Phát triển giao thông đồng bộ, hiện đại, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh

Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) 2011-2020 đã nhận định 'Kết cấu hạ tầng (KCHT) vẫn là những điểm nghẽn cản trở sự phát triển', đồng thời xác định mục tiêu 'phát triển nhanh KCHT, nhất là hạ tầng giao thông; hình thành cơ bản hệ thống KCHT đồng bộ, với một số công trình hiện đại là một đột phá chiến lược, là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH và cơ cấu lại nền kinh tế'.

Thực hiện Chiến lược phát triển KT-XH 2011-2020 cũng như các chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải (GTVT), những năm qua, KCHT giao thông nước ta đã có bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, so với yêu cầu, hệ thống KCHT giao thông còn nhiều hạn chế, cần nỗ lực tạo bước đột phá để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới, tạo động lực thúc đẩy KT-XH phát triển nhanh, bền vững và bảo đảm quốc phòng, an ninh (QPAN).

Kết cấu hạ tầng giao thông có chuyển biến rõ nét

Để triển khai thực hiện chiến lược phát triển KT-XH đến năm 2020, Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đã thông qua Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16-1-2012 về xây dựng hệ thống KCHT đồng bộ với mục tiêu: “Tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư giải quyết cơ bản những tắc nghẽn, quá tải, bức xúc và từng bước hình thành hệ thống KCHT KT-XH tương đối đồng bộ với một số công trình hiện đại...”. Trong đó, phát triển KCHT giao thông là một trong 4 lĩnh vực trọng tâm... Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cũng chỉ rõ: “Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình lớn, quan trọng thiết yếu, nhất là tại các khu vực có tiềm năng phát triển và giải quyết các ách tắc, quá tải. Bảo đảm kết nối thông suốt giữa các trung tâm kinh tế lớn, các đầu mối giao thông cửa ngõ, các tuyến có nhu cầu vận tải lớn. Quan tâm đầu tư KCHT giao thông tại các vùng khó khăn”...

Thi công cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam nối thị xã Cửa Lò (Nghệ An) với huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Ảnh: Bộ GTVT.

Thi công cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam nối thị xã Cửa Lò (Nghệ An) với huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Ảnh: Bộ GTVT.

Thực hiện các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển KCHT giao thông đồng bộ, hiện đại, giai đoạn 2015-2020, Bộ GTVT đã tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội thông qua Bộ luật Hàng hải 2015, sửa đổi Luật Đường sắt (2017); trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 44 nghị định, 11 quyết định, 15 đề án; Bộ GTVT ban hành 232 thông tư bảo đảm chất lượng, có tính ổn định. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển GTVT Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT của 5 chuyên ngành (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không, hảng hải), trong đó đã quy hoạch các công trình giao thông hiện đại, kết nối đồng bộ.

Trên thực tế, nhiều công trình giao thông lớn, hiện đại đã và đang được đầu tư xây dựng góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước, kết nối giữa các vùng, miền trong cả nước và với quốc tế, tạo tiền đề phát triển các đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch, tăng cường khả năng bảo đảm QPAN. Ví như: Về đường bộ đã đưa vào khai thác 1.041km đường cao tốc, đang đầu tư xây dựng hơn 160km, tiếp tục triển khai các thủ tục để đầu tư xây dựng thêm 654km đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông và 40km cao tốc đoạn TP Lạng Sơn-Cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn), 92km cao tốc Vân Đồn-Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh); việc đưa vào khai thác tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai đã giảm thời gian lưu thông khoảng 2 giờ so với đi trên Quốc lộ 2, tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng giảm khoảng 1,5 giờ so với lưu thông trên Quốc lộ 5... Về hàng không, đã có những bước phát triển đột phá về cả quy mô và chất lượng dịch vụ, đáp ứng kịp thời sự bùng nổ của nhu cầu vận tải hàng không với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 16%-18%/năm... Về cảng biển đã hoàn thành đầu tư cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép-Thị Vải, Lạch Huyện có khả năng tiếp nhận được tàu tải trọng lớn từ 130.000 tấn đến 200.000 tấn (DWT); các cảng hành khách tại Phú Quốc, Hạ Long có khả năng tiếp nhận tàu chở khách lớn nhất thế giới... Các tuyến đường thủy chính đã được đầu tư nâng cấp, tăng năng lực vận tải. Về đường sắt, đang triển khai 5 dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; sửa chữa, gia cố những hạ tầng thiết yếu để nâng cao an toàn, rút ngắn thời gian chạy tàu trên trục Bắc-Nam; đồng thời hoàn thiện nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt Bắc-Nam tốc độ cao... Giao thông đô thị từng bước được nâng cấp và mở rộng, kết hợp đầu tư các tuyến đường vành đai, đường hướng tâm đã góp phần hạn chế tình trạng ùn tắc hành khách, hàng hóa. Chất lượng phục vụ, dịch vụ vận tải không ngừng được đổi mới, phục vụ tốt hơn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Đáng chú ý là số vụ tai nạn giao thông giảm trung bình 7,7%/năm. Công tác cải cách hành chính và thủ tục hành chính của ngành GTVT liên tục được đẩy mạnh; hoàn thành kết nối liên thông, kết nối trục văn bản quốc gia (Bộ GTVT được đánh giá là bộ đi đầu trong thực hiện nội dung này)...

Có thể nói, hệ thống KCHT GTVT của đất nước đã có những chuyển biến rõ nét, năng lực hệ thống KCHT giao thông được nâng lên đáng kể. Sản lượng vận chuyển, số lượng phương tiện tăng nhanh, tính trung bình giai đoạn 2010-2019, tốc độ tăng trưởng hành khách là 9,61%/năm, hàng hóa là 9,17%/năm. Theo công bố của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) trong báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu, xếp hạng năng lực và chất lượng hạ tầng của Việt Nam liên tục tăng bậc từ thứ 95/144 (năm 2011) lên thứ 79/137 (năm 2016); chỉ số về chất lượng hạ tầng đường bộ đứng thứ 92 (tăng 28 bậc), cảng biển đứng thứ 82 (tăng 31 bậc). Chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) của Việt Nam năm 2018 xếp hạng 39/160 nước, tăng 25 bậc so với năm 2016 (trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp thứ 3 sau Singapore và Thái Lan). Tất cả các chỉ số đánh giá LPI 2018 đều tăng vượt bậc.

Phối cảnh Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đây là dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, vừa được khởi công xây dựng giai đoạn 1 ngày 5-1. Ảnh: Bộ GTVT.

Hạ tầng giao thông vẫn còn là “điểm nghẽn”

Mặc dù đạt nhiều thành tựu quan trọng về phát triển KCHT giao thông, tuy nhiên, hệ thống hạ tầng giao thông vẫn còn là “điểm nghẽn” đối với nhu cầu phát triển. Cụ thể là: Hệ thống đường bộ cao tốc mới bước đầu hình thành, chưa hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 đưa vào sử dụng khoảng 2.000km đường cao tốc; hệ thống đường sắt đã lạc hậu, chưa đầu tư được đường sắt tốc độ cao, hệ thống đường sắt đô thị mới đầu tư xây dựng những tuyến đầu tiên; hệ thống cảng biển chưa khai thác hết công suất thiết kế; một số cảng hàng không đã quá tải; tỷ trọng đầu tư cho đường sắt, đường thủy nội địa còn thấp, chưa hình thành kết nối vận tải hiện đại tới các đầu mối vận tải lớn... nên chưa hình thành được hệ thống đồng bộ, hiện đại, nhất là so sánh với các tiêu chí của quốc tế (mạng đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, cảng hàng không, cảng biển đầu mối).

Một trong những nguyên nhân chính là khó khăn về nguồn lực, công tác đầu tư phát triển hạ tầng giao thông triển khai chậm so với yêu cầu; hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu chưa có điều kiện duy tu, bảo dưỡng đầy đủ, kịp thời, làm hạn chế năng lực khai thác. Theo kế hoạch vốn ngân sách nhà nước được phân bổ trong giai đoạn 2016-2020, Bộ GTVT mới chỉ đáp ứng trên 30% nhu cầu đầu tư phát triển cũng như bảo trì KCHT hiện có, trong khi việc kêu gọi đầu tư tư nhân còn khó khăn do đầu tư hạ tầng giao thông nhiều rủi ro, hệ thống văn bản pháp lý chưa đồng bộ. Đây là trở ngại rất lớn trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KCHT giao thông đồng bộ, hiện đại, đi trước một bước, tạo tiền đề phát triển đất nước.

Đột phá về GTVT để thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm QPAN

Căn cứ các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, trên cơ sở nguồn vốn đầu tư công trung hạn đã được bố trí, ngành GTVT xác định trong giai đoạn đến năm 2030 cần định hướng đầu tư phát triển KCHT giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại để tạo động lực phát triển đất nước, đẩy nhanh việc thực hiện các khâu đột phá trong chiến lược phát triển KT-XH mà Đảng ta xác định trong thời gian tới. Cụ thể, ngành GTVT phấn đấu đáp ứng nhu cầu vận tải với tổng sản lượng khoảng 2.500 tỷ tấn.km (tương đương 4,3 tỷ tấn hàng hóa), 667 tỷ hành khách.km (tương đương 14 tỷ lượt khách), tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm về sản lượng vận tải hàng hóa giai đoạn 2021-2030 là 6,7%, hành khách là 8,2%. Nâng cao chất lượng vận tải, giá thành hợp lý; tiếp tục kiềm chế, giảm dần tai nạn giao thông...

Về đầu tư phát triển KCHT giao thông phải bảo đảm sự đồng bộ, hiện đại để phục vụ phát triển KT-XH, đồng thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ QPAN, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới theo phương châm “giao thông đi trước một bước” với các mục tiêu chủ yếu: (1) Phấn đấu đến năm 2030, hơn 80% số tỉnh, thành phố được kết nối bằng đường bộ cao tốc và tổng chiều dài đường cao tốc đạt khoảng 5.000km; trong đó ưu tiên đầu tư đưa vào khai thác tuyến cao tốc Bắc-Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau, đường bộ cao tốc trên các hành lang vận tải chủ yếu, các tuyến cao tốc cửa ngõ kết nối với Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, những trung tâm kinh tế lớn, các tuyến cao tốc vành đai đô thị. Hệ thống đường bộ được đồng bộ về tiêu chuẩn kỹ thuật, kết nối thuận lợi với hệ thống đường bộ ASEAN, Tiểu vùng Mê Công mở rộng và xuyên Á. (2) Triển khai xây dựng một số đoạn trên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, trong đó ưu tiên đoạn Hà Nội-Vinh, TP Hồ Chí Minh-Nha Trang; đầu tư tuyến đường sắt nối cảng Lạch Huyện, cảng Cái Mép-Thị Vải, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có; nhanh chóng phát triển mạng đường sắt đô thị làm nòng cốt phát triển vận tải hành khách công cộng tại các đô thị lớn... (3) Tiếp tục nghiên cứu đầu tư các bến còn lại của cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, huy động vốn đầu tư cảng quốc tế Vân Phong; nâng cao hiệu quả khai thác khu bến cảng quốc tế Cái Mép-Thị Vải; dành quỹ đất thích hợp để xây dựng trung tâm phân phối, bốc xếp hàng hóa, dịch vụ hậu cảng, kết nối thuận tiện với mạng lưới giao thông quốc gia, từng bước tạo thành mạng lưới KCHT logistics hiện đại, hiệu quả ngang tầm các nước trong khu vực. (4) Hoàn thiện mạng lưới cảng hàng không với quy mô hiện đại; hoàn thành mở rộng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Điện Biên theo quy hoạch; đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1) và hệ thống quản lý hoạt động bay hiện đại... (5) Tiếp tục đưa vào cấp kỹ thuật, bảo đảm chạy tàu 24/24 giờ các tuyến đường thủy nội địa chủ yếu; huy động vốn đầu tư các tuyến đường thủy có nhu cầu vận tải lớn; cơ giới hóa bốc xếp các cảng, bến thủy nội địa hiện đại, hiệu quả... (6) Phát triển giao thông đô thị hướng tới văn minh, hiện đại; từng bước xây dựng các tuyến vận tải hành khách khối lượng lớn tại các đô thị loại I. Tiếp tục đầu tư phát triển giao thông công cộng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để bảo đảm tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt 40%-45%.

Nhiệm vụ phát triển KCHT GTVT trong thời gian tới hết sức nặng nề, nhưng để tạo động lực cho đất nước phát triển, đồng thời bảo đảm tốt nhiệm vụ QPAN thì Đảng, Nhà nước cần tiếp tục quan tâm thực hiện chủ trương “giao thông đi trước một bước”, chú trọng tháo gỡ những “điểm nghẽn” để tạo đột phá trong phát triển KCHT giao thông, như: Tăng mức đầu tư cho KCHT giao thông bằng ngân sách nhà nước, ưu tiên những công trình trọng điểm. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực, thu hút vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế, nhất là thu hút mạnh và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA để phát triển KCHT giao thông, đặc biệt với các công trình lớn, có sức lan tỏa, tạo ra đột phá lớn. Thực tế đã cho thấy, hạ tầng giao thông phát triển đến đâu là nơi đó KT-XH phát triển nhanh, QPAN cũng được bảo đảm tốt hơn, đời sống nhân dân được nâng lên và "thế trận lòng dân" càng thêm vững chắc.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu hoàn thiện các cơ chế, chính sách để tạo thuận lợi cho phát triển vận tải hành khách công cộng, vận tải đa phương thức. Sớm hoàn thiện hệ thống các quy hoạch ngành quốc gia, các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành để làm cơ sở quản lý, chỉ đạo công tác đầu tư phát triển, bảo đảm hiệu quả đầu tư, phát triển cân đối, hài hòa tổng thể giữa các lĩnh vực. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác đầu tư phát triển KCHT và bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đáp ứng yêu cầu cho các phương tiện giao thông thông minh tham gia hoạt động vận tải...

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, ngành GTVT sẽ nỗ lực hết sức để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ phát triển hệ thống KCHT giao thông đồng bộ, hiện đại, tạo lập được cơ cấu vận tải hợp lý, hiệu quả và chuyên nghiệp hơn, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển KT-XH 2021-2030 và nhiệm vụ QPAN, bảo vệ Tổ quốc mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra.

NGUYỄN VĂN THỂ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tien-toi-dai-hoi-xiii-cua-dang/nghi-quyet-va-cuoc-song/phat-trien-giao-thong-dong-bo-hien-dai-tao-dong-luc-thuc-day-kinh-te-xa-hoi-va-bao-dam-quoc-phong-an-ninh-648516