Phát triển giao thông nông thôn góp phần cải thiện đời sống người dân

Ngày 15-10, tại Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm phát triển giao thông nông thôn (GTNT) thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2020.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2019, có 65,5% dân số sinh sống ở nông thôn với dân số là 63,149 triệu người. Nông thôn là nơi cung cấp nguồn nhân lực, tài nguyên thiên nhiên, sản xuất lương thực, thực phẩm, nhưng do hạ tầng GTNT chưa đồng bộ khiến cho việc phát triển kinh tế xã hội tại nông thôn gặp nhiều khó khăn.

 Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trao bằng khen tặng các tập thể xuất sắc trong phát triển giao thông nông thôn.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trao bằng khen tặng các tập thể xuất sắc trong phát triển giao thông nông thôn.

Thực hiện các nghị quyết của Đảng, Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã kết hợp cùng với các Bộ, ngành và các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển GTNT, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020. Trong đó, các địa phương chịu trách nhiệm xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển mạng lưới GTNT theo hướng dẫn của Bộ GTVT, tổ chức quản lý, đầu tư xây dựng, bảo trì và bảo vệ hạ tầng GTNT.

Bộ GTVT cho biết, giai đoạn trước năm 2010, đường GTNT chưa được quan tâm, một số loại đường như ngõ xóm, đường trục nội đồng chưa được xem xét, đánh giá; tỷ lệ cứng hóa còn thấp. Vào năm 2010 chiều dài đường GTNT là 270.950 km, cứng hóa đạt 101.882 km đạt 37,6%. Trong đó, đường xã dài 71.440 km, cứng hóa được 27.376 km đạt 38%; đường ngõ xóm dài 4.936 km, cứng hóa 666 km; Trục đường nội đồng dài 43.453 km cứng hóa được 9.618 km đạt 22%. Năm 2010 có 214 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã, 331 xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã nhưng chưa được kiên cố hóa, chưa đi lại được 4 mùa do mưa lũ...

Sau 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020 cả nước đã đạt được nhiều thành tích quan trọng. Thu nhập của người dân tăng cao, bình quân thu nhập đầu người khu vực nông thôn đã tăng 3,5 lần từ 9,1 triệu đồng năm 2008 lên 32 triệu đồng năm 2017. Tính đến tháng 5-2019, hệ thống đường bộ cả nước dài 630.200km, tăng hơn 87% so với năm 2010. Cùng với quốc lộ, đường cao tốc, hệ thống đường địa phương dài hơn 604.000km, chiếm gần 96%, tăng hơn 89% so với năm 2020, đặc biệt tăng mạnh ở đường huyện, xã, thôn, xóm, bản ấp. Tổng nguồn vốn huy động cho GTNT thời kỳ 2010-2019 đạt hơn 366.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hệ thống GTNT ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo còn nhiều khó khăn, cả nước còn 13 xã chưa có đường ô tô đến trụ sở UBND xã; 101 xã có đường ô tô đến trụ sở UBND xã nhưng không đi lại được 4 mùa, rất nhiều xã chưa cứng hóa được lớp mặt đường nên việc đi lại còn khó khăn, nhất là trong mùa mưa lũ. Do vậy, để hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn tiếp theo, công tác xây dựng kế cấu hạ tầng GTNT đòi hỏi các cấp các ngành triển khai sâu rộng trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đánh giá, việc phát triển GTNT giúp kết nối các vùng miền từ trung ương đến vùng miền xa xôi của tổ quốc, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế xã hội. Nếu quốc lộ, đường cao tốc là mạch máu kinh tế, kết nối trung tâm kinh tế, chính tri thì GTNT có chức năng liên kết các vùng, khóm, ấp, thôn, tạo thành mạch máu giao thông từ Trung ương đến địa phương.

Sau 10 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, GTNT ở vùng núi phía Bắc, Tây nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long thay đổi rất lớn, góp phần tích cực vào xóa đói giảm nghèo. Những vùng có GTNT phát triển tốt đời sống người dân cải thiện tốt, sản phẩm nông nghiệp đều lưu thông nhanh chóng, giảm chi phí, tạo điều kiện cho bà con nâng cao thu nhập.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể lưu ý, nhiệm vụ trong thời gian tới còn rất nặng nề để phấn đấu năm 2020 có 55% xã trên cả nước đạt chuẩn giao thông trong các tiêu chí NTM, đến 2025 tỷ lệ này nâng lên 75%, đến 2030 đến 95%. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị các địa phương quan tâm, dành nguồn lực để phát triển GTNT, đồng thời, quan tâm đến công tác duy tu, bảo dưỡng, khai thác hiệu quả hệ thống này.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ GTVT đã tặng bằng khen cho 7 tập thể và 13 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phát triển GTNT.

Tin, ảnh: MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/phat-trien-giao-thong-nong-thon-gop-phan-cai-thien-doi-song-nguoi-dan-597358