Phát triển kinh tế nền tảng từ thực tiễn ngành du lịch

Kinh tế nền tảng là một mô hình hoàn toàn mới, làm thay đổi hoàn toàn cách vận hành của doanh nghiệp cũng như xã hội.

Nền tảng là một mô hình kinh doanh hoàn toàn mới, trong đó công nghệ được sử dụng để kết nối con người, tổ chức và tài nguyên trong một hệ sinh thái có sự tương tác để tạo ra và trao đổi lượng giá trị đáng kinh ngạc. Bất kỳ doanh nghiệp nào có khả năng cung cấp được thông tin về thị trường (giá cả, cung-cầu, hành vi người dùng) và xu hướng của thị trường thì đều tạo ra sức mạnh cho nền tảng.

Xu hướng phát triển của kinh tế nền tảng trên thế giới

Trong hơn một thập kỷ qua, thế giới đã chứng kiến sự xuất hiện của kinh tế nền tảng trong nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp, mạng xã hội, hàng tiêu dùng, giáo dục, năng lượng, tài chính, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ cung ứng lao động, dịch vụ hậu cần và giao hàng, phương tiện truyền thông, bán lẻ cho đến vận tải và du lịch. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, chỉ tập trung phân tích về thái độ ứng xử đối với hai lĩnh vực đang là chủ đề chính sách được quan tâm ở Việt Nam, đó là vận tải và du lịch.

Kinh tế nền tảng là một mô hình hoàn toàn mới, làm thay đổi hoàn toàn cách vận hành của doanh nghiệp cũng như xã hội.

Kinh tế nền tảng là một mô hình hoàn toàn mới, làm thay đổi hoàn toàn cách vận hành của doanh nghiệp cũng như xã hội.

Trên thế giới có hai nền tảng nổi tiếng hoạt động như là một sàn giao dịch trực tuyến kết nối thuê nhà tư nhân, đó là HomeAway (thành lập năm 2005), AirBnb (2009). Tuy nhiên, sự có mặt của AirBnb đã gây xáo trộn trên hai thị trường.

Thứ nhất, thị trường lưu trú ngắn hạn, bao gồm các khách sạn, nhà nghỉ truyền thống. Ngành khách sạn cho rằng AirBnb đã lấy mất lượng lớn khách hàng của họ, cũng như phàn nàn về điều kiện kinh doanh không công bằng khi họ phải có giấy phép và tuân thủ nhiều quy định kinh doanh ngặt nghèo, trong khi các chủ nhà cho thuê trên AirBnb thì không .

Thứ hai, thị trường cho thuê nhà dài hạn. Vì lợi nhuận từ việc kinh doanh qua AirBnb quá hấp dẫn, nhiều chủ nhà đã dừng việc cho thuê nhà dài hạn và dành các phòng đó để cho thuê ngắn hạn trên AirBnb, dẫn đến sự thiếu hụt trầm trọng nhà cho thuê tại nhiều thành phố như Vancouver, Toronto, Montreal (Canada), Amsterdam (Hà Lan), Úc , New Orleans , San Francisco (Mỹ), v.v.

Các chính phủ hầu hết không ban hành quy định điều chỉnh hoạt động của nền tảng này, mà chỉ quản lý các chủ nhà và phòng được niêm yết và kết nối trên AirBnb để đảm bảo tiêu chuẩn y tế công cộng và sự an toàn, cũng như giảm thiểu được ảnh hưởng đến đời sống của cư dân địa phương. Chính quyền nhiều thành phố và quốc gia đã đặt ra một số quy định để quản lý hoạt động cho thuê nhà tư nhân cho thuê trực tuyến này.

Theo một xu hướng khác, một số chính quyền lại hạn chế can thiệp vào việc sử dụng nhà ở của người dân, vì họ cho rằng điều này xâm phạm quyền sở hữu tài sản riêng tư của người dân và vi phạm Luật Internet, ví dụ như tại bang Arizona và Indiana (Mỹ).

Kinh tế nền tảng trong ngành du lịch ở Việt Nam

Việt Nam, với lực lượng dân số trẻ, đông đảo, có mức độ ưa chuộng và tiếp cận công nghệ cao, cụ thể 45% dân số sử dụng Internet, 28% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, là một thị trường vô cùng hấp dẫn và tiềm năng về thương mại điện tử nói chung, cũng như các nền tảng thương mại điện tử nói riêng. Từ sự ra đời của website Vatgia.com vào năm 2006 đánh dấu sự xuất hiện của kinh tế nền tảng, cho tới nay, đã có thêm hàng chục các nền tảng thương mại điện tử được xây dựng và gia nhập thị trường có thể kể đến:

Ngành tiêu dùng: Tiki, Adayroi, Sendo, Lazada, Lotte, Shopee, v.v.

Ngành vận tải và giao nhận hàng hóa: Uber (đã rút khỏi Việt Nam), Grab, VATO, T.NET, Emddi (đặt xe trực tuyến), GoNow (sàn giao dịch vận tải hành khách), Dichung.vn (kết nối đi chung xe), Now.vn (giao nhận thức ăn), Vé xe rẻ (so sánh giá và đặt vé xe), v.v.

Ngành du lịch: AirBnb (đặt phòng trọ tư nhân), Agoda, Booking, Traveloka, Expedia, VnTrip (đặt vé máy bay, phòng khách sạn, thuê xe), Triip.me (kết nối hướng dẫn viên du lịch địa phương và du khách).

Tương tự như tình hình trên toàn thế giới, các nền tảng trong ngành vận tải và du lịch đã tạo ra những thay đổi lớn cho các thị trường này tại Việt Nam.

Xu hướng quản lý trong ngành du lịch ở Việt Nam

Trong ngành du lịch, các nền tảng như Booking.com, Agoda, và sau này là Traveloka đã sớm tham gia thị trường, kết nối các chuyến bay, khách sạn, nhà nghỉ tại hầu khắp các tỉnh trên cả nước. Mô hình kết nối các nhà trọ tư nhân AirBnb cũng đã xuất hiện tại Việt Nam vào năm 2015 với khoảng 1.000 phòng. Đến nay, số phòng nghỉ niêm yết trên AirBnb đã lên tới hơn 16.000 phòng .

Nền tảng AirBnb khi đến Việt Nam đã biến đổi ít nhiều về mô hình chia sẻ. Rất nhiều chủ nhà trên AirBnb là những người kinh doanh cho thuê nhà chuyên nghiệp, không chỉ là những người chia sẻ không gian dư thừa trong nhà mình. Cụ thể, tỷ lệ người kinh doanh chuyên nghiệp trên AirBnb tại Việt Nam lên tới 30%, vượt trội so với các khu vực khác như Paris (9%), New York (16%), hay Sydney (17%) .

Mặc dù chưa thực sự có những ảnh hưởng rõ rệt đối với thị trường, nhưng nhiều chủ khách sạn 3 sao – cùng phân khúc khách hàng với AirBnb, đã bắt đầu chia sẻ thị phần với họ. Sự có mặt của AirBnb cũng góp phần kiềm chế mức tăng giá của phân khúc khách sạn cao cấp (4 – 5 sao) trong những năm qua, mặc dù lượng khách du lịch đến Việt Nam có tăng mạnh.

Nếu AirBnb khá mới và hầu như chưa có sự cố nào tại Việt Nam, thì các nền tảng khác trong ngành du lịch như Agoda, Booking, Traveloka và Expedia bắt đầu gặp nhiều tai tiếng trong hoạt động của mình, trước hết là vấn đề thuế, vì các doanh nghiệp này hoạt động xuyên biên giới.

Về chính sách, tương tự như xu hướng chung của thế giới, Việt Nam không ban hành quy định nào riêng để quản lý nền tảng kết nối trong lĩnh vực du lịch. Về quản lý thuế, Bộ Tài chính đã ban hành công văn số 848/BTC-TCT, ngày 18/01/2017, yêu cầu các doanh nghiệp Agoda, Expedia, Traveloka, Booking, v.v. đóng thuế thu nhập doanh nghiệp (5% trên doanh thu được hưởng) và thuế giá trị gia tăng (5% doanh thu) thông qua cơ sở lưu trú Việt Nam.

Bài học nào cho Việt Nam?

Từ nghiên cứu và phân tích về thái độ ứng xử của chính phủ các nước trên thế giới, cũng như chính phủ Việt Nam trong hai ngành du lịch và vận tải, có thể rút ra một số nhận xét về kinh tế nền tảng như sau:

Với vai trò là một công cụ giao dịch giúp tạo nên giá trị cho các nhà cung cấp dịch vụ, sản phẩm và người tiêu dùng, nền tảng đã tạo ra sự chính xác, nhanh chóng và dễ dàng trong trao đổi hàng hóa, dịch vụ. Do vậy, việc xây dựng một môi trường chính sách thuận lợi cho nền tảng phát triển là cần thiết.

Cần phải hiểu rõ tính mới của mô hình kinh doanh nền tảng, để có tư duy mới trong quản lý và tránh khiên cưỡng áp quy định cũ vào mô hình mới. Quy định buộc các doanh nghiệp nền tảng phải đáp ứng quy định về vận tải hoặc thúc đẩy các doanh nghiệp vận tải chuyển sang làm ứng dụng kết nối, sẽ dẫn đến việc không đạt hiệu quả đối với xã hội. Bởi khi đó, nền tảng kết nối không còn được chia sẻ, lợi thế của công nghệ trong việc tận dụng dữ liệu lớn và hỗ trợ quyết định kinh doanh sẽ bị loại bỏ.

Việc nhận diện những tác động không mong muốn của nền tảng (như hành vi phạm tội của người dùng, nguy cơ giảm cạnh tranh trên thị trường, sự bất bình đẳng trong kinh doanh, v.v.) đối với từng ngành là cần thiết. Từ đó, mới có thể đưa ra các chính sách cụ thể nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực.

Quan trọng hơn cả, Chính phủ cần có một quan điểm nhất quán, thống nhất và rõ ràng về mô hình kinh tế nền tảng.

Đồng thời, cần có một tầm nhìn bao quát cũng như có cơ chế phối hợp liên ngành tốt hơn khi soạn thảo chính sách liên quan đến kinh tế nền tảng. Việc ban hành chính sách rời rạc theo từng ngành, thậm chí thiếu nhất quán sẽ làm ảnh hưởng đến mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số.

Theo xu hướng hiện nay, một nền tảng sẽ cung cấp kết nối cho nhiều ngành, thay vì chỉ trong lĩnh vực vận tải, giao nhận hàng, thực phẩm, dược phẩm… Nếu ngành nào cũng giành điều chỉnh hoạt động của nền tảng, thì ngày mai, khi xuất hiện một nền tảng mới cung cấp dịch vụ cho đa ngành thì chúng ta sẽ lại phải mất tới 2 – 3 năm nữa để tranh cãi xem ai sẽ là cơ quan quản lý.

Tóm lại, chính sách phải đón đầu xu hướng này và quy định theo hướng giúp nền tảng phát triển hơn nữa và có tác dụng lan tỏa đến toàn bộ hệ sinh thái kinh tế số.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/phat-trien-kinh-te-nen-tang-tu-thuc-tien-nganh-du-lich-133712.html