Phát triển kinh tế tuần hoàn: Cần ưu đãi cho doanh nghiệp bảo vệ môi trường

Một trong những giải pháp hữu hiệu trong phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam là nhà nước đã tạo nhiều cơ chế ưu đãi đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Trồng rừng tại Bình Định. Ảnh: Phạm Kha – TTXVN

Trồng rừng tại Bình Định. Ảnh: Phạm Kha – TTXVN

Chiều 28/6, trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2022 - Hội nghị khởi động kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam, các đại biểu đã tham dự 4 phiên thảo luận chuyên đề gồm: Thúc đẩy hợp tác về kinh tế tuần hoàn thông qua tạo lập mạng lưới đối tác, chia sẻ kiến thức; tài chính và công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn; các mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam; thúc đẩy các giải pháp kinh tế tuần hoàn nhằm giảm thiểu tác động của ô nhiễm nhựa tới sức khỏe.

Trao đổi về hành lang pháp lý hỗ trợ kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, Tiến sỹ Mai Thế Toản, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện lồng ghép kinh tế tuần hoàn ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; quản lý, tái sử dụng, tái chế chất thải.

Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thiết lập hệ thống quản lý và thực hiện biện pháp để giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hóa đến giai đoạn sản xuất, phân phối. Chính phủ quy định tiêu chí, lộ trình, cơ chế khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.

Hoạt động kinh tế tuần hoàn được xây dựng trên các tiêu chí chung gồm: Sử dụng tiết kiệm và hợp lý tài nguyên đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên sinh học, tài nguyên biển và hải đảo, tài nguyên khí hậu (năng lượng mặt trời, năng lượng gió); kéo dài thời gian sử dụng vật liệu, thiết bị, sản phẩm, hàng hóa, các linh kiện, cấu kiện; giảm thiểu tác động xấu đến môi trường; giảm mức độ suy thoái của hệ sinh thái; giảm phát thải khí nhà kính; bảo tồn đa dạng sinh học...

Theo Tiến sỹ Mai Thế Toản, kinh tế tuần hoàn ở nước ta có nhiều thuận lợi như: Chủ trương về phát triển kinh tế tuần hoàn, hệ thống pháp luật, công cụ chính sách khá đầy đủ.

Cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và được sự hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp, sự gia tăng nhận thức và nhu cầu của người tiêu dùng về các sản phẩm sạch...

Mặc dù vậy, việc phát triển kinh tế tuần hoàn ở nước ta còn gặp nhiều khó khăn như: Tư duy và tiếp cận hệ thống còn thiếu; hiệu lực, hiệu quả của các quy định pháp luật về kinh tế tuần hoàn chưa cao. Hành vi của người sản xuất, người tiêu dùng chưa thân thiện.

Một số công cụ chính sách chưa đồng bộ, thống nhất (hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật còn thiếu). Cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ quản lý tài nguyên môi trường còn hạn chế...

Một trong những giải pháp hữu hiệu trong phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam là nhà nước đã tạo nhiều cơ chế ưu đãi đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, sử dụng nguyên liệu sạch, quy trình sản xuất đảm bảo các tiêu chí môi trường như: Ưu đãi từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh; cấp bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại các tổ chức cho vay thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo lãnh tín dụng; ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; ưu đãi thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt; trợ giá sản phẩm, dịch vụ về bảo vệ môi trường...

Chia sẻ về mô hình sản xuất bền vững từ hạt cà phê đến gạch không nung, ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại, Công ty Nestlé Việt Nam cho biết, Công ty đã thực hiện quy trình xử lý bã cà phê thành phân vi sinh, đồng xử lý chất thải thành năng lượng.

Từ đó cát thải được tái chế thành gạch không nung và bùn được xử lý thành phân bón, đồng thời sử dụng bìa thùng carton được tái chế. Từ các biện pháp trên, Công ty đã đạt được nhiều kết quả như: không phát thải chôn lấp ra môi trường; 40% năng lượng tái tạo sử dụng cho tổng nhu cầu điện năng; tiết kiệm 30% nước sử dụng trong sản xuất...

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Huy Đại, Đại học Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trong quá trình chế biến gỗ, luôn có phế liệu gỗ ở hầu hết các công đoạn từ khâu khai thác đến gia công. Việc tái sử dụng phụ phẩm, phế liệu gỗ trong quá trình chế biến sẽ giúp tạo mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành chế biến gỗ. Trên thực tế, phụ phẩm gỗ chiếm tỷ lệ khối lượng khá cao, ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của doanh nghiệp.

Phế liệu gỗ tại các nhà máy phục vụ cho mục đích cung cấp nhiệt cho nồi hơi, lò hơi thay cho việc sử dụng than đá, hoặc dầu như trước đây sẽ có ý nghĩa to lớn về bảo vệ môi trường và giảm khí thải CO2.

Phế liệu gỗ sau chế biến tại các xí nghiệp có thể được thu gom để sản xuất tập trung các sản phẩm năng lượng. Các sản phẩm năng lượng như viên nén gỗ, gỗ củi ép mùn cưa, than gỗ đã góp phần không nhỏ vào việc giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính, nhóm nhiên liệu này được thay thế bởi các nhiên liệu gây ô nhiễm môi trường, phát thải một lượng khí lớn CO2 vào môi trường.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Huy Đại cho rằng, để tạo kinh tế tuần hoàn trong chế biến gỗ, cần phát huy hiệu quả chính sách để tạo rừng trồng ở quy mô lớn, liên kết các hợp tác xã, các hộ dân trồng rừng với các nhà máy chế biến gỗ; khuyến khích, tạo cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp là các chủ rừng, phát triển liên kết theo quy trình trồng, khai thác và chế biến-tiêu thụ để từ đó tạo vòng kinh tế tuần hoàn; sử dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm tạo ra trong quá trình sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn cho sản xuất. Các cơ quan quản lý cần hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động về hiệu quả của kinh tế tuần hoàn...

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam đã giới thiệu Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam để kết nối giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) là đầu mối thực hiện.

Theo đó, Mạng lưới có 5 hợp phần chính gồm: Đối thoại chính sách; chia sẻ kiến thức và nghiên cứu điển hình; thông tin về tài chính; diễn đàn doanh nghiệp; cơ sở dữ liệu.

Mạng lưới sẽ vận hành theo hình thức đối tác công tư. Các hoạt động điều phối của mạng lưới sẽ được thực hiện bởi Hội đồng cố vấn do các nhóm công tác hỗ trợ. Các thành viên của Hội đồng cố vấn sẽ bao gồm các nhà hoạch định chính sách, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, người tiêu dùng, các tổ chức xã hội./.

Hoàng Nam/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-can-uu-dai-cho-doanh-nghiep-bao-ve-moi-truong/249101.html