Phát triển kinh tế thông qua KHCN là cực kỳ quan trọng đối với Việt Nam

Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam trong Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2019 diễn ra tại Hà Nội ngày 26/6/2019 vừa qua, cơ quan này khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần xây dựng một môi trường khuyến khích sự đổi mới.

Theo AmCham, phát triển kinh tế thông qua khoa học và công nghệ (KHCN) là cực kỳ quan trọng đối với tương lai của Việt Nam. KHCN luôn là những lĩnh vực có cơ hội lớn đòi hỏi cách tiếp cận chính sách với tư duy cấp tiến.

Mặc dù vậy, AmCham vẫn tiếp tục nhận thấy các quy định pháp lý từ Bộ KH&CN gây ra sự phức tạp không cần thiết và những quy định bổ sung, bao gồm cả việc nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng hay đăng ký công nghệ dẫn đến sự trùng lặp và gây ra rủi ro bảo mật IP cho những người liên quan trong chuyển giao công nghệ.

“Những gánh nặng trong kinh doanh không ảnh hưởng đáng kể đến các mục tiêu mà Bộ KH&CN mong muốn đạt được và do đó, chúng tôi tiếp tục đề nghị sự thay đổi cùng các đồng nghiệp Nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại, cũng như các nhóm khác, những người ủng hộ sự cải tiến quan trọng cần thiết để cho phép dòng chảy công nghệ và khoa học được khơi thông, tạo cơ hội cho Việt Nam trên con đường tăng trưởng bền vững,” Báo cáo của AmCham nhấn mạnh.

Cũng theo AmCham, sự ủng hộ nhiệt tình của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đối với quá trình hợp tác cùng AmCham để giúp xây dựng nền kinh tế kỹ thuật số là nguồn khích lệ rất lớn đối với tổ chức này.

"Trong thế giới ngày nay, nền kinh tế kỹ thuật số cũng là một phần không thể tách rời của nền kinh tế thực. Nền kinh tế kỹ thuật số giúp giảm đánh kể chi phí, cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho nhiều người tiêu dùng hơn và tạo điều kiện tiếp cận các thị trường mới và có quy mô lớn hơn", đại diện AmCham nói.

AmCham bày tỏ mong muốn hợp tác với Việt Nam trong công cuộc hoàn thành các mục tiêu kinh tế kỹ thuật số và sẵn sàng cung cấp kiến thức chuyên môn hỗ trợ Việt Nam xây dựng các quy tắc công nghệ mới như thanh toán điện tử, dịch vụ nội dung số, trí tuệ nhân tạo và thành phố thông minh.

Thanh toán điện tử là một trong những yếu tố cấu thành của nền kinh tế số.

Thanh toán điện tử là một trong những yếu tố cấu thành của nền kinh tế số.

“Nền tảng chính sách tốt cho phép sử dụng ví tự động và các hệ thống thanh toán điện tử khác một cách hiệu quả để hạn chế việc sử dụng tiền mặt, tạo điều kiện cho thương mại điện tử phát triển cũng như ngăn ngừa tham nhũng và lừa đảo,”AmCham cho hay.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực và quy mô ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào mạng lưới Internet an toàn, ổn định và đáng tin cậy để thực hiện các hoạt động hằng ngày. Vì lý do đó, AmCham bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy sự phát triển của Internet và nền kinh tế kỹ thuật số, đồng thời đảm bảo an ninh về dữ liệu và bảo vệ người dùng Internet.

AmCham cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện cho dịch vụ tài chính và Fintech phát triển. Sự tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ tài chính sẽ phụ thuộc vào việc triển khai khung pháp lý, quy định và chính sách thuận lợi cho nhà đầu tư và cho phép các lĩnh vực này tiếp tục đóng góp cho sự thịnh vượng và phổ cập tài chính của Việt Nam.

Được biết, ngành ngân hàng Việt Nam đang áp dụng một trong những tỷ lệ sở hữu nước ngoài thấp nhất so với các quốc gia có trình độ phát triển tương đương trong khu vực. Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng, việc nới tỷ lệ sở hữu nước ngoài sẽ cho phép các ngân hàng huy động vốn quốc tế trong bối cảnh thiếu hụt nguồn vốn trung hạn để phục vụ cho các kế hoạch tăng trưởng, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế của đất nước.

Ngoài ra, điều này cũng sẽ giúp Việt Nam khai thác sâu thị trường vốn một cách có ý nghĩa và thu hút các định chế đầu tư nước ngoài tham gia hỗ trợ thanh khoản cho thị trường. Bên cạnh đó, mặc dù lạc quan về những nỗ lực của Chính phủ trong việc tạo điều kiện thúc đẩy nền kinh tế không dùng tiền mặt và phát triển lĩnh vực kỹ thuật số, những AmCham vẫn quan ngại về một số quy định gần đây về lĩnh vực thanh toán Fintech.

Kế hoạch áp dụng giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực thanh toán và Fintech đang tăng trưởng nhanh sẽ hạn chế đáng kể các công ty khởi nghiệp Fintech Việt Nam trong việc huy động vốn từ các tổ chức đầu tư nước ngoài, từ đó hạn chế khả năng thu hút nhân tài và khiến họ kém cạnh tranh hơn so với các doanh nghiệp khác trong khu vực.

“Nhìn chung, những giới hạn như vậy sẽ cản trở sự phát triển của ngành và chúng tôi hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ duy trì các chính sách tạo điều kiện cho dịch vụ Fintech có cơ hội đóng góp vào công cuộc đổi mới công nghệ và phổ cập tài chính tại Việt Nam”, AmCham khuyến nghị.

Nguyễn Tuân

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/phat-trien-kinh-te-thong-qua-khcn-la-cuc-ky-quan-trong-doi-voi-viet-nam-post306353.info