Phát triển du lịch tiểu vùng duyên hải phía Đông ĐBSCL thế nào?

Đó là vấn đề được bàn đến tại Hội thảo khoa học 'Định hướng liên kết phát triển du lịch tiểu vùng duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long' do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh, cùng phối hợp với Viện nghiên cứu phát triển Kinh tế và Du lịch vừa tổ chức tại TP. Trà Vinh.

Hội thảo “Định hướng liên kết phát triển du lịch tiêu vùng duyên hải phía Đông ĐBSCL

Hội thảo phân tích tiềm năng và thực trạng du lịch, nhận diện các nguồn lực phát triển du lịch, khả năng liên kết ngành và liên kết vùng trong việc kiến tạo các dịch vụ và sản phẩm du lịch, dự báo các xu thế nhu cầu thụ hưởng dịch vụ của du khách, ghi nhận các ý kiến đóng góp đề xuất nhằm nâng cấp chuỗi giá trị du lịch của không gian tiểu vùng duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là 4 tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh.

Tiểu vùng duyên hải Đông ĐBSCL có tổng diện tích khoảng hơn 8.788 km2, chiếm 21,5% diện tích ĐBSCL, có 162 km bờ biển, có nhiều tiềm năng tổ chức khai thác các loại hình du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn và du lịch biển.

Năm 2017, tiểu vùng duyên hải phía Đông ĐBSCL đón hơn 5,1 triệu lượt du khách, chiếm 11,3% so với tổng lượt du khách đến ĐBSCL, trong đó, khách quốc tế hơn 1,6 triệu lượt, chiếm 58% so với lượng khách quốc tế đến ĐBSCL. Tổng doanh thu đạt đạt 2.365 tỷ đồng, chiếm 23,3% tổng doanh thu du lịch toàn vùng ĐBSCL. Tuy lượt khách nội địa còn thấp nhưng khách quốc tế chiếm tỷ trọng cao.

Ông Trần Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh phát biểu với hội thảo

Phát biểu với Hội thảo, ông Trần Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho rằng: “ Lượt du khách và doanh thu từ các hoạt động kinh doanh du lịch chưa tương xứng so với tiềm năng du lịch của từng địa phương trong tiểu vùng. Công tác hợp tác, liên kết phát triển du lịch của 04 tỉnh vẫn còn hạn chế, chỉ mới thực hiện thông qua công tác xúc tiến du lịch nhưng chưa thật sự đi vào chiều sâu, chưa xây dựng được hình ảnh chung và chưa tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới để thu hút khách du lịch…”

Hội thảo đã phân tích những lợi thế tiềm năng và những hạn chế của tiểu vùng duyên hải phía Đông ĐBSCL. Đồng thời, phân tích, đánh giá, nhận định chuỗi giá trị du lịch ĐBSCL nói chung và tiểu vùng duyên hải phía Đông ĐBSCL trong bối cảnh hội nhập quốc tế; các xu thế khai thác và phát triển sản phẩm du lịch theo hướng đa dạng hóa và đặc thù hóa tại ĐBSCL; Phân tích và đánh giá việc liên kết các sản phẩm du lịch hiện có thành một chương trình du lịch chuyên đề tại tiểu vùng duyên hải phía Đông ĐBSCL với điểm nhấn mang tên “Kết nối hành trình từ sông ra biển” để hình thành sản phẩm “Một hành trình bốn điểm đến”…

Ông Trần Minh Thanh, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch tỉnh Trà Vinh, đã đánh giá cao định hướng liên kết và phát triển du lịch tiểu vùng duyên hải phía Đông ĐBSCL: “Tiểu vùng duyên hải phía Đông ĐBSCL đặt nhiều kỳ vọng hiện thực hóa “Tầm nhìn chiến lược liên kết phát triển bền vững tiểu vùng duyên hải phía Đông”.

Có nhiều khía cạnh liên kết, các khía cạnh được tiểu vùng nhấn mạnh quan tâm là liên kết ngành và liên kết vùng. Du lịch là ngành kinh tế ngày càng đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh phát triển của tiểu vùng. Việc liên kết phát triển ngành kinh tế du lịch là định hướng được các địa phương tại tiểu vùng ưu tiên xúc tiến…”

Những điệu múa Khmer tỉnh Trà Vinh hấp dẫn nhiều du khách

Theo các chuyên gia và các doanh nghiệp lữ hành thì tiểu vùng duyên hải phía Đông ĐBSCL cùng có thế mạnh về kinh tế, vùng còn có tiềm năng du lịch đặc sắc, không giống bất kỳ vùng miền nào của cả nước, là bức tranh tuyệt đẹp với khí hậu ôn hòa, cảnh quan hấp dẫn, con người thân thiện. Những địa phương này có nhiều tiềm năng tương đồng và nhu cầu liên kết để phát triển du lịch.

Đây là vùng sản xuất trái cây đặc sản của vùng ĐBSCL, như dừa, bưởi, sầu riêng, vú sữa, thủy sản, đồng thời có nhiều thế mạnh về du lịch văn hóa, di tích, lịch sử... Như Trà Vinh nơi có kho tàng văn hóa đa dạng, đặc biệt là văn hóa vật thể và phi vật thể của người Khmer… Đây là lợi thế lớn để phát triển du lịch văn hóa của Trà Vinh.

Đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, đánh giá cao những vấn đề và giải pháp đưa ra trong Hội thảo. “Tổng cục Du lịch luôn ủng hộ và sát cánh cùng Trà Vinh, các địa phương trong tiểu vùng duyên hải phía Đông ĐBSCL trong việc tuyên truyền, quảng bá đặc biệt ở nước ngoài; tổ chức các đoàn khảo sát cho báo chí, lữ hành…” Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, phát biểu.

Huỳnh Biển

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn/phat-trien-du-lich-tieu-vung-duyen-hai-phia-dong-dbscl-nhu-the-nao_n43178.html