Phát triển kinh tế nhưng không bỏ qua việc bảo vệ sức khỏe nhân dân

Tại phiên Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, giai đoạn 2016-2021, sáng 2/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: 'Chúng ta tạo điều kiện cho phát triển kinh tế nhưng không vì thế bỏ qua vấn đề bảo vệ sức khỏe nhân dân'.

Hai đợt dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng rất lớn tới kinh tế - xã hội trong năm nay. Tuy nhiên, trong 2 đợt dịch Chính phủ đã chỉ đạo khẩn trương, cấp bách với những quyết sách phù hợp với từng điều kiện.

Thủ tướng cho rằng, chính sách điều hành chống dịch đã linh hoạt, hiệu quả. Lần dịch thứ 1 phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên cả nước, rất kịp thời và ngăn chặn được dịch bệnh. Khi dịch bệnh tái bùng phát đợt 2, bùng phát ở thành phố trung tâm về du lịch là Đà Nẵng, vì vậy phải thực hiện “thần tốc, thần tốc hơn nữa” và khoanh vùng cách ly chứ không thực hiện giãn cách trên toàn quốc, bởi nếu làm trên toàn quốc thì giờ kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng âm.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Những ngày gần đây tại các nước châu Âu, Mỹ và nhiều nước ở khu vực châu Á đang chịu đợt dịch Covid-19 thứ 2 phải đóng cửa giãn cách xã hội. Chống dịch là ưu tiên hàng đầu nhưng vẫn phải tập trung phát triển kinh tế. Thế giới đánh giá cao cách làm của Việt Nam nhưng Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam không thể chủ quan, phải làm chặt chẽ, kiểm soát tốt dịch trong cộng đồng cả nước.

“Chưa thể đưa khách du lịch vào Việt Nam, điều này cũng có những ý kiến phản đối nhưng Chính phủ vẫn cương quyết vì dịch bệnh vẫn khó kiểm soát. Nếu như không có dịch bệnh năm nay Việt Nam có thể đạt 21 triệu khách quốc tế, doanh thu từ du lịch có thể là trên 60 tỷ USD. Vì dịch bệnh Covid-19, doanh thu ngành du lịch năm nay đối với khách quốc tế gần như bằng không nhưng chúng ta chấp nhận điều này để bảo vệ sức khỏe người dân. Để kiểm soát tốt dịch bệnh sẽ không đón khách du lịch nước ngoài từ nay đến cuối năm” - Thủ tướng khẳng định.

Còn đối với các nhà đầu tư, quản lý người nước ngoài và công nhân lành nghề thì Việt Nam vẫn tạo điều kiện để nhập cảnh vào Việt Nam nhưng có sự kiểm soát.

Việt Nam là một trong hai nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tăng trưởng kinh tế dương. Dù bơm hàng nghìn tỷ USD nhưng Thái Lan kinh tế vẫn âm 8%. Những chính sách miễn, giảm, giãn thuế, chi tiêu tiết kiệm, các biện pháp hỗ trợ xuất khẩu, nông nghiệp đã giúp kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng. Năm 2019 Việt Nam vượt Malaysia, năm nay Việt Nam vượt Singapore một cách tuyệt đối. Điều này không phải chúng ta tự đánh giá mà là Quỹ Tiền tệ quốc tế ghi nhận. Mục tiêu của Việt Nam là sẽ vượt Philippines và quốc gia công nghiệp Thái Lan. Kinh tế Việt Nam là một trong 16 nền kinh tế mới nổi tốt nhất theo đánh giá của thế giới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng Chính phủ cũng cho biết, đợt dịch bệnh vừa rồi nông nghiệp là then chốt của nền kinh tế. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đặc biệt là năm nay còn xuất khẩu gạo ngon, Đồng bằng Sông Cửu Long được mùa lúa gạo. Công nghiệp chế biến, chế tạo là bệ đỡ cho nông nghiệp, trên 60 nhà máy chế biến đã được xây dựng trong 5 năm qua góp phần giải quyết bài toán “được mùa mất giá” của nông sản Việt./.

Lam Lê/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/phat-trien-kinh-te-nhung-khong-bo-qua-viec-bao-ve-suc-khoe-nhan-dan-814591.vov