Phát triển kinh tế từ gỗ phế liệu

Thu mua và tận dụng những thùng đựng linh kiện bằng các loại gỗ thông, gỗ sồi... một số hộ dân ở xã Bình Trị (Bình Sơn) đã làm ra những khung gỗ để bán cho các công ty chuyên làm giỏ mây tre bằng khung gỗ xuất khẩu. Tưởng chừng những loại gỗ phế liệu này chỉ làm chất đốt, nhưng qua bàn tay khéo léo của con người đã tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường, hướng đến mô hình phát triển kinh tế bền vững.

Năm 2015, trong một chuyến đi du lịch ở miền Nam, ông Phạm Thứ, ở thôn An Lộc Bắc, xã Bình Trị tình cờ biết đến nghề làm khung giỏ mây tre bằng các loại gỗ phế liệu. Nhận thấy mô hình này khá triển vọng, ông Thứ mạnh dạn cho thợ đi học nghề và liên hệ tìm nguồn gỗ phế liệu ở các khu công nghiệp về làm khung gỗ.

Xưởng sản xuất khung gỗ từ gỗ phế liệu của gia đình anh Phạm Dự, ở xã Bình Trị (Bình Sơn) mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Thứ cho biết: "Bình Trị ở gần nhiều nhà máy, xí nghiệp nên rất thuận lợi trong việc tận dụng nguồn gỗ phế liệu từ những thùng đựng linh kiện bằng gỗ thông, gỗ sồi do các nhà máy bỏ đi. Sau khi liên kết được với công ty chuyên làm giỏ mây tre bằng khung gỗ, năm 2016, tôi mở xưởng sản xuất và đào tạo nghề cho một số lao động ở địa phương".

Là gỗ phế liệu, chủ yếu làm chất đốt nên giá thành của các thùng đựng linh kiện có giá khoảng 1,7 triệu đồng/tấn. Từ 1 tấn gỗ thông, gỗ sồi đã qua sử dụng này có thể làm ra 350 khung gỗ để làm giỏ mây tre đan. Và cứ 1.000 khung thì công ty thu mua với giá gần 11 triệu đồng, trừ hết chi phí mang về lợi nhuận trên 3 triệu đồng. Với hiệu quả kinh tế mà mô hình mang lại, đến nay, toàn xã Bình Trị đã có 8 hộ gia đình mở xưởng, thực hiện việc sản xuất khung gỗ này.

“Từng làm thợ cho xưởng sản xuất của ông Thứ, sau hơn một năm gắn bó, tôi đề xuất với ông Thứ mong muốn mở xưởng riêng và được ông hướng dẫn, giúp đỡ nhiệt tình. Các sản phẩm ở xưởng sản xuất của chúng tôi được ông Thứ hỗ trợ và tìm đầu ra. Trung bình mỗi tháng, cơ sở của tôi xuất bán khoảng 5.000 bộ khung gỗ, tạo việc làm cho 5 - 10 lao động. Trừ chi phí nhân công, nguyên liệu thì mỗi tháng tôi thu lợi nhuận gần 15 triệu đồng”, anh Phạm Dự, chủ cơ sở sản xuất khung gỗ cho biết.

Khung gỗ do các hộ dân làm ra sẽ được chuyển vào công ty ở miền Nam gia công, đan lát mây tre và xuất khẩu ra nước ngoài.

Ông Thứ chia sẻ: "Giỏ mây tre đan khung gỗ là sản phẩm thủ công độc đáo, thân thiện với môi trường nên được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng. Hiện nay, các cơ sở của chúng tôi chỉ mới sản xuất được phần khung gỗ bên trong, chưa cho ra sản phẩm hoàn chỉnh nên còn phụ thuộc vào các công ty trong miền Nam. Sắp đến chúng tôi sẽ học thêm về đan lát nhằm tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh để duy trì, phát triển xưởng sản xuất lâu dài, bền vững hơn".

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Trị Ao Trường Phi, nghề làm khung giỏ mây tre bằng gỗ phế liệu là hướng đi mới và mang lại hiệu quả kinh tế cho một số hộ dân ở địa phương. Vừa qua, Hội Nông dân xã đã thành lập Tổ hội nghề nghiệp Mây tre đan với mong muốn các hộ dân có thêm sự liên kết, hỗ trợ nhau trong phát triển sản xuất. Thông qua tổ hội nghề nghiệp này, Hội Nông dân xã dễ dàng tiếp sức, tạo điều kiện cho các hộ dân vay vốn mở rộng sản xuất.

Bài, ảnh: HIỀN THU

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/202106/phat-trien-kinh-te-tu-go-phe-lieu-3061113/