Phát triển hồ tiêu bền vững nhưng không phá vỡ quy hoạch

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa: Trồng tiêu bền vững thích hợp với biến đổi khí hậu điều đầu tiên là không được phá rừng.

Do giá hồ tiêu lên cao liên tục trong những năm qua, trồng hồ tiêu thu lợi nhuận lớn, nên nhiều vùng ở Tây Nguyên lao vào trồng loại cây này bất chấp thổ nhưỡng, địa hình. Phát triển diện tích cây hồ tiêu như thế nào là điều cần được quan tâm cân nhắc.

Phóng viên Đài TNVN thường trú khu vực Tây Nguyên đã phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới về vấn đề này.

PV: Thưa tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu như hiện nay, để phát triển hồ tiêu bền vững thì cần tập trung vào các giải pháp nào?

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa: Trồng tiêu bền vững thích hợp với biến đổi khí hậu điều đầu tiên là không được lấy gỗ rừng làm trụ tiêu, phải tuyệt nhiên không được phá rừng.

TS Nguyễn Đăng Nghĩa – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới

Khi chúng ta trồng phải tham khảo tất cả quy trình rút kinh nghiệm, kể cả của các viện, các trung tâm nghiên cứu về tiêu cùng kinh nghiệm của công dân. Chúng ta trồng nên xen kẽ giữa trụ sống và trụ chết, bởi mỗi loại đều có ưu nhược.

Các nhà nghiên cứu của viện Khoa học kĩ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cũng đã có kết luận nghiên cứu sơ bộ là nếu trong một vườn có xen kẽ 50/50 trụ chết và trụ sống có lẽ tiểu khí hậu sẽ thích hợp hơn.

Vườn tiêu trồng mới, bà con phải trồng giống tiêu phù hợp với tiểu vùng khí hậu của nơi đó, chống chịu được sâu bệnh hại, quan trọng là nguồn cây giống phải sạch bệnh để ngay từ đầu đã được giảm bớt áp lực về sâu bệnh.

Thứ hai, bà con phải có kĩ thuật đào hố kĩ thuật trồng để cây tiêu phát triển khỏe mạnh. Ưu tiên số một trong vườn là thoát nước, trong hàng tiêu bắt buộc phải có rãnh nhỏ không cần rộng nhưng phải sâu hơn tầng đất của tiêu.

Trong quá trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ưu tiên những loại thuốc chế phẩm triết suất từ thảo mộc và chế phẩm sinh học để chúng ta giảm áp lực sử dụng thuốc hóa học.

PV: Thưa tiến sĩ, trước xu thế cạnh tranh thị trường trên thế giới như hiện nay ngành hồ tiêu Việt Nam có những chiến lược phát triển như thế nào?

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa: Ngành Hồ tiêu, hiệp hội tiêu và Bộ Nông nghiệp đang có chiến lược làm sao để có một loại tiêu sạch đi đến tiêu hữu cơ và thậm chí có những tỉnh đã hình thành tiêu sinh thái, làm sao để nâng cao thương hiệu và chất lượng của tiêu lên.

Các nhà doanh nghiệp cũng đang làm đa dạng hóa các sản phẩm từ tiêu, họ đang tính đến chuyên sử dụng tinh dầu ép từ tiêu để tạo ra sản phẩm bán ra cao cấp hơn để đa dạng hóa sản phẩm, đây là chiến lược mà Việt Nam đang nhắm tới.

PV: Thực tế hồ tiêu ở Tây Nguyên đã vượt xa quy hoạch, vậy cần có giải pháp gì để hạn chế phát triển tự phát, phá vỡ quy hoạch thưa tiến sĩ?

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa: Vấn đề này không chỉ riêng ở Tây Nguyên, quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến năm 2015 tổng diện tích tiêu chỉ đạt 50.000 ha nhưng hiện nay đã xấp xỉ 120.000 ha, như vậy là vượt quá 2,5 lần.

Vấn đề này có lẽ chúng ta cũng cần có giải pháp giúp dân chứ không phải cứ ngăn người ta không được trồng tiêu, đó là giải pháp duy ý chí. Phải có những giải pháp giúp họ nhận thức được, tái cơ cấu hoặc chuyển đổi cơ cấu, hoặc có giải pháp nào chứ không lẽ người này được trồng tiêu người kia không được trồng tiêu.

Chúng ta phải có giải pháp tích cực, phù hợp để người nông dân theo và chuyển sang canh tác tiêu bền vững.

PV: Vâng xin cảm ơn tiến sĩ./.

Hoàng Qui/VOV - Tây Nguyên

Nguồn VOV: http://vov.vn/tin-24h/phat-trien-ho-tieu-ben-vung-nhung-khong-pha-vo-quy-hoach-572407.vov