Phát triển kinh tế số Việt Nam từ công nghệ Blockchain

Blockchain được hiểu là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin, dữ liệu bằng các khối liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian.

Với đặc tính phi tập trung, minh bạch và độ bảo mật cao, Blockchain được đánh giá là công nghệ mang tính cách mạng, là nền tảng quan trọng của kinh tế số đang được nhiều nước ứng dụng vào các ngành nghề, lĩnh vực, như: Tài chính, ngân hàng, bán lẻ, viễn thông, y tế... Tuy nhiên, ở Việt Nam, hiểu biết cũng như các chính sách, quy định về công nghệ Blockchain hiện khá sơ khai.

Nâng cao tính minh bạch và không thể can thiệp vào dữ liệu

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đang nghiên cứu ban hành các chủ trương, xây dựng chính sách phù hợp cho sự phát triển đầy tiềm năng của công nghệ Blockchain. Đơn cử như chính phủ Thụy Điển, Honduras đã sử dụng công nghệ này để xử lý quyền sử dụng đất; Estonia sử dụng trong quản lý cơ sở dữ liệu của chính phủ…

Theo ông Adam Vaziri, Tổng giám đốc QRC Group (một trong những tập đoàn đi đầu về ứng dụng công nghệ Blockchain có trụ sở chính tại Anh), việc ứng dụng công nghệ Blockchain giúp nâng cao tính bảo vệ dữ liệu. Vì những dữ liệu này được lưu trữ ở hàng nghìn máy tính khác nhau. Để thay đổi thông tin, họ cần sự đồng thuận của hàng nghìn người sử dụng. Ông cũng cho rằng, nhiều người vẫn nhầm tưởng các loại tiền mã hóa như Bitcoin là Blockchain nhưng đây chỉ là một ứng dụng của công nghệ Blockchain. “Gần đây, có các vụ việc trong ngành ngân hàng như khách hàng mất hàng trăm tỷ đồng hoặc hồ sơ của khách thế chấp ở nhiều ngân hàng khác nhau. Nhưng khi ứng dụng Blockchain, chúng tôi bảo đảm được hồ sơ này là duy nhất, không ai có thể thay đổi, sửa chữa, kể cả nhân viên ngân hàng. Đặc tính của Blockchain là sự minh bạch, không thể can thiệp, hạn chế được tiêu cực”, ông Adam Vaziri cho biết thêm.

Khách hàng tìm hiểu công nghệ Blockchain tại Diễn đàn Blockchain “Xu hướng và tầm nhìn phát triển” vừa diễn ra.

Năm 2017, Việt Nam có hơn 430.000 dự án mã nguồn mở và thành lập hơn 30 startup trong lĩnh vực công nghệ Blockchain. Tính đến tháng 12-2017, lượng tìm kiếm việc làm liên quan đến Blockchain và Cryptocurrency (tiền mã hóa) tại Việt Nam đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016. Theo Tạp chí Forbes, Việt Nam có thể trở thành trung tâm ứng dụng công nghệ Blockchain mới của khu vực và trên thế giới, là điểm đến của các nhà đầu tư công nghệ, đối tác phát triển Blockchain quốc tế.

Ông Đỗ Văn Long, Giám đốc Chiến lược vùng Infinity Blockchain Labs cho rằng, hiện nay đa số các doanh nghiệp Việt Nam đều gặp khó khăn khi tiếp cận công nghệ Blockchain là do Việt Nam chưa xây dựng được khung pháp lý hoàn thiện cho việc ứng dụng công nghệ này. Ngoài ra, đa phần các doanh nghiệp Việt Nam thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghệ thông tin và hạ tầng công nghệ chưa bắt kịp với thế giới.

Cần khung pháp lý cho công nghệ Blockchain

Để tạo động lực và khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong tiếp nhận công nghệ Blockchain, theo ông Đỗ Văn Long, Việt Nam cần xây dựng khung pháp lý hoàn thiện cho công nghệ Blockchain; đồng thời, nên tiến hành thử nghiệm công nghệ này với một giới hạn nhất định, đặt dưới sự giám sát của các cơ quan chuyên môn. Ngoài ra, về phía các doanh nghiệp Việt cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Mới đây tại Diễn đàn Blockchain “Xu hướng và tầm nhìn phát triển”, ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự và kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết: "Từ năm 2016-2017, Bộ Tư pháp đã triển khai đề án xây dựng quản lý tiền thuật toán. Dự kiến, đến tháng 8-2018, bộ sẽ hoàn tất rà soát thực tiễn tài sản ảo, thực tế pháp luật, đề xuất định hướng. Bộ cũng đang chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu công nghệ 4.0, Blockchain và các ảnh hưởng, để từ đó soạn thảo luật, đưa ra chính sách phù hợp thời gian tới".

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh: Thời gian tới Bộ KH&CN sẽ phối hợp với các bộ, ngành tổ chức nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển ứng dụng công nghệ Blockchain; đồng thời, nghiên cứu kinh nghiệm các nước, tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành những chủ trương, chính sách, quy định pháp luật phù hợp để thúc đẩy, kiểm soát công nghệ Blockchain tại Việt Nam. Cùng với đó, hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ Blockchain thông qua các chương trình KH&CN cấp quốc gia, như: Chương trình KH&CN về Chính phủ điện tử; Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà hiện nay Bộ KH&CN đang hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Đặc biệt, ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp thực hiện dự án có ứng dụng công nghệ Blockchain thông qua Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.

Bài và ảnh: LA DUY

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/phat-trien-kinh-te-so-viet-nam-tu-cong-nghe-blockchain-542530