Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững

Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 19) được kỳ vọng sẽ tạo đột phá và thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế nông nghiệp theo hướng xanh.

Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19, các cấp, ngành của Quảng Ngãi tập trung xây dựng và đề ra nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp.

Chuyển biến tư duy

Trước đây, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào kinh nghiệm của nông dân, thể hiện qua phương châm “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Từ năm 2008, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ra đời, đã thổi “luồng gió mới” vào công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng lẫn tư duy sản xuất. Thay vì chú trọng quá nhiều vào kinh nghiệm, phụ thuộc vào phân bón, chú trọng vào số lượng, thì nông dân đã ứng dụng kỹ thuật, tập trung vào chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Quy mô sản xuất vì thế cũng chuyển từ độc canh nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa. Nông dân từ chỗ “phần ai nấy biết” sang chia sẻ và liên kết.

Nhiều cánh đồng trên địa bàn tỉnh đạt giá trị sau thu hoạch trên 300 triệu đồng/ha/năm. Ảnh: TẤN PHÁT

Nhiều cánh đồng trên địa bàn tỉnh đạt giá trị sau thu hoạch trên 300 triệu đồng/ha/năm. Ảnh: TẤN PHÁT

Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã xây dựng được 512 cánh đồng lớn, với diện tích gần 9.500ha. Nhiều cánh đồng đạt giá trị sau thu hoạch trên 300 triệu đồng/ha/năm. Điều này đã góp phần rất lớn vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 24% (năm 2010) xuống còn 9% (năm 2021), theo chuẩn hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025.

Nghị quyết 19 đề ra mục tiêu đến năm 2030: Toàn ngành nông nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 3%/năm; năng suất lao động nông nghiệp tăng bình quân từ 5,5 - 6%/năm; công nghiệp, dịch vụ nông thôn phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trên 10%/năm; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020. Tầm nhìn đến năm 2045, nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao.

Ông Ngô Hữu Chánh, ở xã Hành Minh (Nghĩa Hành), một trong những nông dân tiêu biểu của tỉnh chia sẻ, thị trường tiêu thụ sản phẩm bây giờ đòi hỏi cao nên kỹ thuật sản xuất là cốt cán, kinh nghiệm là phụ trợ. Muốn sản phẩm được người tiêu dùng lựa chọn, thì người sản xuất phải ứng dụng KHCN để nâng cao chất lượng cũng như mẫu mã, chứ chỉ dựa vào kinh nghiệm thôi là sẽ tụt hậu.

Với suy nghĩ ấy, nên từ những năm 2013, ông Chánh đã hình thành mô hình phát triển sản xuất theo hướng gia trại bài bản. Chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm được xây dựng khang trang; nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn sinh học; cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả và cau. Có những giai đoạn, giá cau sụt giảm mạnh, nhưng ông Chánh không chặt bỏ như nhiều người, mà vẫn tiếp tục chăm sóc và trồng dặm để “đẹp ngõ, sạch vườn”. Nhờ đó, những năm gần đây, giá cau liên tục tăng cao, có thời điểm lên đến 100 nghìn đồng/kg đã mang lại nguồn thu nhập khá lớn cho gia đình ông. Đến nay, gia trại của ông Chánh đã phát triển thành trang trại, với tổng doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thời vụ cho hàng chục lao động địa phương.

Không chỉ ông Chánh, mà ngày càng có nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh sử dụng hiệu quả nguồn vốn, ứng dụng tiến bộ KHCN và mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa. Đồng thời, hình thành mối liên kết “6 nhà” (thay vì “4 nhà” như trước) gồm: Nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà băng (ngân hàng), nhà phân phối, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, tương ứng với từng vùng sinh thái, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và giá trị sản phẩm.

Nhiều giải pháp căn cơ

Một trong những trăn trở của khu vực nông thôn hiện nay là, trình độ lao động còn thấp và đang có xu hướng già hóa. Thu hút đầu tư cho phát triển nông nghiệp, dịch vụ ở nông thôn gặp nhiều khó khăn. Đầu tư từ ngân sách nhà nước còn khiêm tốn, trong khi vốn huy động từ các nguồn xã hội hóa còn thấp. Hiện tổng vốn đầu tư xã hội cho nông nghiệp chỉ chiếm 5,84% tổng đầu tư của xã hội cho nền kinh tế và có xu hướng giảm dần.

Nghị quyết 19 khẳng định, nông nghiệp là lợi thế quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế; đồng thời đề cao vai trò chủ thể của nông dân, cư dân nông thôn, coi nông dân là chủ thể của quá trình phát triển. Do đó cần tăng đầu tư ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn ít nhất gấp 2 lần so với trước, phấn đấu thực hiện “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

“Việc tăng đầu tư của Nhà nước sẽ tạo vốn “mồi” để thu hút nhiều nguồn lực từ cộng đồng, doanh nghiệp, hộ gia đình, cũng như vốn đầu tư nước ngoài mạnh dạn rót vào khu vực "tam nông". Đây là lực đẩy để cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản sạch, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa lẫn xuất khẩu”, Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương nhìn nhận.

Ông Lê Kiều Dũng, ở phường Nguyễn Nghiêm (TX.Đức Phổ), vươn lên làm giàu từ mô hình nuôi bò thịt lai.

Trên cơ sở đó, Sở NN&PTNT đã xây dựng và tham mưu UBND tỉnh nhiều giải pháp thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết 19 trên địa bàn tỉnh. Trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững và hiện đại; đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển công nghiệp chế biến, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, dịch vụ ở nông thôn. Lồng ghép và sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển miền núi, nhằm thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần ổn định đời sống, đảm bảo an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cũng triển khai thực hiện các giải pháp để nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ và trình độ của cư dân nông thôn. Điều này đảm bảo người dân có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu mới thông qua tăng cường đào tạo, tập huấn kiến thức mới, cung cấp thông tin. Chủ tịch UBND huyện Minh Long Đinh Văn Điết cho rằng, đối với khu vực miền núi, "tam nông" sẽ tập trung phát triển mạnh kinh tế nông hộ theo hướng sản xuất tập trung chuyên môn hóa với quy mô trang trại, gia trại. Vì vậy, nông dân, hợp tác xã cần được hỗ trợ thường xuyên và liên tục về thông tin hàng hóa, các hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt là mối liên kết giữa nhà nông - hợp tác xã với doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp có vai trò định hướng cho nông dân và hợp tác xã về quy mô, chất lượng, quy cách sản xuất nông sản; còn hợp tác xã là đầu mối đại diện của nông dân tham gia các liên kết với doanh nghiệp.

Ngoài ra, chính quyền các địa phương cũng kiến nghị tỉnh ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nhất là các lĩnh vực tạo động lực tăng trưởng. Tăng cường liên kết giữa các địa phương, vùng miền nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm khu vực "tam nông" phát triển mạnh mẽ hơn.

Tạo thuận lợi thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền cho rằng, cùng với sự hỗ trợ từ ngân sách, thì nguồn lực từ đầu tư tư nhân và của cộng đồng địa phương có ý nghĩa rất quan trọng để thúc đẩy "tam nông". Do đó, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương phải nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về nông nghiệp, nông thôn gắn với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh khu vực tam nông. Nghiên cứu xây dựng và đề xuất tỉnh ban hành những cơ chế, chính sách mới tạo động lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; đặc biệt là các chính sách về đất đai, đầu tư, tín dụng, thuế, bảo hiểm, tổ chức sản xuất... Thực hiện tốt phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, nhằm tạo sự tin tưởng, đồng thuận trong cộng đồng.

Bài, ảnh: MỸ HOA

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/202208/phat-trien-kinh-te-nong-nghiep-theo-huong-ben-vung-3131162/