Phát triển kinh tế từ trồng ớt xuất khẩu

Để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập, thời gian qua nhiều mô hình kinh tế đã được người dân ở các địa phương trong tỉnh thực hiện hiệu quả, trong đó có mô hình trồng ớt chỉ thiên xuất khẩu với quy mô lớn của ông Lý Hoài Sơn tại 2 huyện Tiên Yên và Bình Liêu.

Cây ớt sinh trưởng, phát triển tốt trên diện tích 3ha tại xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu.

Cây ớt sinh trưởng, phát triển tốt trên diện tích 3ha tại xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu.

Từ 1ha trồng thử nghiệm năm 2014 tại huyện Tiên Yên, đến nay mô hình trồng ớt chỉ thiên xuất khẩu được ông Lý Hoài Sơn (người dân huyện Tiên Yên) đầu tư, mở rộng hơn 6ha trên cơ sở thuê lại diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả tại các xã: Hà Lâu, Phong Dụ (huyện Tiên Yên) và Vô Ngại (huyện Bình Liêu), với giá thuê đất 1,5 triệu đồng/sào/năm. Bên cạnh xác định được tính phù hợp của cây ớt chỉ thiên với chất đất, thời tiết tại từng địa bàn, cùng với áp dụng kỹ thuật thụ phấn nhân tạo, đến nay mô hình trồng ớt chỉ thiên của ông Sơn đang phát triển tốt, cho năng suất sản lượng cao.

Ông Sơn cho biết: Do đã có kinh nghiệm trồng ớt nhiều năm và học hỏi ở nhiều nơi về việc ứng dụng kỹ thuật chăm sóc cây ớt, những năm gần đây năng suất, sản lượng ớt của gia đình cho thu hoạch ngày càng tăng. Hiện nay, mô hình trồng ớt chỉ thiên tại huyện Tiên Yên và Bình Liêu cho thu hoạch 2 vụ/năm, năng suất trung bình đạt khoảng 5 tấn/ha. Sau khi thu hoạch, ớt được xuất khẩu sang Trung Quốc, bình quân doanh thu đạt gần 300 triệu đồng/vụ. So với các cây trồng khác, cây ớt chỉ thiên cho năng suất và thu nhập khá cao.

Ông Lý Hoài Sơn áp dụng kỹ thuật thụ phấn nhân tạo cho cây ớt chỉ thiên.

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, mô hình trồng ớt chỉ thiên xuất khẩu của hộ ông Sơn đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập trung bình từ 180.000-200.000 đồng/ngày. Chị Nguyễn Thị Thúy (xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu), chia sẻ: Trước đây, diện tích đất của gia đình tôi trồng hoa màu, nhưng năng suất không cao, cuộc sống không đảm bảo. Vì vậy, gia đình tôi đã cho hộ ông Sơn thuê đất để trồng ớt chỉ thiên. Tôi cũng như nhiều bà con ở đây còn được ông Sơn nhận vào làm để trồng, chăm sóc và thu hoạch ớt, nên có thêm thu nhập, cuộc sống cũng khấm khá hơn...

Phó Chủ tịch UBND xã Vô Ngại Nguyễn Trung Kiên nhận xét: Vô Ngại là xã đặc biệt khó khăn của huyện Bình Liêu. Từ khi mô hình trồng ớt chỉ thiên xuất khẩu của ông Lý Hoài Sơn phát triển tại địa phương, đã giải quyết được số lượng lớn lao động dôi dư và tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần vào thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế chung của địa phương...

Mô hình trồng ớt xuất khẩu của hộ ông Lý Hoài Sơn đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trồng ớt chỉ thiên xuất khẩu hiện là mô hình sản xuất hứa hẹn mở ra hướng đi mới, không chỉ giúp giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, mà còn góp phần thực hiện chuyển đổi diện tích đất canh tác lúa, rau màu kém hiệu quả, chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa tại địa phương.

Dương Hương

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201911/phat-trien-kinh-te-tu-trong-ot-xuat-khau-2462510/