Phát triển kinh tế tiểu vùng Mê Công mở rộng

Năm nay, Diễn đàn Mê Công về Nước, Lương thực và Năng lượng có chủ đề 'Phát triển kinh tế và các dòng sông trong tiểu vùng Mê Công mở rộng'.

Các đại biểu tham dự hội thảo trong khuôn khổ Diễn đàn Mê Công về Nước, Lương thực và Năng lượng 2018. Ảnh: Gia Tùng

Diễn ra từ ngày 4 đến 6/12 tại Myanmar, diễn đàn sự kiện thường niên lớn nhất trong vùng Mê Công nhằm chia sẻ, trao đổi thông tin giữa đại biểu là các cơ quan chính phủ, cơ quan lập pháp, các nhà tài trợ song phương, đa phương, lĩnh vực tư nhân và các cơ quan nghiên cứu.

Các dòng sông trong tiểu vùng Mê Công mở rộng đều mang lại những những giá trị kinh tế lớn về thủy điện, thủy sản, giao thông thủy và nông nghiệp. Các dòng sông này cũng là các hành lang kinh tế và sinh thái, tạo ra động lực phát triển kinh tế cho các quốc gia trong lưu vực.

Tuy nhiên, quá trình khai thác, sử dụng các dòng sông mang lại nhiều thách thức về mặt xã hội, kinh tế và môi trường. Diễn đàn Mê Công về Nước, Lương thực và Năng lượng 2018 tập trung đưa ra thảo luận các giải pháp đối với những thách thức này cũng như lộ trình hành động dựa trên các giải pháp khoa học kỹ thuật và các cơ chế đối thoại cấp vùng.

Tại diễn đàn, hàng trăm đại biểu đến từ Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam… và nhiều tổ chức quốc tế tập trung thảo luận các chủ đề về hành lang kinh tế; sông ngòi, sự phát triển và tính đa dạng; sự gắn kết giữa nước, đất và hệ sinh thái; chuyển đổi ngành năng lượng và đổi mới quản trị.

Hợp tác chia sẻ, sử dụng nguồn nước

Ngoài ra, các học giả Việt Nam và quốc tế trình bày các quan điểm về quản lý nguồn nước và hệ sinh thái một cách bền vững trên lưu vực sông Mê Công về các khía cạnh kỹ thuật, môi trường, thể chế quản lý cũng như các cơ chế phối hợp liên vùng.

Các học giả, quan chức, nhà nghiên cứu… tập trung thảo luận về hợp tác chia sẻ, sử dụng nguồn nước trên lưu vực sông phục vụ bảo vệ môi trương và duy trì nguồn lợi thủy sản; những thách thức về quản trị, chia sẻ nguồn nước, môi trường và thủy sản như xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, hạn hán, suy thoái hệ sinh thái…

Các đại biểu cũng trình bày về thực trạng phát triển thủy điện trên dòng chính và dòng nhánh sông Mê Công và các ảnh hưởng đến sự phát triển của các loài cá; kinh nghiệm và bài học quốc tế trong duy trì nguồn lợi thủy sản bền vững trên lưu vực sông trong điều kiện phát triển thủy điện.

Đồng thời, thảo luận về luật pháp và ngoại giao về nước và cơ chế hợp tác, phối hợp trong quản lý tài nguyên nước bền vững trên lưu vực sông Mê Công; vai trò của các cơ chế đối thoại đa phương trong quản lý, chia sẻ nguồn nước trên các lưu vực sông quốc tế.

Cụ thể, các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm và bài học xây dựng các cơ chế hợp tác đa phương trong chia sẻ và quản trị nguồn nước trên các lưu vực sông, như sông Nile, sông Rhone, sông Danube…, đồng thời đề xuất giải pháp thúc đẩy các cơ chế hợp tác đa phương cho lưu vực sông Mê Công.

Đại diện của Viện Quy hoạch Thủy lợi (Việt Nam) đề xuất thúc đẩy hợp tác về phát triển và chia sẻ nguồn nước theo Công nước Liên Hợp Quốc về nguồn nước năm 1997. Việc phát triển thủy điện ở hạ lưu sông Mekong cần phù hợp với Hiệp định Mekong năm 1995, triệt để tuân thủ quy trình thông báo, tham vấn và thỏa thuận trước. Các nhà máy thủy điện trên dòng chính sông Mekong phải tuân thủ đầy đủ hướng dẫn về thiết kế sơ bộ đối với các nhà máy thủy điện trên dòng chính hạ lưu sông Mekong.

Các nước trong khu vực nên thành lập cơ chế xuyên quốc gia để điều phối hoạt động của bậc thang thủy điện trên dòng chính sông Mekong để giảm thiểu tác động tiêu cực tới các nước trong lưu vực sông. Đồng thời cơ chế hợp tác trong khuôn khổ Ủy hội sông Mekong với cơ chế hợp tác Mekong-Lan Thương để tăng cường chia sẻ thông tin, thiết lập nguyên tắc chia sẻ lợi ích giữa các nước trong lưu vực…

Gia Tùng

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-gioi/phat-trien-kinh-te-tieu-vung-me-cong-mo-rong-936894.html