Phát triển kinh tế làng nghề gắn với bảo vệ môi trường

Với mong muốn giữ gìn, phát triển các làng nghề kết hợp hài hòa với việc bảo vệ môi trường, nhiều năm nay Hà Nội đã triển khai các giải pháp để xử lý ô nhiễm như quy hoạch, xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề để di dời các hộ sản xuất ra ngoài khu dân cư, xây dựng các trạm xử lý nước thải... Tuy nhiên để các biện pháp thực sự đem lại hiệu quả lâu dài và bền vững, cần tiến hành đồng bộ, nhất quán.

Theo quy hoạch phát triển nghề, làng nghề thành phố Hà Nội đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030, hiện nay Hà Nội có tới 1.350 làng nghề và làng có nghề chiếm 56% số làng ở khu vực nông thôn. Trong đó số làng nghề đã đăng ký và được Thành phố công nhận và cấp bằng là 297 làng nghề.

Bao tải rác thải được chất đống tại làng nghề giày da Phú Yên (Ảnh: Lương Hằng)

Bao tải rác thải được chất đống tại làng nghề giày da Phú Yên (Ảnh: Lương Hằng)

Với quy mô như vậy Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước với đa dạng các ngành nghề, bao trùm hầu hết các lĩnh vực sản xuất đặc trưng của làng nghề. Hoạt động sản xuất làng nghề của Hà Nội đã thu hút được gần 1 triệu lao động tham gia sản xuất với khoảng 700.000 lao động thường xuyên chiếm 42% tổng số lao động sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên toàn Thành phố, thu nhập bình quân của một lao động làm việc tại làng nghề thường cao hơn từ 2 – 2,5 lần so với sản xuất nông nghiệp.

Với tốc độ phát triển như hiện tại, các làng nghề đã có đóng góp không nhỏ vào tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Tổng doanh thu của làng nghề đạt khoảng 22.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, các làng nghề phát triển cũng đi kèm sức ép không nhỏ đối với môi trường Thủ đô khi ý thức của người dân làng nghề chưa cao, chưa hiểu rõ mức độ nguy hiểm ô nhiễm môi trường do chính họ gây ra.

Trong số 176 cụm công nghiệp làng nghề được quy hoạch, đã có 49 cụm (470 ha) xây dựng hạ tầng, cấp phép hoạt động cho 5.870 dự án, bình quân đạt 800m2/dự án, trong đó có 2.000 dự án đã hoạt động. Theo Sở Công Thương, quy hoạch các cụm làng nghề còn nhỏ lẻ (7,4ha/cụm), thậm chí có cụm diện tích 1ha lại dàn trải chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Kim Chi, Chủ nhiệm chương trình môi trường và tài nguyên 01C-09, Sở Khoa học và công nghệ Hà Nội, hiện nay tốc độ đô thị hóa quá nhanh của Hà Nội đã khiến cho rất nhiều làng nghề Hà Nội trở thành “phố nghề”, “phường có nghề”. Tuy nhiên, sản xuất làng nghề vẫn tập trung chủ yếu ở ngoại thành với quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, trình độ thủ công, tổ chức sản xuất phân tán và chủ yếu là hộ gia đình.

Hầu hết các cơ sở sản xuất nghề ở các làng nghề gặp khó khăn về mặt bằng sản xuất. Tình trạng phổ biến là sử dụng ngay nhà ở để làm nơi sản xuất. Với quy mô sản xuất nhỏ, tự phát, trình độ công nghệ tại các làng nghề đang ở nhiều mức độ khác nhau nhưng chủ yếu đang chuyển từ giai đoạn sản xuất thủ công sang sản xuất cơ giới. Hạ tầng làng nghề còn chưa đồng bộ, đặc biệt là hệ thống thoát nước thải, công tác quản lý, bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức.

Trước thực trạng trên, các huyện có làng nghề trên địa bàn Thủ đô đã triển khai nhiều giải pháp kết hợp phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Điển hình như huyện Thường Tín, trên địa bàn hiện có 11 cụm công nghiệp đang hoạt động, trong đó có 5 cụm công nghiệp làng nghề gồm: cụm công nghiệp làng nghề bông len, chăn ga gối đệm Tiền Phong; cụm công nghiệp làng nghề sơn mài Duyên Thái; cụm công nghiệp làng nghề mộc Vạn Điểm; cụm công nghiệp làng nghề mây tre đan Ninh Sở; cụm công nghiệp làng nghề mộc, cơ khí Văn Tự.

Các cụm công nghiệp có 126 doanh nghiệp, 343 hộ kinh doanh thuê đất, hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, huyện có 126 làng có nghề, trong đó được Ủy ban nhân dân Thành phố công nhận 48 làng nghề truyền thống.

Toàn huyện hiện có hơn 1.000 doanh nghiệp, hàng chục nghìn hộ sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 30.000 lao động. Tuy nhiên, kinh tế làng nghề phát triển mạnh mẽ cũng gây ra nhiều hệ lụy xấu đến môi trường nông thôn. Công tác bảo vệ môi trường các làng nghề được các cấp, các ngành và nhân dân trên địa bàn tích cực thực hiện, nhờ đó tình hình ô nhiễm môi trường tại các làng nghề được giải quyết, khắc phục, môi trường làng nghề được cải thiện và có chuyển biến rõ rệt.

Theo đó, huyện đã thực hiện tốt công tác quy hoạch và xây dựng xong 5 cụm công nghiệp làng nghề và di chuyển được trên 400 cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư các làng nghề đến thuê đất để hoạt động sản xuất kinh doanh tại các cụm công nghiệp tập trung. 8/11 cụm đã có hệ thống thu gom xử lý nước thải tập trung, 1 cụm đã được Thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng hệ thống nước thải và 2 cụm có lượng nước thải nhỏ dưới 50m3 đều có hệ thống thu gom nước thải chung của cụm.

Có 846/846 cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động trong các cụm công nghiệp đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.

Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các xã có làng nghề lập phương án bảo vệ môi trường và xây dựng quy ước tại các làng nghề; đầu tư xây dựng hạ tầng về bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống tiêu thoát nước thải, cải tạo các ao hồ, kênh mương, các địa điểm tập kết, trung chuyển rác thải và thực hiện kịp thời công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trong ngày tại các làng nghề, tỷ lệ đạt trên 98%.

Tương tự, tại huyện Đan Phượng có 6 làng nghề truyền thống hoạt động tại xã Liên Hà, Liên Trung, Song Phượng, Hồng Hà, Hạ Mỗ, trong đó có 3 khu làng nghề tập trung chế biến gỗ, sản xuất đồ gỗ tập trung, tổng diện tích 20,8ha. Các chất thải rắn tại các làng nghề như đầu mẩu, bìa gỗ, mùn cưa, bã bào, bụi chà nhám được tái sử dụng làm nhiên liệu lò đốt, ván ép công nghiệp. Thành phố đã xây dựng trạm xử lý nước thải tại xã Liên Hà, Liên Trung.

N. Hoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/phat-trien-kinh-te-lang-nghe-gan-voi-bao-ve-moi-truong-114854.html