Phát triển kiến trúc phải phù hợp với văn hóa và bảo đảm an ninh, quốc phòng

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 14-11, các đại biểu Quốc hội thảo uận ở hội trường về dự án Luật Kiến trúc. Qua thảo luận, các đại biểu đều tán thành với sự cần thiết xây dựng Luật Kiến trúc nhằm khắc phục các hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển kiến trúc; góp phần hình thành đội ngũ kiến trúc sư có đức, có tài, xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc.

Đa số ý kiến thống nhất với dự thảo Luật là cần có chương 2 quy định về chính sách cơ bản của kiến trúc, là công cụ quản lý cần thiết, nhằm khắc phục tình trạng không ít công trình có kiến trúc phản cảm, chưa phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam. Đồng thời, ngoài các quy định như trong dự thảo Luật thì cần bổ sung thêm các quy định mang nội hàm phát triển như chính sách, định hướng phát triển đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kiến trúc sư; tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về kiến trúc... Các quy định này có thể bố cục, sắp xếp theo hướng tách riêng hoặc lồng ghép trong dự thảo Luật sao cho phù hợp. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc thêm về sự cần thiết của nội dung này, vì nhiều quy định có tính khả thi chưa cao; chưa thể hiện được nguyên tắc quản lý và phát huy bản sắc kiến trúc dân tộc.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) nhận định dự thảo luật cơ bản đã bao quát được quy định quản lý về kiến trúc, đáp ứng được mục tiêu quản lý và hành nghề kiến trúc. Về chính sách của nhà nước về kiến trúc, theo đại biểu, ban soạn thảo dự kiến sẽ bổ sung quy định về chính sách nhà nước về kiến trúc bao gồm các chính sách quy định và huy động nguồn lực để thúc đẩy phát triển kiến trúc Việt Nam giàu bản sắc văn hóa dân tộc, hiện đại và bền vững và vẫn giữ được quy chuẩn về kiến trúc, đáp ứng tiêu chí bền vững, thân thiện với môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kiến trúc... Đại biểu cơ bản đồng ý với những dự kiến bổ sung này song cho rằng cần được tiếp tục nghiên cứu, thảo luận, phân định rõ hai nhóm chính sách ưu tiên là hỗ trợ và khuyến khích, nghiên cứu bổ sung các nội dung nhà nước hỗ trợ, ưu tiên bố trí kinh phí cho một số hoạt động kiến trúc như bảo vệ, phát huy các di sản kiến trúc, các công trình kiến trúc có giá trị; tuyên truyền, phổ biến kiến thức về kiến trúc, nâng cao nhận thức của cộng đồng. “Các quy định này nếu được bổ sung sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của các kiến trúc sư, tạo tiền đề để phát triển kiến trúc Việt Nam”, đại biểu Nguyễn Trường Giang khẳng định.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) phát biểu ý kiến thảo luận. Ảnh: quochoi.vn.

Nhấn mạnh việc phát triển kiến trúc phải phù hợp với văn hóa, tập quán, tự nhiên, bảo đảm an ninh quốc phòng, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) quan tâm đến nguyên tắc hoạt động của kiến trúc (điều 4). Đại biểu cho biết, trong điều này quy định nguyên tắc “kế thừa kiến trúc truyền thống, phù hợp với tập quán Việt Nam”. Theo đại biểu, các công trình văn hóa lịch sử cần giữ gìn, có chính sách khuyến khích đưa kiến trúc truyền thống vào các công trình văn hóa, chứ không nên quy định chung rằng công trình nào cũng nên kế thừa kiến trúc truyền thống-điều này chưa phù hợp. Đại biểu dẫn chứng, nhà rông ở Tây Nguyên cần được giữ gìn, nhà văn hóa xã ở Tây Nguyên nên nhất thiết theo kiến trúc nhà rông, tuy nhiên, khi xây dựng nhà phố ở Tây Nguyên thì không nhất thiết phải theo kiến trúc của nhà rông. Do đó, khoản 2 nên được viết lại thành “giữ gìn công trình kiến trúc truyền thống, phát huy kiến trúc mang bản sắc địa phương, văn hóa Việt Nam đối với các công trình văn hóa.”

Ngoài ra, đại biểu cũng quan tâm đến quản lý kiến trúc. Theo đại biểu, Việt Nam là quốc gia ven biển, có nhiều cảnh đẹp, nhiều di tích lịch sử văn hóa dân gian, di sản thế giới. Để tránh cho không gian biển không bị phá vỡ trong quá trình phát triển kinh tế, được tổ chức hợp lý; kiến trúc, cảnh quan công trình ven biển được xây dựng hài hòa, mang lại hiệu quả cao về mặt kinh tế mà vẫn bảo tồn được nét văn hóa, phù hợp điều kiện khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đại biểu tỉnh Bình Định đề nghị tại chương 2, ngoài quy định về các điều kiện yêu cầu kiến trúc đối với các khu phố cổ, nông thôn, đô thị thì cần bổ sung quy định về yêu cầu đối với kiến trúc ven biển, nhằm làm thay đổi bộ mặt của vùng đô thị và nông thôn có biển, tiến tới mục tiêu để nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, và phát triển mạnh về du lịch biển.

Cũng theo đại biểu tỉnh Bình Định, ở nhiều đô thị ở các nước, mỗi dãy phố có kiến trúc riêng mà ở đó, các căn nhà liền kề giống nhau, hài hòa về màu sắc. Còn ở Việt Nam, mỗi căn nhà được xây theo ý của gia chủ, từ đó tạo nên những con phố không đồng đều, làm xấu đi bộ mặt không gian đô thị. Do đó, đại gia đề nghị bổ sung quy định, đối với những dãy phố mới, các căn nhà liền kề phải bảo đảm tính thống nhất về thẩm mỹ, màu sắc.

Cho rằng kiến trúc phải thể hiện bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc, vùng, miền và mang tính sáng tạo cao, tuy nhiên, theo đại biểu Bùi Huyền Mai (TP Hà Nội), thực tiễn hiện nay hoạt động kiến trúc đang được điều chỉnh ở rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Đại biểu đề nghị chương 1 cần bổ sung quy định chính sách của nhà nước về phát triển kiến trúc, đề nghị phải cụ thể hóa thêm về những nội dung như: Khuyến khích phát triển kiến trúc xanh, các chính sách định hướng để đào tạo, phát triển đội ngũ kiến trúc sư của Việt Nam, ứng dụng công nghệ thông tin trong kiến trúc để lưu trữ, chia sẻ thông tin, chính sách huy động nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển kiến trúc..

Ngoài ra, cũng tại phiên thảo luận, một số nội dung liên quan đến phân hạng chứng chỉ hành nghề kiến trúc, yêu cầu quản lý kiến trúc... cũng được các đại biểu quan tâm, thảo luận.

THẢO NGUYÊN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/phat-trien-kien-truc-phai-phu-hop-voi-van-hoa-va-bao-dam-an-ninh-quoc-phong-554459