Phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế: Khuyến khích huy động nguồn lực tư nhân

Sau 30 năm kể từ khi Khu chế xuất Tân Thuận - khu chế xuất đầu tiên được thành lập, Việt Nam đã đạt được kết quả quan trọng trong phát triển khu công nghiệp (KCN) và khu kinh tế (KKT).

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho thấy, đến nay cả nước đã có 369 KCN được thành lập (gồm cả các KCN nằm trong KKT) tại 61/63 tỉnh, thành phố, với tổng diện tích gần 114 nghìn ha; 26 KKT cửa khẩu được thành lập tại 21 tỉnh, thành phố với diện tích khoảng 766 nghìn ha và 18 KKT ven biển được thành lập tại 17 tỉnh, thành phố với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 853 nghìn ha.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông khẳng định, việc hình thành các KCN, KKT đã có tác động lan tỏa đến các khu vực khác của nền kinh tế; đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển của Việt Nam, thông qua việc thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; gia tăng kim ngạch xuất khẩu, góp phần mở rộng thị trường quốc tế, thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu; đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách (trong giai đoạn 2016-2019, nộp ngân sách nhà nước trên 400 nghìn tỷ đồng).

Theo mục tiêu của Chính phủ, đến năm 2030, tổng vốn đầu tư đăng ký vào KCN, KKT đạt khoảng 2.700 - 3.200 nghìn tỷ đồng và 280 - 330 tỷ USD; tổng vốn đầu tư thực hiện trong KCN, KKT đến năm 2030 đạt khoảng 1.500 - 2.000 nghìn tỷ đồng và 240 - 290 tỷ USD; giải quyết việc làm cho 5 - 6 triệu lao động vào năm 2025 và 7 - 8 triệu lao động năm 2030…

Thực tế cho thấy, việc phát triển KCN, KKT cần được đổi mới mạnh mẽ nhằm thích ứng với bối cảnh thế giới và trong nước, phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đặc biệt, với định hướng mà Chính phủ yêu cầu là phát triển về số lượng và quy mô KCN, KKT phải đảm bảo bền vững, tuân thủ nguyên tắc phát huy thế mạnh địa phương; đa dạng hóa các phương thức hợp tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN, KKT; khuyến khích huy động nguồn lực tư nhân và hình thức đối tác công - tư trong xây dựng, phát triển KCN, KKT.

Ông Trần Duy Đông cho biết, Bộ KH&ĐT đã yêu cầu các địa phương rà soát, báo cáo tiến độ dự án có quy mô vốn trên 5.000 tỷ đồng tại các KCN, KKT. Đồng thời, Bộ KH&ĐT đã đề xuất Chính phủ hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển KCN, KKT, trong đó có việc nghiên cứu xây dựng Luật Điều chỉnh hoạt động của KCN, KKT và mô hình khác.

Bảo Thoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phat-trien-khu-cong-nghiep-khu-kinh-te-khuyen-khich-huy-dong-nguon-luc-tu-nhan-148022.html