Phát triển kinh tế biển tại huyện Tĩnh Gia

Tĩnh Gia là huyện có đường bờ biển dài nhất tỉnh với hơn 40 km, kéo dài qua 3 cửa lạch, gồm lạch Bạng, lạch Ghép và lạch Hà Nẫm. Với 15 xã ven biển, từ lạch Ghép đến giáp tỉnh Nghệ An (gồm các xã: Hải Châu, Hải Ninh, Hải An, Tân Dân, Hải Lĩnh, Ninh Hải, Hải Hòa, Hải Thanh, Bình Minh, Hải Bình, Tĩnh Hải, Hải Yến, Hải Thượng, Nghi Sơn và Hải Hà). Tự bao đời, nhân dân vùng ven biển Tĩnh Gia đã phát triển mạnh nghề khai thác, chế biến hải sản, trở thành nghề chính ở đa phần các làng quê ven biển trong huyện. Những năm gần đây, kinh tế biển ở đây còn phát triển thêm nhiều mảng như du lịch biển, nuôi trồng thủy sản nước mặn, góp phần khơi dậy tiềm năng từ biển.

Tàu thuyền của ngư dân Tĩnh Gia cập Cảng cá Lạch Bạng sau chuyến biển dài ngày.

Nghề truyền thống khai thác hải sản của huyện Tĩnh Gia vẫn được coi là mạnh bậc nhất tỉnh, với những đội tàu khai thác xa bờ hiệu quả, nhất là của nhân dân các xã Hải Thanh và Hải Bình. Nhiều năm gần đây, người dân huyện ven biển này luôn duy trì khoảng 2.500 tàu thuyền chuyên khai thác trên biển, trong đó có hơn 700 phương tiện có công suất từ 90 CV trở lên, thường xuyên hoạt động ở các ngư trường xa trên vùng Vịnh Bắc bộ, các vùng biển miền Trung. Với số phương tiện khá lớn nói trên, ngoài khai thác, ngư dân trong huyện còn phát triển mạnh hoạt động thu mua hải sản trên biển. Mỗi năm, sản lượng hải sản khai thác toàn huyện đạt trên dưới 31.500 tấn. Hiện nay, địa phương có tới gần 10.000 người tham gia khai thác và các khâu dịch vụ hậu cần liên quan đến nghề cá. Thu nhập bình quân của các lao động chuyên khai thác hải sản của huyện đạt từ 4,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng.

Phát huy lợi thế bờ biển dài cũng như các vùng cửa sông, nhân dân trong huyện đã tận dụng phát triển mạnh hoạt động nuôi trồng thủy sản nước mặn với tổng diện tích gần 850 ha. Những “vựa ngao” chạy dọc ven biển xã Hải Châu đã trở thành trọng điểm kinh tế phía Bắc của huyện. Từ những đầm lầy, những diện tích vùng ven sông, nhân dân đã khai hoang, biến thành vùng nuôi nhuyễn thể khá hiệu quả, cung cấp hàng chục tấn ngao thương phẩm cho TP Thanh Hóa, các huyện lân cận và nhiều tỉnh phía Bắc mỗi ngày. Nhiều đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như tôm thẻ chân trắng, cá mú, cá hồng Mỹ, cá sủ... được đưa vào nuôi thả. Đáng nói, tại khu vực đảo Mê cách đất liền gần chục km, đã có một số doanh nghiệp đầu tư hệ thống lồng nuôi hiện đại, áp dụng tiến bộ kỹ thuật của Na Uy, nghiên cứu nuôi thành công các giống thủy sản giá trị kinh tế cao, như: Ốc hương, cá giò, cá mú vàng... Đây là khu vực nuôi cá lồng có tiềm năng lớn, được huyện và ngành nông nghiệp tỉnh nhà khuyến khích và kêu gọi người dân đầu tư, để dần đưa hoạt động nuôi cá lồng ra xa bờ. Hiện nay, toàn huyện đang có hơn 100 hộ dân chuyên nuôi trồng thủy sản nước mặn ven biển với tổng sản lượng hàng năm gần 1.000 tấn. Từ hoạt động này, đã giải quyết việc làm ổn định cho hơn 250 lao động với thu nhập trung bình 5 đến 6 triệu đồng mỗi tháng.

Phát triển mạnh và đồng đều cả khai thác, thu mua lẫn nuôi trồng nên sản lượng hải sản hằng năm của huyện Tĩnh Gia lớn nhất và chiếm tới 50% sản lượng hải sản toàn tỉnh. Từ đó, các cơ sở chế biến trên bờ của huyện cũng phát triển mạnh nhất tỉnh. Toàn huyện hiện có khoảng 500 cơ sở chế biến hải sản do nhân dân các xã xây dựng, quản lý; 45 công ty, doanh nghiệp xây dựng các nhà máy chế biến hải sản, công suất lớn. Nhiều nhà máy chế biến thuộc hàng lớn nhất tại khu vực Bắc Trung bộ, như: Công ty CP Thương mại, Vận tải và Chế biến hải sản Long Hải, Công ty CP Chế biến Hải sản Thanh Hoa... với công suất chế biến hơn 2.000 tấn nguyên liệu mỗi năm. Tổng sản lượng sản phẩm hải sản sau chế biến tại các doanh nghiệp trên địa bàn huyện mỗi năm đều đạt hơn 35.000 tấn, trong đó nhiều sản phẩn đã xuất khẩu đi các nước châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Nhiều sản phẩm hải sản truyền thống của huyện như mực khô, moi khô, sứa, nước nắm... đã trở nên nổi tiếng trong tỉnh và cả nước, được khách hàng ưa chuộng. Duy trì khai thác trên biển, nhộn nhịp các dịch vụ nghề biển trên bờ đang hướng đến sự phát triển toàn diện của nghề biển trong huyện.

Các bãi biển đẹp ở xã đảo Nghi Sơn, các xã Hải Hòa, Bình Minh, Hải Ninh, Tân Dân... đã và đang được khai thác du lịch, góp phần tô điểm thêm cho bức tranh kinh tế biển của huyện. Bãi Đông (Nghi Sơn), biển xã Hải Hòa, bãi biển thôn Sơn Hải, xã Bình Minh... đã trở thành điểm đến lý tưởng của du khách xa gần. Hàng loạt dự án du lịch – nhà nghỉ - khách sạn lớn nhỏ đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trong Khu Kinh tế Nghi Sơn cũng như toàn vùng ven biển của huyện đang mở ra những tiềm năng du lịch lớn cùng sự phát triển của Khu Kinh tế Nghi Sơn.

Huyện ven biển cần phát huy được tiềm năng kinh tế từ biển. Tuy còn một số tồn tại cũng như khó khăn cần giải quyết, tháo gỡ, song hướng phát triển kinh tế biển của Tĩnh Gia đang đi đúng xu thế phát triển chung, bước đầu đã gặt hái được những thành công.

Bài và ảnh: Linh Trường

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/phat-trien-kinh-te-bien-tai-huyen-tinh-gia/97813.htm