Phát triển kinh tế biển bảo đảm quốc phòng, an ninh

Biển và đại dương đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bền vững về kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh của mỗi quốc gia. Việt Nam là quốc gia biển nằm bên Thái Bình Dương có hơn 3.260km bờ biển với dân số trên 96 triệu người, một phần ba dân số sống từ biển, nhờ biển, làm nghề biển. Biển Việt Nam có diện tích đặc quyền kinh tế hơn một triệu km vuông, gấp 3 lần diện tích lãnh thổ đất liền, bao gồm các vùng biển trong phạm vi 200 hải lý, thềm lục địa và nhiều đảo lớn, nhỏ, 2 huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Với tiềm năng, thế mạnh đó, phát triển kinh tế biển, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển là yêu cầu tất yếu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

BĐBP cùng với chủ tàu cá treo cờ Tổ quốc, động viên ngư dân bám biển. Ảnh: Phương Oanh

BĐBP cùng với chủ tàu cá treo cờ Tổ quốc, động viên ngư dân bám biển. Ảnh: Phương Oanh

Với vị trí địa chính trị của nước ta, biển luôn là địa bàn chiến lược, khu vực phòng thủ chiến lược. Lịch sử cho thấy, nhiều cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù đối với nước ta được bắt đầu từ hướng biển. Ngày nay, vùng biển, đảo càng trở nên một hướng đặc biệt quan trọng, xung yếu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo là điều Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chú trọng.

Trong những năm qua Đảng ta đã có những quyết sách mang tầm chiến lược. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI nêu rõ: “Phát triển mạnh kinh tế biển tương xứng với vị thế và tiềm năng biển của nước ta, gắn với phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển”. Đại hội XII của Đảng xác định: “Phát triển mạnh kinh tế biển nhằm tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia và bảo vệ chủ quyền biển, đảo”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định: “Thống nhất tư tưởng, nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Tại Hội nghị Trung ương 8, khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: Đối với nước ta, biển, đảo không chỉ là bộ phận cấu thành chủ quyền, quyền chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, mà còn là không gian sinh tồn và phát triển của các thế hệ người Việt Nam và phát triển kinh tế biển có quan hệ hữu cơ, chặt chẽ với toàn bộ nền kinh tế đất nước và việc “vươn ra biển” đã trở thành xu thế lớn, định hướng quan trọng trong quá trình phát triển đất nước.

Thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, thời gian qua, sự phát triển kinh tế biển đã được các ngành, các cấp quan tâm và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nhiều chính sách bảo vệ, quản lý và khai thác biển, đảo được ban hành và thực thi quyết liệt; nhiều địa bàn, vùng kinh tế gắn với biển được phát triển mạnh mẽ không chỉ tạo ra giá trị kinh tế phục vụ đời sống nhân dân, nhu cầu xã hội, mà còn tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu với nhiều thị trường trên thế giới. Đã hình thành nhiều khu sản xuất, đánh bắt, chế biển hải sản lớn; nhiều mô hình kinh tế biển hiệu quả.

Việc thăm dò, khai thác tài nguyên thiên nhiên trên biển, thềm lục địa ngày càng đa dạng, mang lại nguồn lợi rất lớn cho nền kinh tế quốc gia. Ngành dầu khí luôn giữ vị trí, vai trò quan trọng trong kinh tế biển, là trụ cột, mũi nhọn của đất nước, góp phần tham gia giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia trên biển. Ngành du lịch biển, hải đảo cũng đang trên đà phát triển mạnh mẽ, thu hút đầu tư vào kết cấu hạ tầng du lịch biển và hải đảo; nhiều khu du lịch hiện đại, hấp dẫn được hình thành mỗi năm, thu hút hàng chục triệu khách quốc tế và trong nước.

Đặc biệt, sự phát triển kinh tế biển đã trở thành nền tảng quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh, quốc phòng của quốc gia. Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế biển, công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh trên vùng biển Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Các lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, BĐBP, Kiểm ngư đã được tăng cường mạnh mẽ về tiềm lực, tinh thần cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu, năng lực thực thi nhiệm vụ; là điều kiện bảo đảm, là chỗ dựa vững chắc cho nhân dân vươn khơi bám biển và các hoạt động kinh tế trên biển và ven biển. Thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân được giữ vững và ngày càng được củng cố vững chắc.

Thế kỷ XXI là thế kỷ của đại dương. Là một quốc gia có thế mạnh về biển, Việt Nam càng phải hết sức coi trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế biển để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Điều kiện cần thiết để đạt được mục tiêu này là phải duy trì môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, giải quyết tốt các tranh chấp, xung đột bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở pháp luật quốc tế về biển. Để đảm bảo được yêu cầu đó, việc củng cố quốc phòng, an ninh trên biển có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Nhiều chương trình hỗ trợ của BĐBP giúp ngư dân có thêm động lực vươn khơi, bám biển. Ảnh: Phương Oanh

Tình hình hiện nay ở Biển Đông diễn biến phức tạp trước những tranh chấp và sự toan tính của một số quốc gia trên thế giới, gây cản trở cho việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo và phát triển các ngành kinh tế biển của nước ta. Vì vậy, việc đầu tư phát triển mạnh mẽ kinh tế biển kết hợp chặt chẽ với củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn dân...

Việc phát triển kinh tế biển cần bảo đảm bốn trụ cột cơ bản là: Bảo đảm chủ quyền lãnh thổ quốc gia, bảo đảm an ninh - quốc phòng, bảo đảm an ninh môi trường và quyền lợi của người dân. Theo đó, cần phát huy sức mạnh tổng hợp, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải, vùng trời Tổ quốc. Xây dựng lực lượng vũ trang, nòng cốt là Hải quân, Không quân, Cảnh sát biển, BĐBP, Kiểm ngư, Dân quân tự vệ biển mạnh, làm chỗ dựa vững chắc cho ngư dân và các thành phần kinh tế sản xuất và khai thác tài nguyên biển. Xây dựng và tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân... Bảo đảm an ninh biển, đảo chính là bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia, dân tộc. Chúng ta cần phát triển một nền kinh tế biển hiệu quả và bền vững, trên cơ sở gắn phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển nhằm xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc nền độc lập, tự chủ quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa.

PGS-TS Đỗ Cảnh Thìn

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/phat-trien-kinh-te-bien-bao-dam-quoc-phong-an-ninh/