Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại

Tính đến hết năm 2019, toàn quốc đã có gần 16 triệu người tham gia BHXH, hơn 13,4 triệu người tham gia BH thất nghiệp và gần 86 triệu người tham gia BHYT (đạt tỷ lệ bao phủ gần 90% dân số).

BHXH Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả 25 năm thực hiện chính sách BHXH, BHYT; các giải pháp triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW và nhiệm vụ công tác năm 2020.

Trong 25 năm qua, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, BHXH Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ, không chỉ chăm lo phục vụ tốt các đối tượng tham gia thụ hưởng chính sách, thực sự trở thành những chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội hiện nay.

Trong đó, ngành BHXH luôn chủ động, tích cực tham gia, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện nhiều dự Luật quan trọng, làm hành lang pháp lý cho việc tổ chức, thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật BHXH, BHYT như: Luật BHXH, Luật BHYT; Luật Việc làm; Luật An toàn, vệ sinh lao động...

Chính sách BHXH từ chỗ chỉ thực hiện cho đội ngũ CCVC Nhà nước với hình thức bắt buộc, đã được mở rộng và thực hiện cho mọi người lao động (NLĐ) theo hai hình thức: BHXH bắt buộc đối với người lao động có quan hệ lao động theo quy định và BHXH tự nguyện đối với người lao động làm việc tự do, lao động là nông - lâm - ngư nghiệp, tiến tới thực hiện BHXH toàn dân theo tinh thần Nghị quyết số 28.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Cờ Thi đua của Chính phủ cho BHXH Việt Nam. Ảnh: P.Thảo

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Cờ Thi đua của Chính phủ cho BHXH Việt Nam. Ảnh: P.Thảo

Công tác phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp luôn được BHXH Việt Nam tích cực, chủ động triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Số người tham gia BHXH, BHYT liên tục tăng lên qua các năm: Năm 1995 (năm đầu tiên thực hiện Điều lệ BHXH), cả nước có trên 2,2 triệu người lao động tham gia BHXH bắt buộc và đến năm 2019 ước có gần 16 triệu người lao động tham gia BHXH; Năm 2003 cả nước có gần 11,5 triệu người tham gia BHYT và đến năm 2019 ước có trên 85,9 triệu người tham gia (đạt tỷ lệ bao phủ gần 90% dân số); Năm 2009 (năm đầu tiên thực hiện BHTN), cả nước có gần 6 triệu người lao động tham gia BHTN và đến năm 2019, ước có trên 13,4 triệu người tham gia.

Xác định việc bảo đảm tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động là hết sức quan trọng, ngành BHXH đã luôn chủ động đẩy mạnh thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và kiên quyết xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, góp phần quan trọng đưa số nợ BHXH năm 2019 xuống còn khoảng 6.000 tỷ đồng (bằng 1,6% tổng số phải thu), mức thấp nhất trong 25 năm qua.

Ngành BHXH cũng luôn đảm bảo việc giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BH thất nghiệp cho người lao động được kịp thời, đúng quy định. Kết quả, từ năm 1995 đến hết năm 2019, đã giải quyết cho trên 120 triệu lượt người hưởng trợ cấp một lần và các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe (bình quân mỗi năm trên 4,8 triệu lượt người). Từ năm 2010 đến hết năm 2019 giải quyết cho gần 6,9 triệu người hưởng chế độ BH thất nghiệp. Đến cuối năm 2019, tổng số người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng khoảng 3,2 triệu người (tăng 174% so với năm 1995). Từ năm 2003 đến 2019, toàn ngành đã phối hợp với các cơ sở y tế đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh BHYT cho trên 1.924 triệu lượt người. Số lượt người được khám chữa bệnh theo chế độ BHYT tăng nhanh qua từng năm…

Bên cạnh đó, ngành BHXH luôn chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính. Chỉ trong 5 năm (2014-2019) số lượng thủ tục hành chính (TTHC) đã được giảm từ 263 thủ tục xuống còn 27 thủ tục (giảm 76%). Trên 90% đơn vị, DN thực hiện kê khai đóng BHXH qua mạng internet; thời gian thực hiện TTHC trong giao dịch với các DN, cá nhân về kê khai tham gia BHXH, BHYT được rút ngắn từ 335 giờ/năm xuống còn 147 giờ/năm (số thời gian đi lại, chờ đợi tiết kiệm được lên tới hơn 3 triệu giờ/năm).

BHXH Việt Nam đã hoàn thiện và quản lý tập trung Cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT theo mã số BHXH, với thông tin của hơn 97 triệu dân, tương ứng khoảng 30 triệu hộ gia đình. Đây là tiền đề cho việc xây dựng, kết nối liên thông, hoàn thiện hệ thống ứng dụng CNTT của ngành, tiến tới xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về người tham gia BHYT, BHXH.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, để trở thành lưới an sinh xã hội trọng yếu gắn với mục tiêu, định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội thì độ bao phủ của BHXH phải rộng khắp hơn, hay cụ thể là tất cả người lao động và những người phụ thuộc cần phải có lưới an sinh. Với chưa đến 1/3 người lao động tham gia BHXH hiện nay thì đích đến còn xa, do vậy những nỗ lực cần phải cao hơn, không được chủ quan.

Theo chỉ tiêu phấn đấu của Nghị quyết số 28-NQ/TW, toàn quốc tỷ lệ bao phủ BHXH phải đạt 35% lực lượng lao động trong độ tuổi vào cuối năm 2021; 45% vào năm 2025; BH thất nghiệp 28% vào năm 2021 và 35% vào 2025. Cho thấy chúng ta phải tiếp tục phấn đấu hơn.

“Theo đó, chúng ta cần phải có giải pháp mới, sáng tạo, khắc phục những tồn tại, hạn chế. Hệ thống chính sách, pháp luật phải được thường xuyên đổi mới, cập nhật cho phù hợp với quy định quốc tế; Chính sách an sinh xã hội cần phải ứng dụng công nghệ số để được quản lý thống nhất, bảo đảm hiệu quả, giảm chi phí thường xuyên cho bộ máy tổ chức. Cần giảm mạnh thời gian nộp BHXH trong thời hạn tới; triệt để giải quyết tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT, tình trạng trốn đóng BHXH và nâng cao công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan BHXH…”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/phat-trien-he-thong-bhxh-linh-hoat-da-dang-da-tang-hien-dai-180330.html