Phát triển kinh tế thủy sản theo hướng bền vững

Phát triển kinh tế thủy sản theo hướng bền vững đang được tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo quyết liệt với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực, nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía người dân, doanh nghiệp. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Đội tàu khai thác thủy sản xa bờ của huyện Vân Đồn neo đậu tại cảng Cái Rồng, huyện Vân Đồn).

Đội tàu khai thác thủy sản xa bờ của huyện Vân Đồn neo đậu tại cảng Cái Rồng, huyện Vân Đồn).

Năm 2019, tổng sản lượng thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt 131.548 tấn, tăng 9,6% so với kế hoạch đề ra trong năm. Trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt 64.185 tấn, đạt trên 110% kế hoạch năm; khai thác đạt 67.363 tấn, đạt trên 108% kế hoạch năm. Có được kết quả đó là do các sở, ngành và địa phương liên quan đã tích cực triển khai các chính sách phát triển thủy sản với nhiều giải pháp hỗ trợ tổ chức, cá nhân, đặc biệt đối với ngư dân.

Trong lĩnh vực nuôi trồng, tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT hướng dẫn các địa phương, đơn vị điều chỉnh cơ cấu nuôi hợp lý, phát triển các vùng nuôi tôm, cá ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; phát triển mạnh các sản phẩm nuôi chủ lực tôm, nhuyễn thể. Ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Hiện Sở tiếp tục xây dựng và hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản mặn, lợ tại Quảng Ninh; đồng thời huy động nguồn lực, thu hút đầu tư các trại sản xuất giống thủy sản chất lượng cao, hướng đến tự chủ con giống nuôi trên địa bàn, không phụ thuộc vào nguồn giống bên ngoài để đảm bảo con giống chất lượng, không bị dịch bệnh và thích nghi với điều kiện thời tiết tại vùng nuôi Quảng Ninh.

Đến nay, trong lĩnh vực nuôi tôm, Tập đoàn Việt - Úc đã triển khai dự án sản xuất tôm thẻ chân trắng chất lượng cao tại Đầm Hà. Dự án có quy mô và công suất sản xuất 8 tỷ con tôm giống/năm và xây dựng khu nuôi tôm thương phẩm có sản lượng từ 100-300 tấn/ha/năm, tương đương 5.800-17.400 tấn/năm. Đến nay, Tập đoàn đã sản xuất được gần 600 triệu con tôm giống, đáp ứng nhu cầu con giống tại chỗ phục vụ người nuôi tôm trong tỉnh và vùng phụ cận.

Cung ứng giống tôm thẻ chân trắng cho người dân của Tập đoàn Việt - Úc tại huyện Đầm Hà.

Trong khai thác thủy sản, tỉnh khuyến khích phát triển đội tàu cá đánh bắt xa bờ, hạn chế đóng mới tàu cá công suất nhỏ, hoạt động tại vùng ven bờ nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Hiện toàn tỉnh có 8.210 tàu cá các loại, trong đó có 240 tàu có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động vùng khơi. Thực hiện Luật Thủy sản, các tàu đang dần lắp đặt thiết bị Movimar theo khuyến nghị của EC nhằm tháo gỡ thẻ vàng đối với hoạt động khai thác thủy sản của Việt Nam và cảnh báo tàu vi phạm vùng biển các nước, hỗ trợ tàu cá khi gặp sự cố. Bước đầu đã có 22 tàu cá có chiều dài trên 24m được lắp đặt thiết bị Movimar theo khuyến nghị của EC, hướng đến những năm tới sẽ có 100% tàu cá vùng khơi được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Nhằm bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản, phục vụ cho sự phát triển bền vững của kinh tế thủy sản, năm 2019, các sở, ngành, địa phương đã huy động nguồn lực xã hội và ngân sách nhà nước thả hơn 8,8 triệu con giống thủy sản các loại ra môi trường tự nhiên; đồng thời tăng cường kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản, trong đó đã phát hiện, thu giữ tang vật, xử phạt vi phạm hành chính 998 vụ việc, phạt nộp ngân sách nhà nước trên 7,2 tỷ đồng với các lỗi vi phạm như sử dụng xung điện, nghề lặn, cào, giã.

Hiện nay, tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện cơ cấu lại ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong đó, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản trên biển, chuyển dịch từ vùng nuôi ven bờ sang phát triển vùng nuôi biển theo quy mô công nghiệp với công nghệ hiện đại, có thể truy xuất nguồn gốc, đảm bảo các điều kiện cho xuất khẩu; đẩy nhanh tiến độ triển khai, hoàn thiện đưa vào vận hành ổn định khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thủy sản tại Đầm Hà; thu hút tổ chức khoa học công nghệ và doanh nghiệp tham gia đầu tư ứng dụng công nghệ cao sản xuất giống thủy sản có năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao.

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác hợp lý giữa các vùng biển theo hướng giảm tàu nhỏ khai thác vùng ven bờ, tăng lượng tàu khai thác vùng lộng và vùng khơi với trang thiết bị đồng bộ, hiện đại. Đồng thời, phát triển đội tàu cá vỏ thép, vỏ vật liệu mới để nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất và sức lao động; thành lập các khu bảo tồn biển, hình thành khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản quý hiếm như sá sùng, ngán, rươi tại các địa phương của tỉnh.

Mạnh Trường

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202002/phat-trien-kinh-te-thuy-san-theo-huong-ben-vung-2471735/