Phát triển kinh tế hậu Covid-19: Nhiều điểm nghẽn cần tiếp tục tháo gỡ

Theo các chuyên gia, các điểm nghẽn vốn đã tồn tại từ trước khi dịch Covid-19 xảy ra, tuy nhiên, trong bối cảnh chịu tác động lớn từ đại dịch, các điểm nghẽn này cần phải được tháo gỡ thực chất hơn.

Xuất khẩu nông sản cần tìm kiếm các thị trường ổn định. Trong ảnh: Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lào Cai kiểm tra hàng hóa XNK. Ảnh: T.Bình

Xuất khẩu nông sản cần tìm kiếm các thị trường ổn định. Trong ảnh: Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lào Cai kiểm tra hàng hóa XNK. Ảnh: T.Bình

Chất lượng thể chế, hạ tầng số

Về hiện trạng của Việt Nam sau khi chịu tác động của dịch Covid-19, theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang có xu hướng giảm dần. Tăng trưởng kinh tế quý I/2020 thấp hơn so với cùng kỳ các năm 2010- 2019. Theo đó, XK và cán cân thương mại vẫn tích cực trong các tháng đầu năm, nhưng khả năng duy trì điều này là rất khó khăn kể từ tháng 4 trở về sau.

Nhận diện điểm nghẽn phát triển kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh hậu Covid-19, đại diện CIEM nhấn mạnh tới các điểm nghẽn về chất lượng thể chế, hạ tầng số, kỹ năng và năng suất lao động. Đây là những điểm nghẽn mà Việt Nam cần quan tâm tháo gỡ trong thời gian tới để phục hồi nền kinh tế nhanh hơn.

Về điểm nghẽn chất lượng thể chế, đại diện CIEM cho biết trước hết điểm nghẽn này thể hiện ở việc triển khai Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số. Theo đó, chuyển biến Chính phủ điện tử, mức độ kết nối một cửa quốc gia còn hạn chế. Xếp hạng Chính phủ điện tử thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Chúng ta nói nhiều DN chuyển đổi số nhưng Chính phủ thực hiệnkhông đảm bảo tương thích, hiệu quả giảm rất nhiều.

Với điểm nghẽn về hạ tầng số, đại diện CIEM cho biết, xếp hạng về sẵn sàng công nghệ của EIU cho thấy Việt Nam đứng thứ 65 cho giai đoạn 2018-2022 (so với thứ 67 trong 2013-2017). Theo đó, cải thiện bao trùm về internet vẫn là yêu cầu cần thiết.

Về điểm nghẽn kỹ năng và năng suất lao động, ông Nguyễn Anh Dương nhấn mạnh tới một số điểm đáng chú ý. Theo đó, năng suất lao động của Việt Nam thấp và chậm được cải thiện so với yêu cầu, ngay cả vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Khả năng thích ứng với điều kiện làm việc trong chuỗi giá trị, khả năng thích ứng với điều kiện “biến động lớn” cũng là những vấn đề của Việt Nam.

Về điểm nghẽn hiệu quả điều phối và sử dụng nguồn lực công, đại diện CIEM băn khoăn về sự phối hợp chính sách giữa bộ chủ quản và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN như thế nào.

Liên quan đến điểm nghẽn thể chế, ông Nguyễn Anh Dương cũng nhấn mạnh vấn đề ứng xử với nhà đầu tư. “Hiện chúng ta vẫn tập trung nhiều vào cắt giảm điều kiện kinh doanh, nhưng việc ứng xử với nhà đầu tư không chỉ là cắt giảm thủ tục không cần thiết, mà để thu hút FDI có hiệu quả vào những lĩnh vực mình quan tâm thì Việt Nam phải để ý đến ban hành các tiêu chuẩn. Cần lưu ý, thu hút nhà đầu tư có chọn lọc vào lĩnh vực chúng ta quan tâm thì việc chủ động “chơi” với các tiêu chuẩn là rất quan trọng. Ví dụ, với các tiêu chuẩn của Việt Nam thì chúng ta tiếp tục theo hướng để DN tự đáp ứng hay Nhà nước nâng tiêu chuẩn cao hơn buộc DN phải đáp ứng?”, ông Dương đặt vấn đề.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện CIEM cho rằng, thế giới đang thay đổi nhanh và bất định với những diễn biến phức tạp, khó lường. Dòng đầu tư toàn cầu theo đó cũng đang dịch chuyển. Trong bối cảnh đó, nếu không chủ động thì sẽ không nắm, không tận dụng được nguồn lực này. Theo chuyên gia Võ Trí Thành, không phải nghiễm nhiên Việt Nam lập tổ công tác về thu hút FDI, mà điều này cho thấy, từ thế bị động, dọn ổ để đón nhà đầu tư thì hiện nay chúng ta còn phải chủ động, tăng tốc cùng với cải thiện chính mình để mời gọi các nhà đầu tư vào. Tuy nhiên, chuyên gia này nhấn mạnh, lựa chọn FDI nhưng chúng ta không được bỏ quên phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước, đây cần được xem là nhiệm vụ quan trọng để Việt Nam tự cường.

Cải cách thể chế phải thực chất hơn

Về điểm nghẽn phát triển kinh tế số, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh băn khoăn, Việt Nam coi trọng kinh tế số, nhưng số DNNVV của Việt Nam chiếm tỷ lệ rất cao, người lao động trong các DN này cũng khá lớn, vậy việc áp dụng kinh tế số sẽ được vận dụng như thế nào. Bên cạnh đó, 5 triệu hộ nông dân sẽ tiếp cận kinh tế số như thế nào?

Về chất lượng điều hành của Chính phủ, chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng, tới đây điều hành phát triển kinh tế của Nhà nước phải công khai, minh bạch hơn như đã làm trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua. Các con số, thông tin phải nhanh nhạy, kịp thời. Bên cạnh đó, chuyên gia này lưu ý, việc phụ thuộc quá nhiều vào một nền kinh tế là điều bất lợi. “Nếu Trung Quốc không mở cửa sớm thì nông sản Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng rất gay go, điều này đòi hỏi phải đa dạng hóa, đa phương hóa. Ấn Độ là lựa chọn mới khi nhiều dự báo nước này sẽ dần thay thế Trung Quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, chúng ta không thể bỏ lơ thị trường Trung Quốc, vẫn phải tiếp tục kinh doanh, hợp tác an toàn với Trung Quốc, song song với đó phải có chiến lược cân bằng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ…”, chuyên gia Lê Đăng Doanh nói.

Liên quan tới cải cách thể chế, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam) cho biết, vị thế của Việt Nam sẽ khác sau dịch Covid-19, bởi qua đại dịch này, chất lượng quản trị của Việt Nam cũng được khẳng định, theo đó, Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Trong thời gian tới, trong bối cảnh thế giới rất bất định, căng thẳng ngày càng gia tăng, phản ứng nhanh của Chính phủ và sự thích ứng của DN là quan trọng. “Tôi tin rằng phản ứng nhanh về chính sách của Việt Nam thời gian qua tốt hơn nhiều so với một số quốc gia khác, thể hiện chất lượng thể chế của Việt Nam. Dưới góc độ DN, từ trước đến nay chúng ta hay nói DN Việt có thể quản trị chưa mạnh, chất lượng chưa cao, nhưng rõ ràng là DN Việt có sự thích nghi tốt”, ông Tuấn nói.

Về cải cách môi trường kinh doanh, cải cách thể chế, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng cải cách thể chế nói chung hay cải cách thủ tục hành chính nói riêng cần được đẩy mạnh hơn, tiến hành thực chất hơn. Hiện Việt Nam đã đi bước dài trong đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh nhưng Việt Nam đang bước vào giai đoạn khó khăn hơn, những vấn đề phía sau đăng ký kinh doanh, đó là cạnh tranh, chất lượng điều hành, bảo đảm tài sản, giải quyết tranh chấp… điều này khó hơn, đòi hỏi cải cách phải mạnh mẽ hơn, thay đổi lớn hơn.

“Việt Nam phải bước sang giai đoạn mới, giai đoạn tạo thuận lợi chứ không phải là tháo gỡ khó khăn. Trong bối cảnh mới, Nhà nước phải tạo môi trường khác để thúc đẩy khởi nghiệp, tức là chất lượng điều hành của Chính phủ phải được tính đến. Chất lượng điều hành và sự thuận lợi trong thủ tục hành chính là điều các DN quan tâm hàng đầu chứ không phải các con số giấy phép được loại bỏ. Tôi đã từng tham dự Hội thảo ở Trung Quốc về cải thiện môi trường kinh doanh. Họ luôn đặt mục tiêu là 1 trong 10 quốc gia cải cách nhất thế giới. Việt Nam có lẽ cũng cần nhìn theo cách thức này”, ông Đậu Anh Tuấn nhận định.

Về thu hút FDI, ông Tuấn cho hay, chúng ta đã nghiên cứu, cân nhắc kỹ vấn đề này, việc ban hành Nghị quyết số 50 về thu hút FDI thế hệ mới cũng nhằm chủ động thu hút FDI chất lượng. Muốn vậy, hệ thống hành chính của mình phải thay đổi. Việc lập tổ công tác đặc biệt thu hút FDI là hoành động tốt, thể hiện sự chủ động của Chính phủ, ông Tuấn cho rằng, chúng ta vẫn trong trạng thái tích cực nhưng trong thụ động, cần chuyển sang tích cực trong chủ động, phải tìm các nhà đầu tư nào mang lại lợi ích lớn nhất, các nhà đầu tư chất lượng cao. “Hiện nay từ cấp bộ ngành, cho đến địa phương, sự chủ động này vẫn còn rất ít”, ông Tuấn nói.

Hoài Anh

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/phat-trien-kinh-te-hau-covid-19-nhieu-diem-nghen-can-tiep-tuc-thao-go-127607.html