Phát triển hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ

Để lắng nghe thêm nhiều ý kiến đóng góp của bộ, cơ quan Trung ương, các địa phương, chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, doanh nghiệp cùng hiến kế giúp thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông cho khu vực Đông Nam bộ, tại thành phố Vũng Tàu vào ngày 22/11 sẽ diễn ra Hội thảo 'Thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ'.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát cầu Phước An, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 30/5/2020. Ảnh: VGP.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát cầu Phước An, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 30/5/2020. Ảnh: VGP.

Tới nay, tuy dân số chiếm khoảng 18% nhưng khu vực này đóng góp khoảng 40% tổng thu ngân sách và khoảng 38% GDP cả nước. Đông Nam bộ là vùng kinh tế sôi động nhất cả nước và sẽ còn phát triển hơn nếu giải quyết tốt bài toán kết nối vùng. Trong đó có hệ thống giao thông.

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, muốn phát triển cần 3 đột phá: thể chế, hạ tầng và nhân lực. Tuy nhiên, hiện TP HCM và Đông Nam bộ đang gặp nhiều thách thức, đó là hạ tầng giao thông thiếu kết nối, chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Từ đó đã làm tăng chi phí về logistics của các doanh nghiệp, thậm chí dẫn tới nguy cơ tắc nghẽn cả hoạt động sản xuất.

“Hiện nhu cầu đầu tư hạ tầng rất lớn, tỉnh nào cũng cần. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải ưu tiên đầu tư ở khu vực nào có khả năng sinh lời cao nhất, có khả năng tạo ra dòng vốn để tiếp tục đầu tư cho khu vực vùng sâu vùng xa. Theo tôi, khu vực Đông Nam bộ đang có nhiều lợi thế” - theo ông Ngân.

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thúc đẩy mạnh mẽ các dự án hạ tầng giao thông cho khu vực này. Một số công trình hạ tầng giao thông đã được đầu tư, đưa vào sử dụng, mang lại hiệu quả như cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường vành đai 2, mở rộng xa lộ Hà Nội, mở rộng Quốc lộ 51…

Nhiều dự án trọng điểm mới được đầu tư và có kế hoạch thực hiện thời gian sắp tới cũng mở ra cơ hội cho kết nối vùng, như cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, TP HCM - Mộc Bài, đường vành đai 3, các cây cầu lớn, cao tốc Bắc - Nam phía Đông, sân bay Long Thành…

Gần đây nhất, đầu tháng 11/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1777/QĐ-TTg phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, với vai trò là Cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực. Từ nay đến cuối năm, giai đoạn I nâng cấp đường băng của sân bay Tân Sơn Nhất cũng sẽ hoàn thành.

Trước đó, cuối tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng đã tham dự lễ khởi công 3 dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Trong đó, có 2 dự án thuộc địa phận Đông Nam bộ, gồm dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài khoảng 99 km, giai đoạn 1 xây dựng theo quy mô 4 làn xe với tổng mức đầu tư điều chỉnh hơn 12.000 tỷ đồng, và dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết có chiều dài khoảng 100 km, trong giai đoạn 1 đầu tư quy mô 4 làn xe hạn chế với tổng mức đầu tư hơn 10.853 tỷ đồng.

Về đường sắt, cuối tháng 10 vừa qua, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, trong đó coi nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng hệ thống đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là xương sống của chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam thời gian tới.

Riêng sân bay Long Thành, tiến độ triển khai cũng được thúc đẩy trên tinh thần tích cực tháo gỡ vướng mắc, không chờ đợi, bị động. Nói như Thủ tướng thì “ai không làm thì đứng sang một bên”.

Thủ tướng cũng yêu cầu, để tháo gỡ khó khăn cho khu vực này, cần rất nhiều giải pháp và các bộ, ngành, các địa phương phải chung tay cùng làm theo tinh thần “chỉ bàn tiến chứ không bàn lùi”.

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/phat-trien-ha-tang-giao-thong-vung-dong-nam-bo-524397.html