Phát triển kinh tế tuần hoàn, biến rác thải thành tài nguyên

Mô hình kinh tế tuần hoàn đưa một phần hoặc toàn bộ chất thải về vòng sản xuất cũ, phục vụ đầu vào sản xuất, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Hội thảo “Kinh tế tuần hoàn: Hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam”

"Đặc tính của kinh tế tuần hoàn là biến rác thải của ngành này thành nguồn tài nguyên của ngành kia, đồng thời góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu", Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương phát biểu tại Hội thảo “Kinh tế tuần hoàn: Hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức chiều (23/10) .

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế trong đó toàn bộ các hoạt động từ thiết kế, sản xuất đến cung cấp dịch vụ hướng tới tái sử dụng vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường.

Mô hình kinh tế tuần hoàn đưa một phần hoặc toàn bộ chất thải về vòng sản xuất cũ, cấu trúc lại và sử dụng lại, do đó, góp phần giảm tiêu thụ nguyên liệu, thu hồi chất thải cho đầu vào sản xuất, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

“Phát triển kinh tế tuần hoàn đang dần trở thành xu hướng của các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phát triển có ít tài nguyên, nhất là khi nguồn tài nguyên trên thế giới đang ngày càng cạn kiệt” – Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay.

Dẫn chứng cho xu hướng này, Bà Lê Thị Ngọc Mỹ, Giám đốc Phát triển Bền vững của Heineken Việt Nam cho biết, hiện 5/6 nhà máy của Heineken Việt Nam đã nấu bia bằng 100% năng lượng tái tạo. Với việc chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu sinh khối và thu mua gần 40.000 tấn vỏ trấu và các phế phẩm/phụ phẩm nông nghiệp, doanh nghiệp đã hỗ trợ mang lại thu nhập lên tới 52,6 tỷ đồng cho người dân địa phương chỉ riêng trong năm 2019.

Sáng kiến này là minh chứng cho việc kinh tế tuần hoàn không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường và cộng đồng, mà còn có giá trị về mặt kinh tế cho các doanh nghiệp địa phương.

"Chúng tôi cũng gần như không còn chất thải chôn lấp, nhờ tái sử dụng và tái chế tới 99% chất thải hoặc phụ phẩm trong sản xuất", bà Mỹ nói.

Chai và két bia sau khi ra thị trường đều được thu hồi trở lại về nhà máy, trải qua quá trình khử trùng nghiêm ngặt, đảm bảo đạt tiêu chuẩn vệ sinh để có thể tái sử dụng. Một chai thủy tinh có thể được tái sử dụng tới 20 lần, và một két bia có thể tái sử dụng trong 5 – 10 năm, sau đó sẽ được cán vụn và bán lại cho các công ty cung cấp thủy tinh và nhựa, bà Mỹ cho biết.

"Nhiều người lo ngại đầu tư vào kinh tế tuần hoàn sẽ tốn chi phí đầu tư ban đầu nhưng nếu về lâu dài sẽ mang lại nhiều lợi ích. Đơn cử như việc chúng ta mua một thiết bị tiết kiệm năng lượng, có thể giá mua thiết bị ban đầu cao hơn các sản phẩm cùng loại nhưng khi sử dụng lâu dài, giảm được chi phí tiền điện thì như vậy lại càng có lợi", bà Mỹ nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu, lỗi thời, quy mô sản xuất nhỏ lẻ và thiếu nguồn lực đầu tư cho công nghệ tái chế.

Tuy nhiên, rất cần chú trọng vì thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp cho doanh nghiệp Việt Nam thực hiện được mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững.

"Nhất là khi Việt Nam đang phải đối mặt với lượng chất thải phát sinh ngày càng lớn trong khi nguồn nguyên liệu thô, nguyên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

HẠ AN

Nguồn BizLIVE: http://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/vi-mo/phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-bien-rac-thai-thanh-tai-nguyen-3553871.html