Phát triển hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo

Hiện nay, tất cả các nước trên thế giới đang đối mặt với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu với việc thực hiện mục tiêu của Paris COP 21 bằng biện pháp giảm sản xuất và sử dụng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí), thay thế bằng các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) như gió, mặt trời, sinh khối...

Việt Nam không nằm ngoài xu hướng chung đó. Phát triển hiệu quả các nguồn NLTT đang là nhu cầu cấp thiết với Việt Nam.

Tiềm năng NLTT Việt Nam

Việt Nam có tiềm năng nguồn NLTT (thủy điện nhỏ, gió, mặt trời, sinh khối, địa nhiệt) phong phú. Thủy điện nhỏ, được đánh giá là dạng năng lượng tái tạo (NLTT) khả thi nhất về mặt kinh tế - tài chính. Theo đánh giá của UNIDO, Việt Nam là nước đứng đầu trong khối ASEAN trong việc khai thác nguồn thủy điện nhỏ (TĐN) công suất đến 10MW (Việt Nam quy định các dự án TĐN có công suất dưới 30MW) với tổng công suất đặt hiện có là 1.836MW/ tổng tiềm năng 7.200MW.

Về năng lượng gió, theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới chỉ ra rằng, Việt Nam là nước có tiềm năng gió lớn nhất trong 4 nước trong khu vực: Hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam được ước tính là có tốc độ gió trung bình hàng năm lớn hơn 6m/s ở độ cao 65m, tương đương với tổng công suất 512GW. Đặc biệt, hơn 8% diện tích Việt Nam được xếp hạng có tiềm năng gió rất tốt.

 Ninh Thuận có lượng gió thổi đều trong suốt 10 tháng với tốc độ từ 6,4-9,6m/s, bảo đảm ổn định cho tua-bin gió phát điện. Ảnh: QĐND

Ninh Thuận có lượng gió thổi đều trong suốt 10 tháng với tốc độ từ 6,4-9,6m/s, bảo đảm ổn định cho tua-bin gió phát điện. Ảnh: QĐND

Vùng ven biển nước ta, đặc biệt vùng phía Nam có diện tích rộng khoảng 112.000km2, khu vực có độ sâu từ 30m đến 60m có diện tích rộng khoảng 142.000km2 có tiềm năng phát triển điện gió biển rất tốt. Đặc biệt khu vực biển có độ sâu 0-30m từ Bình Thuận đến Cà Mau rộng khoảng 44.000km2.

Việt Nam có tiềm năng về nguồn năng lượng mặt trời, có thể khai thác cho các sử dụng, như: Đun nước nóng, phát điện và các ứng dụng khác như sấy, nấu ăn... Với tổng số giờ nắng trung bình cả nước lên đến hơn 2.500 giờ/năm và cường độ bức xạ trung bình 4,6 kWh/m2/ngày, theo hướng tăng dần về phía Nam là cơ sở tốt cho phát triển các công nghệ năng lượng mặt trời.

Theo kết quả nghiên cứu đánh giá sơ bộ của cơ quan Trợ giúp năng lượng MOIT/GIZ thì tổng tiềm năng kinh tế của các dự án điện mặt trời (ĐMT) trên mặt đất, nối lưới tại Việt Nam khoảng 20.000MW, trên mái nhà (rooftop) từ 2.000 đến 5.000MW.

Là một nước nông nghiệp, Việt Nam còn có tiềm năng rất lớn về nguồn năng lượng sinh khối (NLSK). Khả năng khai thác bền vững nguồn sinh khối cho sản xuất năng lượng ở Việt Nam đạt khoảng 150 triệu tấn mỗi năm. Theo Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam năm 2017 do Bộ Công Thương Việt Nam và Cơ quan Năng lượng Đan Mạch xuất bản, tại Việt Nam năng lượng sinh khối là nguồn năng lượng có nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Ngoài khả năng sản xuất đến gần 4.000MW công suất điện, năng lượng sinh khối còn có thể thay thế than, dầu trong lĩnh vực công nghiệp với tỷ trọng lớn.

Về năng lượng địa nhiệt, mặc dù chưa được điều tra và tính toán kỹ, nhưng với số liệu điều tra và đánh giá gần đây nhất cho thấy tiềm năng điện địa nhiệt ở Việt Nam có thể khai thác hơn 300MW. Khu vực có khả năng khai thác hiệu quả là miền Trung.

Tình hình thực hiện Quy hoạch điện VII

Trên cơ sở thực hiện cam kết Paris COP 21, trong ngành năng lượng, Chính phủ Việt Nam đã có hành động cụ thể bằng việc điều chỉnh lại Quy hoạch điện VII phê duyệt theo Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21-7-2011 bằng Quy hoạch điện VII Điều chỉnh (QHĐ VII ĐC) phê duyệt theo Quyết định số 428/2016/QĐ-TTg ngày 18-3-2016. Trong đó, ngoài việc rà soát tính toán lại nhu cầu tăng trưởng phụ tải do có tính đến việc thực hiện chương trình tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả, đã đặc biệt chú trọng việc tăng cường phát triển các nguồn điện từ NLTT và điều chỉnh giảm đáng kể nguồn nhiệt điện than (NĐT) xây dựng mới.

Cụ thể, theo Quy hoạch điện VII, tổng công suất và tổng sản lượng nguồn NLTT năm 2020 là 3,1MW và 8,9 tỷ kWh, năm 2030 là 4,8MW và 13 tỷ kWh thì trong QHĐ VII (hiệu chỉnh) đã tăng lên tương ứng vào năm 2020 là 6 MW và 17 tỷ kWh, năm 2030 là 27MW và 60 tỷ kWh. Trong khi đó NĐT giảm từ 32.000MW và 175 tỷ kWh xuống 26.000MW và 131 tỷ kWh vào năm 2020 và từ 77.000MW và 428 tỷ kWh xuống 55.00MW và 304 tỷ kWh vào năm 2030. Theo đó nhu cầu than cho NĐT giảm từ 84 triệu tấn xuống 63 triệu tấn vào năm 2020 và từ 182 triệu tấn xuống 129 triệu tấn vào năm 2030.

Riêng đối với ĐMT, do năm 2017 Thủ tướng Chính phủ đã quyết định giá mua điện (giá FIT) là 9,35 UScent/kWh có hiệu lực đến 6-2019, nên các nhà đầu tư đã tranh thủ, tận dụng thời gian, triển khai ồ ạt nên, theo thông báo từ Bộ Công Thương, tính đến cuối năm 2019, đã có gần 5.000MW ĐMT được đưa vào vận hành, lớn hơn nhiều so với quy mô dự kiến theo QHĐ VII ĐC cho năm 2020 là 850MW và năm 2025 là 4.000MW. Theo EVN, lưới điện hiện có mới giải tỏa được 70% công suất của các dự án ĐMT này, nên trong thời gian tới cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống lưới điện kèm theo. Mặc dù còn tồn tại bất cập về tính đồng bộ trong phát triển giữa nguồn và lưới, việc đưa một lượng công suất lớn ĐMT vào vận hành đã có ý nghĩa hết sức quan trọng việc đảm bảo cung cấp điện cho miền Nam trong vài năm tới khi một số nguồn nhiệt điện than tại khu vực chậm tiến độ so với kế hoạch dự kiến trong QHĐ VII HC. Hơn nữa, tính đến năm 2020 này tổng công suất nguồn điện từ NLTT (gồm NĐT, Gió, ĐMT) trong hệ thống điện Việt Nam là hơn 7.000MW, chiếm tỷ trọng gần 13% trong cơ cấu nguồn và là nước dẫn đầu trong khối ASEAN về phát triển NLTT.

Sử dụng năng lượng một cách hiệu quả, hợp lý

Theo TS, Nguyễn Mạnh Hiến, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam: Việt Nam là đất nước sẽ chịu tác động khá trầm trọng của biến đổi khí hậu, lại có tiềm năng nguồn NLTT (thủy điện nhỏ, gió, mặt trời, sinh khối, địa nhiệt) phong phú, trong khi các nguồn năng lượng sơ cấp trong nước như thủy điện vừa và lớn, than, dầu khí đều ngày càng cạn kiệt và đang biến từ một nước xuất khẩu năng lượng tịnh thành nước nhập khẩu tịnh thì việc tăng cường phát triển các nguồn NLTT có ý nghĩa hết sức to lớn trong việc giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Việc sử dụng NLTT vừa góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong mục tiêu toàn cầu vừa đảm bảo an ninh năng lượng phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Trong xu thế nhu cầu tiêu thụ điện tăng khoảng 8%/năm đến 2030 trong khi GDP tăng bình quân khoảng 6-7%/năm (hệ số đàn hồi lớn hơn 1,0), thì giải pháp hữu hiệu và ít tốn kém nhất là cải thiện sử dụng năng lượng hiệu quả. Theo Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam năm 2017, tiềm năng tiết kiệm điện của Việt Nam được xác định ở 17% vào năm 2030. Để có khai thác tiềm năng này Việt Nam cần củng cố chính sách về sử dụng năng lượng hiệu quả.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong Quy hoạch điện VIII cần xác định cụ thể các dự án điện NLTT (đối với các dự án > 30MW) về quy mô công suất, sản lượng trung bình/năm, địa điểm, khối lượng lưới điện đấu nối vào hệ thống điện quốc gia (HTĐ) và tiến độ xây dựng (như đối với các dự án truyền thống) để tính toán cân bằng công suất, điện năng, chế độ làm việc của HTĐ trong ngắn hạn và trung hạn (trong QHĐ VII ĐC khối lượng các dự án NLTT chỉ mang tính “bốc thuốc” tượng trưng).

Trong phát triển NLTT cần có cơ chế chính sách ưu tiên về giá điện, lãi suất vốn vay đối với các dự án điện. Đối với điện gió cần đẩy mạnh phát triển các dự án ngoài khơi, nơi có tốc độ gió cao và ổn định vì có thể nhận được công suất và sản lượng cao, giá thành hạ. Còn đối với ĐMT thì cần quan tâm khuyến khích phát triển các dự án ĐMT áp mái vì có thể huy động được nguồn lực của cộng đồng dân cư (các doanh nghiệp và tư nhân), lại không cần phải đầu tư lưới điện đấu nối.

Cùng với đó là tiếp tục củng cố và phát huy vai trò của lưới điện truyền tải liên kết giữa nước ta và các nước láng giềng, đặc biệt là Lào và Trung Quốc nhằm đáp ứng yêu cầu đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy HTĐ quốc gia trong bối cảnh tỷ trọng nguồn điện gió, mặt trời ngày một gia tăng trong những năm tới.

XUÂN DŨNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/phat-trien-hieu-qua-cac-nguon-nang-luong-tai-tao-623239