Phát triển kinh tế - xã hội không lồng ghép phòng chống rủi ro thiên tai

Thiệt hại lớn về người và tài sản ở Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) được cơ quan chức năng đánh giá là do việc phát triển kinh tế xã hội ở núi Hòn Rớ rất mạnh, nhà cửa đã được xây dựng ven chân núi, chặn dòng chảy. Nên khi xảy ra sạt lở, hậu quả thảm khốc.

Chiều 19-11, tại cuộc chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã lý giải nguyên nhân vì sao TP Nha Trang lại chịu thiệt hại lớn từ trận sạt lở vừa qua.

Theo ông Sơn, mặc dù bão số 8 sau khi đi vào vùng bờ biển các tỉnh Ninh Thuận-Bình Thuận thành áp thấp nhiệt đới và suy yếu thành một vùng áp thấp nhưng đã gây mưa lớn, tiếp sau đó là sạt lở núi ở khu vực núi Hòn Rớ (TP Nha Trang) khiến 18 người chết và mất tích. Đây là thể nói là thiệt hại lớn và rất bất ngờ khiến cơ quan chức năng lẫn người dân không thể lường trước được.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai chia sẻ với báo chí.

Ông Sơn phân tích, thiệt hại lớn về người và tài sản trước mắt là do việc phát triển kinh tế xã hội ở núi Hòn Rớ (TP Nha Trang) rất mạnh, nhà cửa đã được xây dựng ven chân núi, chặn dòng chảy. Nên khi xảy ra sạt lở, hậu quả rất lớn.

“Từ sự việc xảy ra chúng ta có thể thấy việc phát triển kinh tế xã hội khu vực này đã không lồng ghép với phòng chống rủi ro thiên tai nên khi thiên tai xảy ra, hậu quả rất lớn”, ông Sơn khẳng định.

Nguyên nhân thứ hai theo lý giải của ông Sơn, do lượng mưa quá lớn ngoài sức tưởng tượng, và ngoài khả năng dự báo, chỉ 12 tiếng mà tổng lượng mưa đạt 300mm, mưa xảy ra ở địa hình hẹp dốc khiến nước, đất đá trôi nhanh theo các khe suối đổ xuống chân núi, nơi có nhà cửa san sát.

Đánh giá về mức độ thiệt hại, ông Sơn cho rằng đây là bài học quá đắt giá đối với tỉnh Khánh Hòa khi có 18 người chết và mất tích. Để tập trung ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, UBND tỉnh Khánh Hòa và các địa phương khác ở khu vực Nam Trung Bộ cần tổ chức tìm kiếm người còn mất tích, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, mai táng người bị thiệt mạng; hỗ trợ chỗ ở, lương thực, thực phẩm, không để người dân bị đói, “màn trời, chiếu đất”.

Tính đến chiều ngày 19-11, đã có 18 người chết và mất tích trong vụ sạt lở do mưa lớn tại Nha Trang.

Để hạn chế thiệt hại tương tự xảy ra, theo ông Sơn, chúng ta cần tiến tới phòng chống thiên tai theo hướng quản lý rủi ro. Bao gồm công tác dự báo, cảnh báo, tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng tránh, ứng phó thiên tai.

Đáng lo ngại, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, trong vài ngày tới sẽ tiếp tục có cơn bão số 9, cơn bão này có thể đổ bộ vào Nam Trung Bộ. Cơn bão số 9 sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều so với cơn bão số 8, mưa sẽ rất lớn, nguy cơ lũ quét sạt lở rất cao.

Chính vì vậy, theo ông Sơn, công tác đầu tiên là phòng chống, ứng phó bão trên biển, ở những vùng nuôi trồng thủy sản. Thứ hai, ứng phó với lũ quét sạt lở đất, rà soát những vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét sạt lở đất, để quyết liệt sơ tán dân nếu bão đổ bộ.

D.Linh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/thiet-hai-do-sat-lo-mua-lu-tai-nha-trang-do-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-khong-long-ghep-phong-chong-rui-ro-thien-tai-520766/