Phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo đảm an sinh xã hội

Tiếp tục thảo luận toàn thể tại Hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020, các đại biểu Quốc hội đều cơ bản đồng tình với kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2019, kinh tế tiếp tục tăng trưởng tích cực, đạt nhiều kết quả toàn diện trên các lĩnh vực.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội ghi nhận sự nỗ lực rất lớn từ phía Chính phủ trong việc điều hành bộ máy nhà nước, để có những con số phát triển ấn tượng; đồng thời đồng tình với những nhận định, giải pháp nêu trong báo cáo của Chính phủ.

Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại kỳ họp Quốc hội

Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại kỳ họp Quốc hội

Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn đại biểu tỉnh Đồng Tháp) cho biết, chúng ta vui mừng về kết quả phát triển kinh tế, nhưng kinh tế cũng không phải là yếu tố duy nhất đem lại chất lượng cuộc sống của người dân. Thậm chí, nếu tăng trưởng nóng về kinh tế mà không làm tốt an sinh xã hội, thì đến một lúc nào đó sẽ phải trả giá vì hậu quả xã hội khôn lường.

Đại biểu đoàn Đồng Tháp dẫn chứng, chúng ta càng nỗ lực bảo vệ môi trường sống thì dường như môi trường sống càng bất an, từ vấn đề thực phẩm, vấn đề ô nhiễm môi trường, không khí, nguồn nước sinh hoạt… Ngoài ra, vấn đề tham nhũng vặt làm hình ảnh bộ máy công quyền xấu đi trong mắt của người dân. Nhiều hành vi thiếu chuẩn mực cho thấy có dấu hiệu sự xuống cấp về nhân cách, về đạo đức. Đặc biệt, nạn xâm hại trẻ em có diễn biến phức tạp, thủ phạm đa số là những người quen, người thân, thậm chí là người ruột thịt.

Trước thực trạng đó, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị, Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn tới chất lượng cuộc sống của người dân, bao gồm cả cuộc sống vật chất và cuộc sống tinh thần. Đối với một số hiện tượng xã hội cần phải được tập trung nghiên cứu, phân tích để có giải pháp xử lý một cách thỏa đáng. Các cơ quan chức năng cần quan tâm nghiên cứu từ góc nhìn văn hóa để có giải pháp khắc phục kịp thời hoặc những đề án, chương trình giải quyết các vấn đề an sinh xã hội ở một số địa phương cần được tập trung nguồn lực giải quyết.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cũng cho rằng, dường như chúng ta chưa có được một nền văn hóa phát triển bền vững, bởi muốn có văn hóa phát triển bền vững cần phải đưa các hoạt động văn hóa về giá trị thực, phải khơi dậy ở người dân ý thức bảo vệ văn hóa, đạo đức truyền thống. Đặc biệt, cần phải phát huy tinh thần làm chủ của người dân trong xây dựng nếp sống văn hóa, gắn văn hóa với phát triển kinh tế. Đại biểu lưu ý rằng, đối với lĩnh vực văn hóa, đôi khi cũng không phải là vấn đề ngân sách mà có lẽ quan trọng là ở cách làm.

Đánh giá cao báo cáo của Chính phủ đã phản ánh tương đối cân bằng giữa vấn đề kinh tế và vấn đề xã hội, đại biểu Bùi Sĩ Lợi (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) cũng đề nghị, Chính phủ cần quan tâm giải quyết một số nội dung gắn với bảo đảm an sinh xã hội như, tiếp tục thực hiện điều chỉnh tăng lương, trong đó quan tâm đến lương cho những người về hưu, đặc biệt là những người về hưu trước năm 1993; giải quyết vấn đề nhà ở cho người nghèo và người có thu nhập thấp; giải quyết chế độ cho những người lao động có chủ nợ đọng bảo hiểm xã hội đã bỏ trốn hoặc phá sản. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần phải có có tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết 93 của Quốc hội về bảo hiểm xã hội một lần.

Cùng quan điểm, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước) đề nghị, tiến hành tổng kết Nghị quyết 93 của Quốc hội để làm cơ sở cho việc điều chỉnh pháp luật đối với việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần để giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần, hướng tới sửa Luật Bảo hiểm xã hội. Đại biểu cũng đề nghị đưa tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội vào nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2020.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/phat-trien-kinh-te-phai-gan-lien-voi-bao-dam-an-sinh-xa-hoi-98907.html