Phát triển giao thông xanh cần những yếu tố nào?
Giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí hiện là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách của thành phố Hà Nội. Trong đó, phát triển giao thông xanh được coi là giải pháp tối ưu nhằm giảm phát thải từ phương tiện, hướng tới sự phát triển bền vững.
Tuy nhiên, để thực hiện được giải pháp này, cần thiết phải có lộ trình phù hợp, nhất là đối với việc hạn chế hay chuyển đổi phương tiện cá nhân. Hiện Hà Nội có hơn 2000 xe buýt được trợ giá đang hoạt động, trong đó có 277 xe buýt điện và xe sử dụng nhiên liệu sạch CNG.
Dù mới chiếm 13,6% tổng số phương tiện, nhưng việc sử dụng phương tiện xanh trong vận tải hành khách công cộng đang tích cực góp phần bảo vệ môi trường, dần thay đổi thói quen sử dụng phương tiện cá nhân của người dân.
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt (quận Đống Đa) chia sẻ: "Sạch môi trường và văn minh hơn, muốn có nhiều nhưng mình còn nghèo quá chưa làm được".
Để phát triển giao thông xanh, mục tiêu cần giải quyết là giảm khí thải từ hoạt động giao thông. Tuy nhiên, với gần 7 triệu mô tô, xe máy, 1,1 triệu ô tô và khoảng 1,2 triệu phương tiện cá nhân từ các địa phương hằng ngày đổ về Hà Nội, đây là bài toán khó.
Do đó, theo các chuyên gia giao thông, cần thiết phải có giải pháp ưu tiên phát triển vận tải công cộng, cùng với kế hoạch chuyển đổi loại hình này sang phương tiện xanh, sử dụng năng lượng sạch.
Bà Trần Thị Phương Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông Hà Nội, cho biết: "Sắp tới chúng tôi sẽ có những phương án, dự án, chuyển đổi năng lượng xanh, chuyển toàn bộ xe buýt hiện nay sử dụng diezel sang nhiên liệu xanh, sạch, như xe buýt điện, xe CNG hoặc các loại khí sạch… Xe sử dụng năng lượng xanh chất lượng vận hành cũng sẽ êm ái hơn so với các xe diezel và nâng cao chất lượng dịch vụ đối với hành khách".
Về phương tiện cá nhân, nhất là xe máy, theo các chuyên gia, khi chưa thể phát triển giao thông xanh hoàn toàn thì vẫn có thể duy trì phương tiện chạy bằng động cơ đốt trong, song phải ở mức độ chất lượng khí thải tốt. Bởi lẽ xe máy không chỉ là phương tiện đi lại hàng ngày, mà còn là kế sinh nhai của người dân nên cần thận trọng trước khi thực hiện hạn chế lưu thông.
Để xanh hóa phương tiện vận tải hành khách công cộng thành công, một trong những yêu cầu bắt buộc là hạ tầng cung cấp năng lượng, nhiên liệu cho xe buýt xanh. Hiện vấn đề này còn rất hạn chế do suất đầu tư lớn, là thách thức không nhỏ với các đơn vị vận tải.
Với xe buýt sử dụng năng lượng xanh, cần cơ chế, chính sách mới phù hợp. Muốn các doanh nghiệp có thể sử dụng đại trà xe buýt điện, hay khí CNG, thành phố cần bảo đảm nguồn cấp điện, xây dựng trạm sạc, tích trữ, cung cấp khí CNG.