Phát triển GDNN trong bối cảnh phát triển và hội nhập quốc tế

Ngày 10/5/2019, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTNTN&NĐ) của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức gặp mặt báo chí thông tin về Hội thảo Giáo dục 2019 (VEC 2019) với chủ đề 'Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế'. Chủ trì buổi họp báo có ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội; ông Triệu Thế Hùng – Phó CHủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội; ông Lê Quân – Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH.

Ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của QH phát biểu tại hội nghị

Ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của QH phát biểu tại hội nghị

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 Khóa XI nhấn mạnh: “Phát triển nguồn lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, tranh thủ những cơ hội và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Gần đây, nhiều tổ chức và diễn đàn quốc tế như Tổ chức Lao động Quốc tế, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp Quốc, Diễn đàn Kinh tế Thế giới... khuyến cáo các quốc gia cần tập trung phát triển kỹ năng, giáo dục kỹ thuật và đào tạo nghề để thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế.

Theo ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ, nối tiếp thành công của Hội thảo Giáo dục 2017 - “Về chất lượng giáo dục phổ thông” và Hội thảo Giáo dục 2018 - “Giáo dục đại học- chuẩn hóa và hội nhập quốc tế”, Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội sẽ phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội thảo Giáo dục 2019 với chủ đề “Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế”. Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách cùng trao đổi, thảo luận, đề xuất ý tưởng phát triển giáo dục nghề nghiệp Việt Nam. Hội thảo cũng góp phần cung cấp thêm cơ sở lý luận và thực tiễn cho các Đại biểu Quốc hội trong thẩm tra, giám sát, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành và cơ quan hữu quan hoàn thiện chính sách, pháp luật phát triển giáo dục nghề nghiệp, cung cấp nguồn nhân lực có tay nghề cao cho đất nước trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế mạnh mẽ.

Dự kiến, Hội thảo sẽ diễn ra trong tháng 9/2019 tại Hà Nội. Hội thảo bao gồm các báo cáo về những vấn đề chung của giáo dục nghề nghiệp của chuyên gia trong nước và quốc tế, Bộ LĐ-TB&XH, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Phần thảo luận chuyên đề tập trung vào ba nội dung : (1) Thể chế giáo dục nghề nghiệp; (2) Doanh nghiệp và giáo dục nghề nghiệp; (3) Chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Cũng như các năm trước, Hội thảo được tổ chức theo hình thức tương tác giữa các diễn giả và đại biểu tham dự.

Thứ trưởng Lê Quân thông tin với báo chí về hội thảo sắp tới

Thông tin thêm với báo chí, Thứ trưởng Lê Quân cho biết, dự kiến trong tháng 6, Bộ LĐ-TB&XH chủ trì Hội nghị hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường trong GDNN với sự tham dự của đông đảo các doanh nghiệp và nhà trường. Theo Thứ trưởng Lê Quân, doanh nghiệp không chỉ là đối tượng sử dụng lao động mà đối với GDNN, doanh nghiệp chính là nơi đào tạo. Trên Thế giới, rất nhiều doanh nghiệp có cơ sở đào tạo GDNN trong đó. Theo Luật GDNN hiện hành, việc đào tạo cấp bằng trung cấp, cao đẳng chỉ là một phần nổi của hệ thống GDNN, còn phần đào tạo cấp chứng chỉ, kỹ năng, đào tạo lại cho người lao động mới là điều quan trọng, thời gian tới sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ LĐ-TB&XH. “Trước đây doanh nghiệp ít được quan tâm và hợp tác khó bởi xuất phát từ hai phía, phía nhà trường không thực sự mặn mà với doanh nghiệp và doanh nghiệp chưa thấy được nhiều lợi ích từ việc hợp tác với cơ sở GDNN. Với bối cảnh hiện nay, giáo dục đại học là đào tạo những con người có tư duy, tổng hợp, khả năng phân tích, sáng tạo. Sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường phải có một quá trình thử việc, học việc, hội nhập với doanh nghiệp rồi mới bắt tay vào công việc. Nhưng GDNN với việc giáo dục kỹ năng nghề bắt buộc phải dạy cái doanh nghiệp đang làm. Ngược lại doanh nghiệp muốn có người thì phải vào trường hợp tác và tự làm đào tạo. Do đó, doanh nghiệp chính là nơi đào tạo, trong Luật GDNN coi doanh nghiệp là cơ sở GDNN. Thời gian tới, nhu cầu nhân lực ngày càng cao, sự hợp tác giữa các cơ sở GDNN với doanh nghiệp ngày càng nhiều hơn” – Thứ trưởng Lê Quân nhấn mạnh.

VĂN LÝ - MẠNH DŨNG

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/phat-trien-gdnn-trong-boi-canh-phat-trien-va-hoi-nhap-quoc-te-d97164.html