Phát triển kinh tế tuần hoàn là yêu cầu tất yếu

Nền kinh tế tuyến tính hiện nay đang gây áp lực lớn lên môi trường và cạn kiệt tài nguyên. Phát triển kinh tế tuần hoàn đã được xác định là yêu cầu tất yếu và doanh nghiệp cần chủ động và đi đầu hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn.

Doanh nghiệp bắt tay hướng tới kinh tế tuần hoàn

Tại Hội thảo Kinh tế tuần hoàn: Hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam được tổ chức chiều 23/10, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, đặc tính của kinh tế tuần hoàn là biến rác thải của ngành này thành nguồn tài nguyên của ngành kia, đồng thời góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu.

Phát triển kinh tế tuần hoàn đang dần trở thành xu hướng của các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phát triển có ít tài nguyên, nhất là khi nguồn tài nguyên trên thế giới đang ngày càng cạn kiệt.

Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều nỗ lực và đã đạt được nhiều thành quả trong tiến trình phát triển bền vững. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với lượng chất thải phát sinh ngày càng lớn trong khi nguồn nguyên liệu thô, nguyên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt.

Bên cạnh đó, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có công nghệ lạc hậu, lỗi thời, quy mô sản xuất nhỏ lẻ và thiếu nguồn lực đầu tư cho công nghệ tái chế. Vì vậy, thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp cho doanh nghiệp Việt Nam thực hiện được mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững.

“Việc lựa chọn nền kinh tế tuần hoàn đối với Việt Nam là yêu cầu tất yếu nhằm khắc phục hạn chế của mô hình tăng trưởng truyền thống, giúp Việt Nam tránh lệ thuộc vào nền kinh tế bên ngoài, phát triển bền vững”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định.

Chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký VCCI cho rằng, thực tế từ mấy năm nay đã có nhiều những doanh nghiệp đã đi theo hướng kinh tế tuần hoàn.

Có thể kể đến như Dow dùng bao bì nhựa để làm đường. Hay như ở Heineken có tới 99,01% phụ phẩm và chất thải ttrong sản xuất được tái sử dụng hoặc tái chế. Các doanh nghiệp như CocaCola và Uniliver cũng đã sớm đi theo hướng kinh tế tuần hoàn…

Coca Cola cho biết đến năm 2030, hỗ trợ thu gom và tái chế tất cả các chai nhựa của các sản phẩm đã bán. Uniliver cho biết đến 2025 thì 100% chất thải bao bì nhựa của công ty sẽ được thu gom, tái chế và tái sử dụng.

Petro Việt Nam đã phối hợp với chính quyền địa phương và các bên liên quan trong ngành để xây dựng và phát triển hệ thống thu gom bao bì nhằm thúc đẩy tái chế đồng thời đặt mục tiêu đến năm 2030 thu thập tất cả các gói sản phẩm đã bán.

Kinh tế tuần hoàn là tương lai của doanh nghiệp

Ông Nguyễn Quang Vinh cho biết, ở Việt Nam cũng đã có những cái bắt tay cùng hướng tới kinh tế tuần hoàn. Đó là liên minh tái chế bao bì Việt Nam đã ra đời với 9 công ty là Coca Cola, Friesland Campina, La Vie, Nestle’, Nutifood, Suntory Pepsico, Tetra Pak, TH Group và URC.

Theo ông Vinh, những doanh nghiệp này đều là những tập đoàn đa quốc gia với chiến lược toàn cầu và nguồn lực đủ mạnh. “Vậy doanh nghiệp nhỏ có phát triển kinh tế tuần hoàn được không? Ở Việt Nam 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), vậy DNNVV sẽ phát triển kinh tế tuần hoàn ra sao, bắt đầu thế nào khi kinh tế tuần hoàn vẫn là khái niệm mới”, ông Vinh đặt câu hỏi.

Đến nay nhận thức về kinh tế tuần hoàn và lợi ích đã rõ nhưng thực tế hầu hết rác thải vẫn mang đổ bỏ, các vấn đề môi trường chưa được giải quyết, tài nguyên đang cạn kiệt.

“Thực tế đòi hỏi phải chuyển đổi sang nền kinh tế hợp lý hơn. Kinh tế tuần hoàn là tương lai của doanh nghiệp, là tương lại của các hoạt động sản xuất, kinh doanh”, ông Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh.

Theo đó, trong kinh tế tuần hoàn, rác thải, phế thải trong sản xuất và sinh hoạt sẽ không phải là rác thải mà đó chính là nguồn tài nguyên thứ cấp, là nguồn nguyên vật liệu cho sản xuất vòng sau.

Tuy kinh tế tuần hoàn là khái niệm mới nhưng ở mô hình kinh tế tuần hoàn đã từng xuất hiện ở Việt Nam từ hàng chục năm trước như mô hình Vườn – Ao – Chuồng... Nhưng ở Việt Nam kinh tế tuần hoàn vẫn chưa phải là một vòng đầy đủ với 5 khâu tuần hoàn từ thiết kế đến sản xuất, tiêu dùng, quản lý chất thải và biến chất thải trở lại thành tài nguyên, đặc biệt là khâu thiết kế trong sản xuất chưa được chú ý.

Ông Vinh mong muốn Việt Nam sẽ phát triển thị trường nguyên liệu thứ cấp trong đó chất thải sẽ được cung cấp như là một nguồn nguyên liệu mới.

Hoài Anh

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-la-yeu-cau-tat-yeu-135686.html