) thì đến năm 2017, tăng trưởng GDP đã đạt 6,81%, vượt kế hoạch năm (6,7%).

Tất nhiên, để đạt được mức tăng trưởng này trong năm 2017 là nỗ lực phi thường. Bởi năm 2017 vừa qua, nền kinh tế nước ta gặp rất nhiều khó khăn bủa vây, sức ép đè nặng như nỗi lo lạm phát khó giữ ở mức 4%, nhập siêu lớn, giải ngân vốn đầu tư công chậm, trong lúc ngành khai khoáng như dầu khí, than là động lực lớn của tăng trưởng trong những năm trước đây thì nay đang trên đà suy giảm sản lượng khai thác. Năm 2016, ngành khai khoáng giảm 5,9%; năm 2017 giảm 7,1%; 8 tháng năm 2018 giảm 0,3%, trong đó khai thác dầu thô giảm 10,6%; khai thác đá, cát, sỏi... giảm 3,3%... Cùng với đó, trong hai năm 2016 và 2017, thiên tai gây thiệt hại về kinh tế lên tới 99.726 tỷ đồng.

Trước nhiều khó khăn như vậy, có những ý kiến đề nghị hạ mục tiêu tăng trưởng. Nhưng trên cơ sở phân tích, đánh giá đúng tình hình, Chính phủ vẫn kiên định giữ mục tiêu tăng trưởng 6,7% đã đề ra từ đầu năm 2017. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, sở dĩ Chính phủ kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% là vì nếu không tăng trưởng được như thế, Việt Nam khó có thể thu hẹp được khoảng cách với các nước trong khu vực. Hơn nữa, với Việt Nam-một nước đang phát triển, tăng trưởng còn có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo nguồn lực để đầu tư phát triển phục vụ tăng trưởng của giai đoạn sau, duy trì ổn định các cân đối lớn, nhất là cân đối nợ công, tạo việc làm cho xã hội, có nguồn lực để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo… Quan điểm của Chính phủ là không tăng trưởng bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng, nhưng cũng không lãng phí cơ hội và tiềm năng.

Đạt được hầu hết các chỉ tiêu

Trong năm 2017, nước ta đã đạt 12/13 chỉ tiêu KT-XH (có 4 chỉ tiêu đạt và 8 chỉ tiêu vượt mục tiêu kế hoạch), trong đó có tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân 3,53% (kế hoạch là tăng không quá 4%) và giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều là 1,51%, riêng các huyện nghèo giảm 5% (kế hoạch giảm theo chuẩn nghèo đa chiều là 1-1,5% và huyện nghèo giảm 4%). Năm 2017 có một chỉ tiêu không đạt kế hoạch so với kết quả đã báo cáo Quốc hội là chỉ tiêu giảm tỷ suất tiêu hao năng lượng trên 1 đơn vị GDP, chỉ đạt 0,5% (mục tiêu kế hoạch là 1,5%). Nguyên nhân là do chậm triển khai ứng dụng và chuyển đổi các dây chuyền công nghệ sử dụng ít năng lượng ở các ngành sản xuất. Tuy nhiên, kể từ năm 2018, Quốc hội không yêu cầu đặt mục tiêu và đánh giá kết quả thực hiện chỉ tiêu này hằng năm và chuyển sang đặt mục tiêu, đánh giá chỉ tiêu theo giai đoạn 5 năm.

Tiếp theo đà tăng trưởng ấy, GDP 6 tháng đầu năm 2018 ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn mức cao nhất trong chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm do Đại hội XII của Đảng đề ra), là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011 trở về đây. Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm 2018 theo giá hiện hành ước tính đạt 747,6 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước và bằng 32,9% GDP. Như thế là trong hơn hai năm qua, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện đều đạt mục tiêu Đại hội XII của Đảng (năm 2016 là 33% GDP, năm 2017 là 33,3% GDP).

Trong tình hình tăng trưởng GDP nói chung thì sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và du lịch đã để lại nhiều dấu ấn trong thời gian qua. Ví dụ, 8 tháng năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 8,2% của cùng kỳ năm 2017; trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 13,3%, đóng góp 10,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng rất nhanh, nếu như năm 2016, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 10,01 triệu lượt người (tăng 26% so với năm trước) thì năm 2017, khách quốc tế đến nước ta đã đạt 12,9 triệu lượt người (tăng 29,1% so với năm trước) và 8 tháng năm 2018, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt hơn 10,4 triệu lượt người (tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước). Ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của các sản phẩm.

Số lượng doanh nghiệp mới tăng vọt

Đáng chú ý là vốn đầu tư từ khu vực ngoài Nhà nước đang tăng nhanh nhất, đạt 308,4 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, chiếm 41,3% và tăng 17,5% (trong khi đó, vốn khu vực Nhà nước đạt 249,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,4% tổng vốn và tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 189,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,3% và tăng 8,5%). Cùng với đó, trong hơn hai năm qua, số lượng doanh nghiệp mới tăng vọt. Năm 2016, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 110,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 16,2% so với năm 2015; tổng vốn đăng ký là 891,1 nghìn tỷ đồng, tăng 48,1%. Năm 2017, cả nước có 126.859 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.295,9 nghìn tỷ đồng, tăng 15,2% về số doanh nghiệp và tăng 45,4% về số vốn đăng ký so với năm 2016. 8 tháng năm 2018, cả nước có 87.448 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 878,6 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4% về số doanh nghiệp và tăng 6,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Các con số trên cho thấy kết quả của các chính sách khuyến khích sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tư nhân.

Nhờ những đầu tư mạnh mẽ đó, theo Tổng cục Thống kê, theo đánh giá mới nhất vào cuối năm 2017, quy mô nền kinh tế nước ta đã đạt 5.007,9 nghìn tỷ đồng; GDP bình quân đầu người ước tính đạt 53,5 triệu đồng, tương đương 2.385USD, tăng 170USD so với năm 2016. Về cơ cấu nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 15,34%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,34%; khu vực dịch vụ chiếm 41,32%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10%.

Đời sống người dân được nâng lên

Có thể thấy đời sống của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Điều này được thể hiện qua nhiều khía cạnh. Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, rất ấn tượng với sức mua của người dân Việt Nam. “Tại Hà Nội, chúng ta thấy các trung tâm mua sắm như Aeon Mall, Royal City và Lotte có rất đông các gia đình vào dịp cuối tuần. Các gia đình trung lưu hiện nay có thời gian và tiền bạc cho các hoạt động giải trí”, ông Ousmane Dione đánh giá.

Nếu xét về góc độ sử dụng GDP năm 2017, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,35% so với năm 2016, đóng góp 5,52 điểm phần trăm (trong đó, tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư đóng góp 5,04 điểm phần trăm); tích lũy tài sản tăng 9,8%, đóng góp 3,30 điểm phần trăm.

Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi tiếp tục xu hướng giảm, năm 2017 là 2,24% (năm 2016 là 2,30%; năm 2015 là 2,33%), trong đó, khu vực thành thị là 3,18% (năm 2016 là 3,23%; năm 2015 là 3,37%); khu vực nông thôn là 1,78% (năm 2016 là 1,84%; năm 2015 là 1,82%).

Cả nước đã có 3.289 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm khoảng 36,8% số xã), bình quân cả nước đạt 14,25 tiêu chí/xã; 49 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; cả nước chỉ còn 121 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH nông thôn phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi diện mạo nhiều vùng nông thôn trên phạm vi cả nước.

Công tác an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện. Theo báo cáo sơ bộ, tổng kinh phí dành cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo trong năm 2017 là 5.832 tỷ đồng, bao gồm 3.370 tỷ đồng quà thăm hỏi và hỗ trợ người có công; 1.759 tỷ đồng hỗ trợ các hộ nghèo và 703 tỷ đồng cứu đói, cứu trợ xã hội khác. Bên cạnh đó đã có gần 17 triệu thẻ bảo hiểm y tế, sổ/thẻ khám, chữa bệnh miễn phí tặng người có công trên địa bàn cả nước.

Ngày 28-8, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ về KT-XH, các đánh giá cho thấy năm 2018 này có khả năng tiếp tục là năm thành công của phát triển KT-XH nước ta, với việc sẽ đạt cả 12/12 chỉ tiêu.

Như thế, các kết quả đạt được sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng là khá toàn diện. Tuy nhiên, trước mắt vẫn còn rất nhiều nhiệm vụ đặt ra, như: Năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp, GDP bình quân đầu người còn cách khá xa so với mục tiêu. Để có thể tận dụng được thời cơ, giải quyết các yếu kém, các hạn chế, rất cần sự nỗ lực của cả xã hội, trong đó có vai trò quan trọng của việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hướng tới phát triển bền vững, cùng với đó là các giải pháp điều hành linh hoạt, hiệu quả.

HOÀNG GIA MINH - HỒ QUANG PHƯƠNG

-----------------------

(còn nữa)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thuc-hien-hieu-qua-nghi-quyet-trung-uong-iv-khoa-xii-cua-dang/phat-trien-kinh-te-xa-hoi-sau-nua-nhiem-ky-thuc-hien-nghi-quyet-cua-dang-548206