Phát triển giao thông ở những vùng khó khăn để thúc đẩy phát triển

Tiếp tục Phiên chất vấn, trả lời chất vấn, ngày 5-6, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể về những vấn đề mở rộng quốc lộ 1, làm tuyến tránh qua các đô thị; giải pháp kiểm soát xe quá khổ, quá tải; nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; ngăn chặn tình trạng lái xe sử dụng rượu bia, ma túy gây tai nạn nghiêm trọng; đầu tư các công trình giao thông vùng khó khăn Tây Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Tây Nguyên, thúc đẩy những vùng này phát triển...

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn các đại biểu. Ảnh: Viết Hà

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn các đại biểu. Ảnh: Viết Hà

Theo đại biểu Hồ Thanh Bình (An Giang), ĐBSCL có địa thế, điều kiện phù hợp để tổ chức sản xuất và xuất khẩu nhiều sản phẩm, từ nông nghiệp, công nghiệp... Dù được Trung ương, các Bộ, ngành quan tâm trong thời gian qua, nhưng hạ tầng giao thông vẫn là một trong những điểm yếu trong thu hút các nhà đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội của vùng, giảm áp lực di dân từ vùng này đến khu vực khác, góp phần giảm gánh nặng đối với ngân sách Nhà nước.

Với thực trạng được đại biểu nêu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, ĐBSCL hiện có nhiều tiềm năng về nông nghiệp, có kim ngạch xuất khẩu gạo, trái cây, thủy sản với khối lượng lớn. Nhưng tất cả các sản phẩm này đều phải vận chuyển về TP Hồ Chí Minh, trong khi vùng có 21 cảng, cảng lớn nhất có thể đón tàu 20.000 tấn, nhưng luồng vào chỉ đảm bảo 10.000 tấn. Để phát triển khu vực đồng ĐBSCL kết hợp giao thông với phát triển kinh tế rất cần có một cảng biển nước sâu ở khu vực này. Trong kế hoạch, Bộ Giao thông vận tải sắp tới trình Chính phủ quy hoạch cảng Trần Đề, Sóc Trăng có thể đón tàu 100.000 tấn có mớn nước sâu khoảng 15, 16 mét.

“Hiện nay, có một số tập đoàn trong nước rất quan tâm đến dự án này, khi Chính phủ đồng ý, Bộ sẽ triển khai thực hiện các bước, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, tạo đột phá, phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, giải quyết công ăn việc làm, tránh tình trạng người dân phải đi lên các thành phố khác. Ngoài ra, trong quy hoạch Chính phủ tiến hành xây dựng đường cao tốc từ Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng ra cảng Trần Đề, kết hợp với đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - TP Cần Thơ, có thể tạo thành một hệ thống đường cao tốc liên hoàn, giúp cho ĐBSCL phát triển công nghiệp, thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh..

Bên cạnh ĐBSCL, giao thông ở Tây Nguyên cũng được các đại biểu quan tâm, nhất là xây dựng các tuyến đường giao thông kết nối đường Hồ Chí Minh ra các cảng biển. Theo đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (Đắk Lắk): “Nhân dân các dân tộc Tây Nguyên rất cảm ơn Đảng, Nhà nước đã đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Nhưng để phát huy hiệu quả tuyến đường này cần có sự kết nối với các tuyến quốc lộ khác trên địa bàn.

“Bộ đã có kế hoạch đấu nối các tuyến đường trên địa bàn Tây Nguyên như thế nào, có kế hoạch đầu tư đường sắt, đường cao tốc qua địa bàn Tây Nguyên nhằm khắc phục điểm “nghẽn” trong thông thương hàng hóa, phát triển bền vững vùng Tây Nguyên?” - Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân đặt câu hỏi.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, việc kết nối tuyến đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 1 và hướng ra các cảng biển, Chính phủ đang chuẩn bị đầu tư mở rộng Quốc lộ 24 và 25 theo chương trình 15.000 tỷ mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua. Cùng với Quốc lộ 19 sử dụng vốn của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), 3 công trình này khi hoàn thành sẽ kết nối đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 1 và các tỉnh ven biển, tạo thế mới cho khu vực này phát triển một cách bền vững.

Về đường sắt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, xây dựng đường sắt kết nối giao thông từ Tây Nguyên ra các cảng biển rất cần để vận chuyển hàng hóa từ Tây Nguyên ra các cảng biển, tạo thuận lợi cho xuất khẩu. Tuy nhiên, đầu tư đường sắt kinh phí rất lớn, trong khi Chính phủ đang tập trung xây dựng đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao, nên chưa có chủ trương. Khi có nguồn lực, Bộ sẽ xây dựng kế hoạch xin ý kiến của Chính phủ, Quốc hội xây dựng đường sắt kết nối Tây Nguyên với các cảng biển.

Viết Hà

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/phat-trien-giao-thong-o-nhung-vung-kho-khan-de-thuc-day-phat-trien/