Phát triển giao thông cho đổi mới sáng tạo

Một trong 4 chương trình đột phá chiến lược mà Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Bình Dương đề ra trong nhiệm kỳ 2020-2025 là tập trung phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đô thị hóa, xây dựng thành phố thông minh. Đó cũng là nhiệm vụ rất quan trọng để thực hiện mục tiêu đổi mới sáng tạo, đưa tỉnh Bình Dương hội nhập nhanh và phát triển bền vững.

Nhất quán quan điểm “giao thông đi trước một bước”

Những năm qua, hệ thống giao thông đường bộ ở tỉnh Bình Dương đã được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ, rộng khắp, bảo đảm kết nối giữa các thành phố, thị xã và các huyện trong tỉnh, cũng như kết nối giao thông với các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và Tây Nguyên. Tuy nhiên, do tốc độ phát triển nhanh nên các tuyến đường đi qua tỉnh Bình Dương như Quốc lộ 13, đường Mỹ Phước-Tân Vạn và một số tỉnh lộ đã có biểu hiện quá tải.

Nhất quán với quan điểm “giao thông phải đi trước một bước”, lãnh đạo tỉnh Bình Dương tin tưởng giao nhiệm vụ cho Tổng công ty Becamex IDC nâng cấp, cải tạo các tuyến đường hiện hữu, đồng thời nghiên cứu phát triển nhiều tuyến đường mới. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Mai Hùng Dũng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương cho rằng: “Nếu giao thông không theo kịp sự phát triển, sẽ không thu hút được đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài. Mặt khác, dự án xây dựng thành phố thông minh, phát triển vùng đổi mới sáng tạo của Bình Dương cũng khó hoàn thành”.

Tại Kỳ họp lần thứ 9 (ngày 3-4-2019), HĐND tỉnh Bình Dương thông qua Nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 13. Giữa tháng 7-2020, HÐND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên 4 tuyến đường của tỉnh gồm: Đường Mỹ Phước-Tân Vạn và tỉnh lộ: 746, 747B, 743. Về quy mô dự án, trên tuyến đường Mỹ Phước-Tân Vạn có 6 cầu vượt và 6 hầm chui trên tuyến chính; 15 hầm chui đường ngang; 28 cầu vượt người đi bộ; 7 đường gom dân sinh dọc tuyến; duy tu, sửa chữa đường và xây dựng trạm thu phí. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến 9.623 tỷ đồng theo hình thức PPP, loại hợp đồng kinh doanh-quản lý (O&M). Giữa tháng 10-2020, UBND tỉnh Bình Dương khởi công dự án xây dựng đường và cầu qua sông Sài Gòn kết nối tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh, với tổng vốn đầu tư là 370 tỷ đồng. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Tổng công ty Becamex IDC đã khởi công tuyến đường nối Bắc Tân Uyên-Phú Giáo-Bàu Bàng với tổng chiều dài 47km, nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư vào các vùng phía bắc tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực này theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và đô thị, hình thành một trục giao thông liên hoàn theo hướng đông-tây.

Đường Mỹ Phước-Tân Vạn tạo giao thông kết nối giữa tỉnh Bình Dương và các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ.

Đường Mỹ Phước-Tân Vạn tạo giao thông kết nối giữa tỉnh Bình Dương và các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ.

Vừa qua, tỉnh Bình Dương và tỉnh Ðồng Nai đã thống nhất làm cầu Bạch Ðằng 2 bắc qua sông Ðồng Nai, nối xã Bạch Ðằng (Tân Uyên, Bình Dương) và xã Bình Lợi (Vĩnh Cửu, Ðồng Nai). Dự án này có tổng mức đầu tư 658 tỷ đồng nhằm kết nối các tỉnh Ðông Nam Bộ với Tây Nguyên. Nỗ lực cải tạo, phát triển hạ tầng giao thông ở Bình Dương đã mang lại những thành tựu rực rỡ trong phát triển kinh tế-xã hội, nhất là thu hút kêu gọi đầu tư.

Giao thông mở cửa cho sự phát triển

Ông Adolfo Orive, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Tetra Pak, Khu công nghiệp (KCN) VSIP II nhận xét: “Bình Dương có tầm nhìn quy hoạch khá tốt khi hạ tầng liên tục được xây dựng và ngày càng hoàn thiện; luôn có định hướng kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thông qua các tuyến Quốc lộ 13, Mỹ Phước-Tân Vạn...”. Còn ông Okada Hideyuki, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh thì nói: “Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm của tỉnh Bình Dương trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đó chính là phát triển cơ sở hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, rộng khắp”.

Những đánh giá, nhận xét trên phần nào cho thấy sự nhạy bén, sáng tạo của tỉnh Bình Dương trong phát triển hệ thống hạ tầng giao thông những năm qua. Hiện nay, ngoài hàng chục KCN đạt chuẩn quốc tế và sự đột phá hệ sinh thái công nghiệp-đô thị-dịch vụ, thì nhiều khu vực kinh tế khác cũng đã hình thành, phát triển nhờ hệ thống giao thông kết nối. Điển hình là sự đổi thay ở huyện Bàu Bàng. Từ một huyện nông nghiệp, nhờ có hạ tầng giao thông thuận lợi đã góp phần giúp địa phương thu hút được 1.051 dự án để phát triển công nghiệp, trong đó có 863 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký 29.991 tỷ đồng và 188 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư gần 3,4 tỷ USD. Đồng chí Võ Thành Giàu, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng nói rằng: “Nếu không có những con đường mới, đẹp, rộng thoáng, đi lại thuận tiện thì huyện chúng tôi vẫn chỉ loay hoay với nông nghiệp mà thôi”.

Trong những năm qua, phát triển giao thông đã giúp Bình Dương tăng tốc. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 31 KCN với tổng diện tích 12.721ha, trong đó có 29 khu đã đi vào hoạt động hiệu quả, thu hút 2.926 dự án, bao gồm: 654 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 72.498 tỷ đồng và 2.272 dự án FDI với tổng vốn gần 24 tỷ USD. Các doanh nghiệp đầu tư trong KCN tạo việc làm cho 472.461 lao động; hằng năm đạt doanh thu khoảng 32,4 tỷ USD và đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 719 triệu USD.

Giao thông kết nối, phát triển thông minh

Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương, trong giai đoạn 2020-2025, ngành giao thông vận tải tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh theo hướng kết nối. Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương đầu tháng 4 vừa qua, đại diện Tổng công ty Becamex IDC đã báo cáo việc triển khai các dự án giao thông kết nối tỉnh Bình Dương với các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Nổi bật là các dự án kết nối với đường vành đai 2, vành đai 3, vành đai 4, đường Mỹ Phước-Tân Vạn, cao tốc TP Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành, đường Bắc Tân Uyên-Phú Giáo-Bàu Bàng. Hiện nay, đường Mỹ Phước-Tân Vạn có tổng chiều dài 64km từ ngã ba Tân Vạn đến KCN Bàu Bàng đã thông xe gần toàn tuyến. Tổng công ty Becamex IDC tiếp tục làm việc với JICA để thỏa thuận tài trợ cho dự án kéo dài tuyến Metro số 1 từ Suối Tiên về Bình Dương và Đồng Nai. Trước mắt, tỉnh Bình Dương sẽ sớm triển khai thực hiện dự án tuyến xe buýt nhanh (BRT) kết nối thành phố mới Bình Dương đến Suối Tiên. Cùng với đó, Bình Dương cũng đang xúc tiến dự án ICD-Cảng sông An Tây, dự án đường sắt vận chuyển hàng hóa liên khu vực Bình Phước-Bình Dương-TP Hồ Chí Minh-Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Thời gian qua, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương cũng tham mưu, đề xuất tăng cường đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển hạ tầng giao thông cũng như quản lý giao thông, góp phần xây dựng hệ thống giao thông thông minh phù hợp với lộ trình xây dựng thành phố thông minh. Đồng thời, ngành giao thông vận tải tỉnh đang phối hợp tốt với Tổng công ty Becamex IDC thống nhất với các địa phương trong vùng và các đối tác để đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông. Đó cũng là quyết tâm của địa phương trong chiến lược phát triển giao thông kết nối để đẩy nhanh tiến độ xây dựng thành phố thông minh Bình Dương, xây dựng vùng đổi mới sáng tạo và phục vụ cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Bài và ảnh: THANH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/phat-trien-giao-thong-cho-doi-moi-sang-tao-658451