Phát triển du lịch từ lợi thế nông nghiệp trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới ở đồng bằng sông Cửu Long

Là nơi sở hữu tiềm năng du lịch hết sức độc đáo, mang đậm dấu ấn sông nước, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, những năm gần đây, cùng với thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thì loại hình du lịch nông nghiệp xuất hiện tại một số vùng nông thôn bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Tuy nhiên, xét về tiềm năng du lịch nông nghiệp của vùng này trong bối cảnh chung thì thấy còn nhiều vướng mắc, hạn chế cần sớm khắc phục.

Du khách khám phá homestay ở Cần Thơ. Ảnh: TTXVN

Tiềm năng, lợi thế

Du lịch nông nghiệp là loại hình du lịch tạo ra sản phẩm, nhằm phục vụ sự trải nghiệm cho du khách chủ yếu dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Về cơ bản, khi du lịch nông nghiệp phát triển, sẽ thúc đẩy kinh tế hộ gia đình nói riêng và kinh tế của địa phương nói chung cùng phát triển. Điều đáng ghi nhận nữa, đây còn là hướng chuyển đổi nghề nghiệp cho nông dân, gắn sản xuất với du lịch, dịch vụ, góp phần nâng cao hiệu quả việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Là vùng sở hữu tiềm năng du lịch đặc thù và hết sức độc đáo, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có một hệ sinh thái đa dạng, đặc sắc, từ hệ sinh thái biển, đảo, cửa sông, đất ngập nước, rừng ngập mặn, cù lao châu thổ, với nhiều khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên có tính đa dạng sinh học cao, thuộc hàng quý hiếm: Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, U Minh Thượng, U Minh Hạ, Tràm Chim, Phú Quốc… Đây chính là những tài nguyên quý giá cho phát triển du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, với dòng sông Mêkông bồi đắp phù sa màu mỡ cùng 2 nhánh chính là sông Tiền và sông Hậu và hệ thống kênh rạch chằng chịt giao thoa giữa rừng và biển đảo,… tạo nên một vùng sinh thái đa dạng, phong phú.

Từ những lợi thế có được, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương nơi đây từng bước khai thác sáng tạo, cho ra đời một số sản phẩm, hình thức du lịch có tính đặc thù riêng, mang đậm dấu ấn sông nước của vùng châu thổ, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Chỉ tính riêng năm 2017, ĐBSCL đã đón 34.877.247 lượt khách đến tham quan du lịch, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, có 2.855.692 lượt khách quốc tế, tăng 11,1 % so với cùng kỳ; đạt doanh thu 17.194,9 tỷ đồng, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Với dân số khoảng 18 triệu người, sở hữu hơn 4 triệu héc-ta đất tự nhiên, trong đó có 3,8 triệu ha đất nông nghiệp, ĐBSCL là vùng kinh tế thuần nông với cơ cấu kinh tế khu vực nông nghiệp chiếm 40% và cơ cấu lao động trong nông nghiệp chiếm 52%. Lợi thế về tài nguyên đất, nước, khí hậu,… tạo nên nhiều thuận lợi trong phát triển nông nghiệp, trong khi đó, nguồn lao động nơi đây dồi dào, người nông dân nhạy bén trong áp dụng mô hình canh tác thích nghi theo tiểu vùng sinh thái như lúa - tôm, rừng - tôm trên vùng nước mặn, mang lại lợi nhuận cao và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, mặt hàng lúa gạo, thủy sản và cây ăn quả khu vực ĐBSCL có lợi thế so sánh rất lớn, không những so với các vùng khác trong nước, mà cả ở thị trường thế giới.

Đối với hoạt động du lịch nông nghiệp, ở ĐBSCL hội đủ 4 phương diện về cảnh quan sinh thái, phương thức sống, phát triển canh tác và các sản phẩm sản vật tạo ra từ nông nghiệp hết sức độc đáo và đa dạng. Trong khi đó, đối với du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài hoặc một số người dân sống tại các đô thị lớn ở Việt Nam, thì những hình ảnh về sinh cảnh, hoạt động sản xuất nông nghiệp, nông thôn, là những tiềm năng hết sức quý giá để phát triển thành sản phẩm du lịch, tạo cơ hội cho khách du lịch được gần gũi và hiểu rõ hơn về đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân nông thôn ĐBSCL nói riêng và người nông dân Việt Nam nói chung.

Những bước đi ban đầu đáng khích lệ

Nắm bắt được xu hướng cũng như nhu cầu của khách du lịch (đặc biệt là du khách nước ngoài) muốn trải nghiệm, thâm nhập vào cuộc sống nhiều hơn để cảm nhận thêm nhiều điều mới mẻ trong cuộc sống thông qua các hoạt động: ở lại nhà của người dân địa phương, cùng sinh hoạt và ăn uống, làm ruộng, làm vườn như một người dân địa phương, hòa mình cùng với thiên nhiên,… để đáp ứng nhu cầu, trong những năm gần đây, nhiều nhà nông ở ĐBSCL đã nhận thấy và bắt đầu thay đổi cách làm, đó là vừa sản xuất nông nghiệp, vừa kết hợp làm du lịch.

Tiền Giang đã xây dựng nhiều sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa và du lịch cộng đồng. Hiện nay, điểm du lịch nổi tiếng nhất của địa phương này là khu du lịch sinh thái cồn Thới Sơn (xã Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho). Đây là khu cồn nổi giữa sông Tiền, với diện tích trên 1.200 héc-ta, vốn được thiên nhiên ưu ái về địa hình, khí hậu, đặc biệt là cù lao có điều kiện liên kết phát triển du lịch sông nước tốt nhất, không phải nơi nào cũng có. Các đoàn khách đến tham quan nơi đây, sau đó qua cù lao ngắm cảnh vùng sông nước miệt vườn, đi xe ngựa trên đường quê và đi xuồng vào kênh rạch nhỏ, tham quan vườn trái cây, nghe đờn ca tài tử, ghé thăm nhà cổ, lò sản xuất kẹo dừa, trại nuôi ong, tát mương bắt cá...

Nhằm thực hiện giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2017 - 2020, với định hướng chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, theo cơ chế thị trường, chú trọng về chất lượng và giá trị gia tăng, vài năm trở lại đây, tại Đồng Tháp, mô hình làm du lịch của nhà nông từng bước phát triển và ngày càng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, tạo thành điểm đến quan trọng trong hành trình khám phá du lịch tại Đồng Tháp, làm phong phú thêm chương trình du lịch cho du khách. Các chương trình tour đi Đồng Tháp xem làng hoa, vườn quýt hồng, vườn xoài, đồng sen... giờ đã thu hút khách trong và nước ngoài. Để phục vụ các tour du lịch, nhiều nhà vườn ở nơi đây, hằng ngày ngoài việc chăm lo tưới nước, bón phân, tỉa cành, bao trái… người dân đồng thời là hướng dẫn viên cho khách tham quan, làm thêm các việc như làm đầu bếp, kiêm nhân viên chạy bàn. Đơn cử, tại điểm du lịch vườn xoài Thuận Thành thuộc thị xã Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, mỗi tuần đều có đoàn khách nước ngoài theo tour du lịch đến trải nghiệm. Vì thế, chủ nhà vườn nơi đây không chỉ chăm sóc cho vườn xoài, sản xuất, thu hoạch mà còn đầu tư hàng trăm triệu đồng làm đường quanh vườn, đóng thuyền làm dịch vụ cho khách đến trải nghiệm, xây những căn nhà bán hàng trái cây đặc sản của vườn như xoài, cam, mãng cầu... Mọi thành viên trong gia đình đều tham gia làm du lịch, người nấu ăn, người hướng dẫn khách tham quan, người chạy bàn... Hay tại huyện Tháp Mười có gia đình chỉ trồng 4 héc-ta sen để làm dịch vụ du lịch như mở quán cho khách đến tham quan, chụp ảnh cùng sen, thưởng thức các món ăn từ sen, sau khi trừ các chi phí thì lãi gấp 2 - 3 lần so với trồng sen để bán theo kiểu truyền thống.

Tại Cần Thơ, một trong những điểm đến ở Tây Đô ấn tượng chính là Cồn Sơn, vùng đất nổi đặc trưng nằm giữa sông Hậu thuộc quận Bình Thủy. Cồn có diện tích khoảng 70 ha đất đai màu mỡ, phù sa bồi đắp quanh năm, không khí trong lành,… Tại đây, du khách được thăm vườn chôm chôm, vườn nhãn, vườn bưởi, tự tay hái quả ăn thỏa thích; thăm những vườn rau sạch mà người dân nơi đây trồng, cùng lội sông tát cá để hiểu được phần nào những công việc và cuộc sống của nông dân. Và, dưới sự hướng dẫn của người dân, du khách sẽ làm món bánh xèo, bánh khọt hay tự tay đổ bánh dân gian như bánh bò, da lợn, khoai mì, hoặc tham gia các hoạt động như tát mương bắt cá, mò ốc, hái rau,… Hay, địa điểm Lung Cột Cầu - Bưng Đá Nổi ở xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền là nơi cho những du khách muốn được trải nghiệm cuộc sống dân dã, đồng quê, được ăn những thứ miệt vườn sông nước.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch, tỉnh An Giang đã chọn Mỹ Hòa Hưng để thực hiện dự án Du lịch nông nghiệp (giai đoạn 1: 2007 - 2009, giai đoạn 2: 2011 - 2014) với sự tài trợ của Hội Nông dân Hà Lan. Điều đáng nói là, dự án này được thực hiện song song với thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, vì vậy, vừa tạo việc làm cho người nông dân, vừa kích thích sự phát triển đa dạng đối với hoạt động kinh tế ở Mỹ Hòa Hưng, mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân. Mô hình du lịch nông nghiệp homestay trên cù lao Ông Hổ thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, thời gian qua thu hút nhiều du khách nước ngoài, bởi họ được trải nghiệm cuộc sống của người nông dân, đó là: ban ngày thì trồng rau, hái trái cây, bắt cá, tham quan nhiều di tích, làng nghề ở địa phương; ban đêm được quây quần bên nhau nghe đờn ca tài tử, thưởng thức nhiều món ăn dân dã. Để thực hiện dự án này, Tổ hợp tác du lịch nông nghiệp được hình thành với 9 thành viên, trong đó có 5 hộ chuyên giữ khách, 4 hộ còn lại chuyên về dịch vụ ăn uống và đưa đón khách du lịch. Trước khi đến với loại hình du lịch này, các hộ dân đều được tổ chức đi tham quan, học tập mô hình du lịch sinh thái tại Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Vĩnh Long. Để có được sự phục vụ chuyên nghiệp, bà con còn tham gia các lớp tập huấn kỹ năng làm du lịch, văn hóa ứng xử trong giao tiếp với khách, các lớp Anh văn thông dụng, ẩm thực Á - Âu.

Có thể khẳng định, tại các vùng nông thôn ĐBSCL, mô hình du lịch nông nghiệp ra đời như thổi làn gió mới vào nhận thức, góp thêm cách làm giàu bền vững ngay trên những mảnh đất giàu tiềm năng. Du lịch nông nghiệp không chỉ mang lại lợi ích trong phát triển kinh tế cho người nông dân, mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và bảo tồn, phát huy nét văn hóa độc đáo của địa phương. Với sự phát triển du lịch nông nghiệp, người dân địa phương được trực tiếp tham gia vào các hoạt động du lịch với vai trò là chủ nhân, là người hưởng lợi trực tiếp từ mô hình này, thế nên khi thực hiện có khá nhiều thuận lợi.

Những vướng mắc, hạn chế cần tháo gỡ

Thực tế cho thấy, du lịch nông nghiệp đang từng bước trở thành mô hình khai thác, kinh doanh khá phù hợp với người nông dân ĐBSCL, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo công ăn việc làm, ngăn ngừa khuynh hướng ly nông, giao lưu văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam và giao lưu văn hóa với khu vực, quốc tế; thúc đẩy hội nhập văn hóa, trau dồi ngoại ngữ cho nhà nông. Du lịch nông nghiệp còn thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ những sản phẩm nông nghiệp làng nghề và thúc đẩy sản xuất trong các lĩnh vực khác.

Thế nhưng, nhiều nhà nghiên cứu trên lĩnh vực kinh tế - du lịch cho rằng, ĐBSCL là vùng đất nhiều tiềm năng phát triển du lịch nói chung, nhất là du lịch trải nghiệm nông nghiệp nói riêng, nhưng hạ tầng phục vụ còn hạn chế, chưa thu hút được đầu tư để giữ chân du khách. Thực tế cho thấy, điểm hạn chế nhất của du lịch vùng ĐBSCL là sự trùng lắp, giống nhau về mô hình, cách thức tổ chức thực hiện, cũng như sản phẩm du lịch ở các địa phương, khiến sự cạnh tranh giữa các điểm đến trong vùng ngày càng gay gắt, trong khi du khách không có nhiều sản phẩm để trải nghiệm.

Điều đáng nói nữa là, xét tiềm năng du lịch nông nghiệp của vùng này trong bối cảnh chung cho thấy: Hầu hết các hoạt động du lịch nông nghiệp chủ yếu mang tính tự phát, nhỏ lẻ, trùng lắp, thiếu tính liên kết chiến lược, thương hiệu chưa được quan tâm. Trong khi đó, người nông dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp, không có các kỹ năng để phục vụ khách du lịch theo hướng chuyên nghiệp,… nên hiệu quả của lĩnh vực này không cao. Bởi vậy, việc đánh giá sát, đúng tiềm năng, lợi thế, chỉ ra những vướng mắc, hạn chế để gợi ý chính sách, hướng đi cho hoạt động du lịch nông nghiệp ở ĐBSCL phát triển hiệu quả là việc làm cần thiết.

Tính liên kết trong phát triển du lịch nói chung và du lịch trải nghiệm nông nghiệp nói riêng ở vùng này còn nhiều bất cập. Các hoạt động du lịch nói chung và sản phẩm du lịch nói riêng ở mỗi địa phương không thể hiện rõ tính đặc thù, vì vậy, du khách luôn có cảm nhận có sự na ná giống nhau, xẩy ra tình trạng: khi du khách đã trải nghiệm, hay mua sản phẩm ở địa phương này rồi thì sẽ không còn hứng thú trải nghiệm hoặc mua sản phẩm ở địa phương khác.

Để du lịch nông nghiệp vùng ĐBSCL phát triển theo hướng bền vững

Việc tham gia một cách chủ động, trực tiếp và có ý thức của người dân vào các mô hình du lịch nông nghiệp ở ĐBSCL trong thời gian qua đã làm sinh động thêm bức tranh du lịch ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, đó mới chỉ là bước khởi đầu, vì thế để du lịch nông nghiệp vùng ĐBSCL phát triển hiệu quả, theo hướng bền vững trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Trước hết, để hoạt động du lịch nông nghiệp phát triển trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững, đòi hỏi các cấp chính quyền cần tiến hành khảo sát, đánh giá đầy đủ về mô hình này trên địa bàn, từ đó xây dựng quy hoạch, đề ra các chính sách hỗ trợ phát triển hợp lý, đầy đủ hơn, nếu thấy phù hợp thì tiến hành nhân rộng.

Thứ hai, du lịch nông nghiệp là một hướng đi mới trong xây dựng nông thôn mới, là lĩnh vực mới mẻ đối với hầu hết nông dân cho nên cần có sự đồng tâm, đồng lực của các cấp chính quyền địa phương trong việc quy hoạch và phát triển du lịch nông thôn tại các thôn, xã… và chú trọng chủ trương “mỗi xã một sản phẩm du lịch”.

Thứ ba, để phát huy những thế mạnh vốn có về du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, trong thời gian tới, ngành du lịch nói chung và du lịch nông nghiệp nói riêng cần có sự liên kết mạnh mẽ giữa các tỉnh trong khu vực ĐBSCL với nhau, cũng như với Thành phố Hồ Chí Minh để xây dựng những tuyến du lịch, sản phẩm du lịch đặc trưng của từng vùng, miền; xây dựng các tour du lịch liên tỉnh Long An - Tiền Giang - Bến Tre - Vĩnh Long - Trà Vinh và Đồng Tháp.

Thứ tư, đẩy mạnh sự liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan (bà con nông dân, doanh nghiệp lữ hành, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý du lịch, nông nghiệp, thương mại) trong mô hình phát triển du lịch nông nghiệp. Các cơ quan chức năng cần có chiến dịch triển khai chiến lược, kế hoạch quảng bá, xúc tiến du lịch theo hướng chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với chiến lược, kế hoạch phát triển sản phẩm - thị trường và thương hiệu, bản đồ du lịch nông nghiệp… góp phần đưa du lịch nông nghiệp phát triển đột phá, hiệu quả.

Thứ năm, để khắc phục tình trạng phát triển tự phát nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp như hiện nay, thì việc cần làm là có kế hoạch tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp song song với công cuộc đào tạo cho bà con nông dân phát triển du lịch một cách chuyên nghiệp, có hiệu quả hơn.

Thứ sáu, để duy trì tính bền vững, tăng cường tính hiệu quả các mô hình, Hội nông dân các cấp cần làm tốt nhiệm vụ. Có thể thành lập Trung tâm Du lịch nông dân nhằm đại diện cho nông dân về mặt pháp lý, tạo điều kiện cho nông dân hợp tác với nhau, đào tạo và hướng dẫn nông dân làm du lịch, quản lý chất lượng, quản lý việc xây dựng các kế hoạch du lịch nông nghiệp và khách du lịch giữa các hội viên nông dân để tránh cạnh tranh không lành mạnh.

Thứ bảy, cùng với xu hướng phát triển chung của các loại hình du lịch, du lịch nông nghiệp tại khu vực nông thôn, đặc biệt là trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới ở vùng ĐBSCL đang ngày càng chứng minh được sức hút đối với du khách cả trong nước và ngoài nước. Do vậy, việc phát huy và tận dụng cơ hội này để chuyển đổi ngành nghề cho nông dân cũng là một hướng đi, là một giải pháp bền vững trong xây dựng nông thôn mới./.

Trương Đức Thuận

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/kinh-te/2018/52755/phat-trien-du-lich-tu-loi-the-nong-nghiep-trong-boi-canh.aspx