Phát triển hạ tầng thương mại: Vướng ở chính sách

Phát triển hạ tầng thương mại (HTTM) là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy doanh nghiệp mở rộng thị trường. Tuy nhiên, do ngân sách đầu tư hỗ trợ từ Trung ương eo hẹp, khả năng xã hội hóa, thu hút nguồn lực đầu tư còn nhiều khó khăn đang là lực cản khiến HTTM chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.

Từng bước hiện đại hóa hạ tầng thương mại

Chưa đáp ứng nhu cầu

Theo số liệu của Bộ Công Thương, tính đến hết năm 2017, cả nước có 8.539 chợ, trong đó chợ nông thôn chiếm tới 74,5%; giá trị hàng hóa dịch vụ qua hệ thống chợ chiếm trung bình từ 35 - 40%. Hệ thống chợ chủ yếu là chợ hạng 3, cơ sở vật chất còn hạn chế.

Về hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, đến hết năm 2017, cả nước có 189 trung tâm thương mại tại 41/63 địa phương và 957 siêu thị tại 62/63 địa phương. Tỷ trọng lưu chuyển hàng hóa bán lẻ qua kênh phân phối này đã tăng khá nhanh với tốc độ khoảng 25%/năm, cao hơn so với tốc độ tăng bình quân gần 21%/năm của lưu chuyển hàng hóa bán lẻ chung trên địa bàn cả nước. Tuy nhiên, phần lớn các siêu thị và trung tâm thương mại tập trung ở các thành phố lớn.

Thống kê cũng cho thấy, cả nước hiện có 15 trung tâm hội chợ triển lãm phân bố tại 11 tỉnh, thành phố, nhưng mới đáp ứng được trên 40% số hội chợ, triển lãm được tổ chức hàng năm.

Hệ thống trung tâm logistics mới được hình thành và phát triển chưa nhiều. Tính đến cuối 2017, cả nước có 50 trung tâm nhưng quy mô nhỏ (dưới 10ha), chủ yếu tập trung ở một số khu công nghiệp.

Bộ Công Thương đánh giá, mặc dù công tác quy hoạch và đầu tư phát triển hệ thống kết cấu HTTM đã được quan tâm và đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập, mở cửa, HTTM nhìn chung vẫn còn yếu kém và lạc hậu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của thị trường.

Chính sách thiếu đồng bộ

Thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại

Nguyên nhân của tình trạng trên là do chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển HTTM còn hạn chế và thiếu đồng bộ. Theo đó, tại Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/1/2003 về phát triển và quản lý chợ và văn bản sửa đổi, bổ sung có chính sách hỗ trợ đầu tư chợ, nhưng theo Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015 không có hạng mục riêng cho chợ. Hay Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2014 ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 có hạng mục riêng cho chợ nhưng lại do ngân sách địa phương bố trí, dẫn đến vốn đầu tư thực hiện của khu vực kinh tế nhà nước cho HTTM không đáng kể.

Bên cạnh đó, chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư phát triển HTTM còn nhiều hạn chế. Đơn cử như Nghị định số 114/2009/NĐ-CP có nêu: Các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng chợ được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng đầu tư, tuy nhiên theo Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 về tín dụng đầu tư của nhà nước thì các nhà đầu tư xây dựng chợ lại không được hưởng chính sách tín dụng…

Để đảm bảo thu hút đầu tư phát triển HTTM, Bộ Công Thương kiến nghị các bộ, ngành Trung ương cần tiến hành rà soát điều chỉnh các quy hoạch liên quan tới phát triển HTTM, tích hợp vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung cho phù hợp với nhu cầu phát triển của vùng, địa phương. Nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung một số chính sách liên quan nhằm khuyến khích, hỗ trợ công tác đầu tư, phát triển HTTM cho đồng bộ... Đồng thời, đề nghị UBND các tỉnh cần cụ thể hóa các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nhằm thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển HTTM…

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan tới phát triển HTTM. Cùng với đó, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng một số loại hình HTTM trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ tiêu thụ nông sản.

Hạnh Nguyễn

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/phat-trien-ha-tang-thuong-mai-vuong-o-chinh-sach-107117.html