Phát triển kinh tế tuần hoàn ở các tỉnh, thành phía Nam

Sáng 10/11, tại TP Cần Thơ, Tạp chí Cộng sản phối hợp với Thành ủy Cần Thơ tổ chức Hội thảo 'Phát triển kinh tế tuần hoàn ở các tỉnh, thành phía Nam – Vấn đề và giải pháp'.

Dự và phát biểu tham luận tại hội thảo có Thượng tướng, PGS-TS Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; PGS-TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương; TS Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ; TS Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Tham dự Hội thảo còn có hơn 200 đại biểu là lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phía Nam, các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, doanh nhân… với hơn 130 bài tham luận đã đi sâu, làm rõ tính ưu việt của mô hình kinh tế tuần hoàn và giới thiệu một số kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong quá trình triển khai mô hình này. Đồng thời, các đại biểu cũng đã nêu lên những thuận lợi, khó khăn cũng như cơ hội và thách thức đối với mô hình kinh tế tuần hoàn khi được triển khai, vận hành ở Việt Nam, đặc biệt là đối với các tỉnh, thành phía Nam.

Các đại biểu dự hội thảo tham luận xung quanh vấn đề phát triển kinh tế tuần hoàn ở các tỉnh, thành phía Nam.

Kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Trong vòng vài thập niên trở lại đây, mô hình kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng diễn ra rộng khắp trên thế giới, được nhiều nước thực hiện theo cách tiếp cận theo vật liệu, tập trung giải quyết các vấn đề của một số chất thải và vật liệu, như sản phẩm nhựa dùng một lần, rác thải điện tử, chất thải thực phẩm một cách rất hiệu quả.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành phát biểu tham luận tại hội thảo.

Mô hình kinh tế tuần hoàn vận hành dựa trên 5 nguyên tắc chính. Thứ nhất, thiết kế để tái sử dụng, rác thải sẽ không tồn tại nếu các thành phần sinh học và hóa học trong sản phẩm được thiết kế sao cho có thể đưa chúng vào tái sử dụng trong một chu trình mới. Thứ hai, khả năng linh động nhờ sự đa dạng, trong nền kinh tế cần phải có sự đa dạng về các loại hình doanh nghiệp, mô hình kinh doanh và hệ thống sản xuất, đồng thời các mạng lưới kinh doanh cũng phải có những mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau cũng như với nhiều nhà cung cấp và khách hàng khác nhau.

Thứ ba, sử dụng năng lượng từ các nguồn vô tận, có hai nguồn năng lượng chính luôn sẵn có là năng lượng (năng lượng tái chế) và sức lao động; chỉ có thể đáp ứng được các điều kiện của một nền kinh tế tuần hoàn bằng cách sử dụng các nguồn năng lượng tái chế. Thứ tư, tư duy hệ thống tập trung vào các hệ thống phi tuyến tính; trong các hệ thống này, sự kết hợp giữa các nhân tố môi trường không chắc chắn với sự phản hồi trước các nhân tố đó thường mang lại những kết quả khó dự đoán trước. Thứ năm, về nền tảng sinh học, ngày càng có nhiều hàng hóa tiêu dùng được tạo nên từ các nguyên liệu sinh học và quá trình sử dụng chúng diễn ra dựa trên quy tắc “phân tầng”, các thành phần sinh học này được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau trước khi quay trở về các chu trình sinh quyển…

Theo đó, các nhà nghiên cứu chia mô hình kinh tế tuần hoàn thành ba cấp độ. Cấp độ thấp, tập trung vào quá trình sản xuất của các doanh nghiệp và sản xuất các mặt hàng nông sản, các nhà sản xuất được khuyến khích và yêu cầu áp dụng các phương pháp sản xuất sạch hơn và thiết kế sinh thái. Cấp độ vừa bao gồm việc phát triển các khu công nghiệp sinh thái và các hệ thống nông nghiệp sinh thái khác, nhằm tạo cơ hội tốt nhất cho việc thực hiện kinh tế tuần hoàn đối với hoạt động của doanh nghiệp. Cuối cùng là cấp độ cao với toàn bộ các công đoạn của quá trình sản xuất đều được thiết kế, không có chất thải đưa ra môi trường, chất thải đều được giảm đến mức tối thiểu và tái sử dụng.

PGS-TS Đoàn Minh Huấn, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tham luận tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành cho biết, ước tính dân số toàn cầu sẽ đạt gần 9 tỷ vào năm 2030, bao gồm 3 tỷ người tiêu dùng trung lưu mới. Điều này đặt áp lực chưa từng có lên tài nguyên thiên nhiên để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong tương lai. Các nước trên thế giới cũng như Việt Nam đang hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn nhằm giải quyết thách thức giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Yêu cầu đặt ra là phải giảm thiểu khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên thô, giảm thiểu chất thải cũng như tái sử dụng, tái chế tối đa chất thải theo phương thức cộng sinh công nghiệp.

Thượng tướng Nguyễn Văn Thành và các đại biểu tại hội thảo.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành cho rằng, để nền kinh tế tuần hoàn thích ứng với những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cần phải số hóa các luồng vật liệu, kết nối thế giới vật chất với thế giới dữ liệu ảo sẽ làm cho thiết kế tuần hoàn, sử dụng, thu hồi vật liệu, sản phẩm hiệu quả và hiệu quả hơn bằng cách cung cấp khả năng hiển thị, minh bạch, hành động thông minh. Chất lượng và phạm vi của dữ liệu hiện tại cần được cải thiện và thực hiện có sẵn cho các bên liên quan để thiết kế mục tiêu can thiệp, tối ưu hóa hệ thống.

Đồng thời, cần phải kết nối các giải pháp tuần hoàn với nhau. Trong chuỗi giá trị toàn cầu liên kết phức hợp, không một giải pháp nào có thể tạo ra bước nhảy vọt đến nền kinh tế tuần hoàn. Kết nối nhiều giải pháp và ứng dụng công nghệ trong khả năng tương tác, kiến trúc phân tán là chìa khóa để mở rộng tác động. Hợp tác, phối hợp, liên kết giữa các doanh nghiệp, chuỗi giá trị và khu vực công trên quy mô toàn cầu là cần thiết để chia sẻ các bước tiến tới nền kinh tế tuần hoàn. Ngoài ra, cần áp dụng tư duy hệ thống dẫn dắt hệ thống, tác động vào điểm đòn bảy. Chú trọng xây dựng mô hình hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn ứng dụng tư duy hệ thống trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh, Chính phủ và doanh nghiệp cần có hành động cho sự thay đổi, huy động hành động toàn cầu để kích hoạt một nền kinh tế tuần hoàn. Khi các giải pháp tuần hoàn xuất hiện, sự hợp tác, phối hợp quốc tế giữa nhiều bên là rất cần thiết để xây dựng chính sách và khuyến khích, sắp xếp các tiêu chuẩn kỹ thuật bảo đảm cân bằng kinh tế, cho phép các giải pháp tuần hoàn ở quy mô quốc gia và toàn cầu…

Văn Đức - Trần Lĩnh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/thoi-su/phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-o-cac-tinh-thanh-phia-nam-619191/