Phát triển du lịch phải theo nguyên lý lấy cụm ngành làm trung tâm

'Phát triển du lịch phải theo nguyên lý lấy cụm ngành làm trung tâm' ‐ là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong Hội nghị phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên tổ chức ngày 16/2 tại Thừa Thiên Huế.

Giữ vị trí quan trọng trên bản đồ du lịch Việt Nam

Hội nghị có sự tham dự của hơn 500 đại biểu

Hội nghị có sự tham dự của hơn 500 đại biểu

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung ‐ cho biết, khu vực miền Trung - Tây Nguyên có 19 tỉnh với diện tích tự nhiên xấp xỉ gần 152 ngàn km2, dân số hơn 24 triệu người. Với 1.870 km đường bờ biển, hơn 1.500 km biên giới đường bộ với Lào và Campuchia, miền Trung - Tây Nguyên là khu vực có nguồn tài nguyên khá đa dạng và phong phú với nhiều tiềm năng nổi trội về biển, đảo, vịnh nước sâu, đồi núi, hồ thác, di sản văn hóa - lịch sử, cửa khẩu biên giới… cho phép phát triển kinh tế tổng hợp với nhiều ngành chủ lực, đặc biệt là phát triển du lịch. Đây là cửa ngõ ra biển của hành lang kinh tế Đông - Tây, và trải dài trên tuyến du lịch xuyên Việt, xuyên Á, miền Trung - Tây Nguyên, có vị trí đặc biệt quan trọng trong bản đồ du lịch Việt Nam.

Toàn khu vực hiện có 12 sân bay đang vận hành với 5 sân bay quốc tế; hệ thống cảng biển được nâng cấp với 10 cảng biển loại 1; Có 09 vườn quốc gia, nhiều khu bảo tồn thiên nhiên hoang sơ, nguyên vẹn. Đáng chú ý, đây còn là nơi tập trung 09 di sản văn hóa thế giới; là địa bàn cư trú của 47 dân tộc anh em - những chủ nhân đã và đang xây dựng nên một bảo tàng văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc bậc nhất của Việt Nam hiện nay.

Theo Thủ tướng, du lịch miền Trung - Tây Nguyên muốn phát triển cần phải chú trọng du lịch cộng đồng, đưa văn hóa bản địa ra thế giới và tạo thu nhập tốt hơn cho người dân

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, những năm gần đây, cùng với sự phát triển du lịch của cả nước, du lịch miền Trung - Tây Nguyên đã có những chuyển biến đáng ghi nhận: đã xuất hiện những điểm đến có thương hiệu và đẳng cấp quốc tế, thu hút ngày một nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Năm 2018, tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 15,5 triệu lượt, khách du lịch nội địa ước đạt hơn 80 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 620.000 tỷ đồng. Trong đó, khu vực miền Trung và Tây Nguyên đón khoảng 56 triệu lượt khách; khách quốc tế đón hơn 9,5 triệu lượt (chiếm khoảng 28% khách quốc tế cả nước); tổng thu từ du lịch hơn 110 ngàn tỷ đồng (chiếm khoảng 18,75% tổng thu du lịch của cả nước). "Những con số này là minh chứng khẳng định du lịch đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều điểm đến ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, nhất là ở những địa phương như Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng…", ông Thọ nhấn mạnh.

Đề xuất cụ thể cho du lịch miền Trung- Tây Nguyên "cất cánh"

Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng sự phát triển của du lịch còn chưa tương xứng với vị thế và tiềm năng to lớn của khu vực. Trong đó, những hạn chế tồn tại đáng vẫn chưa giải quyết dứt điểm như: lượt khách du lịch tương đối lớn nhưng phân bổ không đồng đều, tổng doanh thu từ du lịch còn thấp, chưa thu hút thị trường khách du lịch cao cấp, tính liên kết trong phát triển du lịch còn hạn chế, nhất là liên kết xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù và trong hoạt động xúc tiến, quảng bá…

Qua đó, thông qua hội nghị này, đại diện lãnh đạo các địa phương 19 tỉnh thành phố miền Trung và Tây Nguyên cùng với các Bộ, ban, ngành, trung ương có những kiến nghị, đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ Xem xét thí điểm cơ chế, chính sách tạo động lực nhằm đưa du lịch miền Trung - Tây Nguyên phát triển tương xứng với tiềm năng và vị thế trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, góp phần thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, tập trung các giải pháp về phát triển hạ tầng kỹ thuật du lịch như, tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông đối ngoại khu vực miền Trung - Tây Nguyên kết nối với hai đầu đất nước; về phát triển sản phẩm du lịch với việc cho phép áp dụng cơ chế ưu đãi nhất theo quy định hiện hành để thu hút đầu tư đảm bảo đến năm 2025 sẽ hoàn chỉnh ít nhất 3 khu du lịch biển, đảo có sức cạnh tranh quốc tế: tại Chân Mây - Lăng Cô (kết nối vùng du lịch Nam miền Trung với vùng du lịch Bắc miền Trung), Cù Lào Chàm (gắn với Di sản văn hóa thế giới Phố cổ Hội An) và Bắc Cam Ranh (gắn với tam giác động lực phát triển du lịch Nha Trang - Ninh Chữ - Đà Lạt). Về xúc tiến quảng bá du lịch, cho phép thực hiện thí điểm thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch tại các tỉnh và Vùng với nguồn thu từ huy động nguồn lực xã hội từ doanh nghiệp du lịch; đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch với việc có chính sách riêng hổ trợ cho đào tạo nghề du lịch cho lao động. Đồng thời, trong quá trình phát triển phải bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu....

Cũng tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại sứ Nhật Bản, Hàn Quốc, các nhà đầu tư đã chia sẻ những lợi thế, tiềm năng cũng như những thách thức, khó khăn để xây dựng khu vực miền Trung - Tây Nguyên thành trung tâm du lịch quốc gia, lấy du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn xuyên suốt của các tỉnh trong khu vực.

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung phát biểu tại hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá đây là Hội nghị mang tầm quốc gia, có yếu tố quốc tế với sự có mặt nhiều cơ quan, bộ ngành, đại biểu, doanh nghiệp lớn…, điều này nói lên quy mô, tầm quan trọng và vị thế của du lịch miền Trung và Tây Nguyên. Thủ tướng cho rằng khu vực này đủ điều kiện thuận lợi cho phát triển các cụm ngành du lịch như: Cụm ngành du lịch nghỉ dưỡng, cụm ngành du lịch văn hóa, lịch sử, cụm ngành du lịch di sản, cụm ngành du lịch biển đảo, cụm ngành du lịch sinh thái, cụm ngành du lịch khám phá đồi núi, đặc biệt là cụm ngành khám phá hang động. Một cụm ngành bao gồm nhiều ngành có liên quan, trong đó, trung tâm là tài nguyên du lịch tự nhiên, nhân tạo, xoay quanh là các dịch vụ ăn uống, ngủ, nghỉ, vui chơi, giải trí. Ngoài ra còn có các ngành cung cấp các yếu tố đầu vào, các dịch vụ hỗ trợ có liên quan như đào tạo nhân lực, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, cung cấp các sản phẩm địa phương, quản lý tài sản, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe và an ninh an toàn.

Phát triển du lịch phải đặt vấn đề cụm ngành đồng bộ chứ không phải khai thác tài nguyên du lịch một cách đơn thuần. “Chúng ta cần tư duy phát triển du lịch theo nguyên lý lấy cụm ngành làm trung tâm chứ không phải lấy tài nguyên du lịch làm trung tâm”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Để phát triển du lịch bền vững, Thủ tướng đặt ra cho ngành 5 câu hỏi: Thứ nhất, làm thế nào để du khách tìm đến Việt Nam đông hơn. Thứ hai, làm thế nào du khách ở lại lâu hơn thay vì đòi đi sớm hơn. Thứ ba, làm thế nào để du khách tiêu tiền nhiều hơn thay vì không có gì để chi tiêu. “Chủ tịch, Bí thư phải ngồi ở sân bay, bến xe quan sát khi người khách đến tỉnh của mình mua cái gì, sắm cái gì”, Thủ tướng gợi ý. Thứ tư, làm thế nào để khách kể lại câu chuyện du lịch thú vị với người thân, với bạn bè một cách đầy hứng khởi, thay vì chê bai, kể một cái xấu gì đó ở Việt Nam. Thứ năm, làm thế nào du khách quay trở lại sớm nhất có thể chứ không phải một đi không trở lại.

Thủ tướng cho rằng, nhìn cách tổng thể, những năm qua, ngành du lịch đã trả lời được một số câu hỏi trên, như tỷ lệ khách đến Việt Nam đông hơn, thời gian lưu trú có cải thiện hơn, du khách chi tiêu nhiều hơn, những câu chuyện hay về Việt Nam bắt đầu được kể đến… Tuy nhiên, nhìn từ thực tế cho thấy các câu trả lời vẫn chưa thực sự xuất sắc và ngành du lịch Việt Nam nói chung, khu vực miền Trung – Tây Nguyên còn nhiều việc phải làm.

Theo Thủ tướng, ngành du lịch cần suy nghĩ làm sao đưa văn hóa bản địa của chúng ta đến với du khách một cách sâu đậm, ấn tượng hơn, cùng với dấu chân du khách lan tỏa trên toàn thế giới, hay thổi hồn vào các câu chuyện văn hóa, lịch sử của đất nước.

Thủ tướng khẳng định, thành quả đạt được của ngành du lịch cả nước cũng như miền Trung – Tây Nguyên có vai trò, sự đóng góp quan trọng của các nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp lớn mà phần đông có mặt hôm nay, như Sungroup, FLC, Mường Thanh, Vingroup, Savico… đặc biệt là sự đóng góp của 4 hãng hàng không Việt Nam. Thủ tướng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp chung tay, đồng hành cùng Chính phủ, chính quyền địa phương đầu tư, phát triển mạnh mẽ hơn nữa du lịch miền Trung – Tây Nguyên. “Thiếu doanh nghiệp, thiếu các tập đoàn lớn, không có hãng lữ hành, không có khu du lịch, khu vui chơi, giải trí thì khó thành công, phát triển du lịch”.

Với miền Trung, cần chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, homestay để đưa thế giới đến gần với người dân hơn, đưa văn hóa bản địa ra thế giới và tạo thu nhập cho người dân tốt hơn.Thủ tướng cũng nêu rõ, không có cách nào quảng bá hiệu quả hơn việc xây dựng hình ảnh: Mỗi người dân Việt Nam là một đại sứ du lịch....

Về phía Chính phủ, Thủ tướng khẳng định, tiếp tục giữ gìn môi trường hòa bình, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội để mọi người dân, du khách yên tâm; đồng thời cho biết, vừa ban hành văn bản chỉ đạo về việc một Việt kiều về nước bị kẻ xấu tấn công, yêu cầu truy tìm, xử lý nghiêm tội phạm.

Trước sự chứng kiến của Thủ tướng, đại diện các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên trao quyết định chủ trương đầu tư, biên bản hợp tác cho các nhà đầu tư

Tại hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến các địa phương miền Trung trao quyết định chủ trương đầu tư cho các doanh nghiệp, trong đó, có các “sếu đầu đàn” như Tập đoàn FLC với 4 dự án, tổng vốn hơn 2.800 tỷ đồng. Cũng tại hội nghị, Thừa Thiên Huế ký hợp tác chiến lược với các tập đoàn lớn gồm FLC, Sovico, Viettravel về xúc tiến đầu tư, quảng bá điểm đến du lịch, mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Nguyễn Tuấn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phat-trien-du-lich-phai-theo-nguyen-ly-lay-cum-nganh-lam-trung-tam-115843.html