Phát triển du lịch - Đôi điều từ một huyện vùng cao

Phát triển du lịch bền vững sẽ góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát triển kinh tế và văn hóa xã hội.

Cơ sở lưu trú là những căn nhà sàn của người Tày

Việt Nam được nhiều khách du lịch nước ngoài đánh giá cao về vẻ đẹp thiên nhiên nhất là các tỉnh vùng cao. Tuy nhiên việc quan tâm đầu tư cho phát triển du lịch tại nhiều nơi còn hạn chế, quy hoạch phát triển du lịch còn manh mún, tự phát khiến cho nhiều địa phương có tiềm năng phát triển du lịch mất đi cơ hội thu hút khách du lịch, quảng bá hình ảnh địa phương và tạo việc làm cho bà con các dân tộc vùng sâu vùng xa có thêm thu nhập khi giáp hạt nông nhàn.

Khách du lịch trên hồ Tuyên Quang

Con đèo Khau Lắc uốn lượn giữa mênh mông đất trời, dọc hai bên đường là những bụi lau trắng muốt nổi bật trên nền những dãy núi trập trùng, dưới thung lũng là những thửa ruộng đang phơi ải sau mùa gặt. Chiếc xe đã vượt chặng đường gần 300km đưa chúng tôi đến với Lâm Bình một huyện vùng xa của Tuyên Quang. Đoạn đường cuối cùng để vào trung tâm huyện dài khoảng 300m đang được gấp rút thi công trước mùa mưa lũ.

Chiều Lâm Bình thật yên ả dưới vòm trời mây trắng bồng bềnh, sương đã bắt đầu buông xuống những dãy núi phía xa. Chuyến đi khảo sát danh thắng và cuộc sống của bà con các dân tộc vùng cao lần naychúng tôi may mắn được sự giúp đỡ của UBND huyện Lâm Bình.

Là huyện vùng sâu, vùng xa, vùng cao phía bắc của tỉnh Tuyên Quang, là một trong những huyện có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất toàn quốc, độ che phủ rừng đạt trên 80% so với diện tích toàn huyện. Thảm rừng nhiệt đới xanh quanh năm, hệ động vật, thực vật đa dạng, phong phú. Đặc biệt Lâm Bình đang bảo tồn loài vọc đen má trắng với trên 100 cá thể nằm trong sách đỏ của thế giới cùng với hồ Tuyên Quang rộng trên 8.000ha, lòng hồ với nhiều đảo nằm rải rác tạo nên khung cảnh thơ mộng và huyền bí hơn vào mùa đông khi sương buông phủ mỗi sơm mai, nơi đây còn là nơi sinh sống, nuôi trồng của nhiều loài cá đặc sản.

Lâm Bình được thiên nhiên ban tặng cho nhiều danh thắng đẹp. Du khách đến đây được mãn nhãn ngắm nhìn 99 ngọn núi Thượng Lâm huyền thoại, nơi được coi là Vịnh Hạ Long cạn giữa đại ngàn; Phong cảnh, núi non Khuôn Hà, Lăng Can, Bình An, Thổ Bình, Hồng Quang, Xuân Lập, Phúc Yên; hòn Cọc Vài, Núi Đổ. Những con đèo uốn lượn quanh co giữa núi non trùng điệp.

Trạm kiểm lâm Song Long trên hồ

Đặc biệt hơn nữa Lâm Bình mới phát hiện một quần thể hang động rộng lớn, nguyên sơ, hầu như chưa có dấu chân con người. Từng hang động có vẻ đẹp kỳ vĩ khác nhau, nhưng đều chung một điểm lòng hang rộng từ 50 đến 200 mét; trần hang cao từ 20 đến 50 mét; độ dài của hang từ 500 đến 1.500 mét; nhiều thạch nhũ lung linh, kỳ ảo được các chuyên gia đánh giá rất cao về giá trị địa chất, khảo cổ và giá trị du lịch: Hệ thống các con suối lớn, nhỏ khác nhau, đây là nơi cung cấp nước cho sinh hoạt, đời sống và sản xuất của nhân dân các dân tộc trong vùng, đồng thời các con suối uốn quanh các bản làng, những hàng tre soi bóng, tạo nên nét thơ mộng, bình yên của miền sơn cước.

Mỗi danh thắng nơi đều mang vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ, kỳ vĩ và chứa đựng những sự tích, huyện thoại gắn với sinh hoạt đời sống ngàn đời của đồng bào 12 dân tộc thiểu số chiếm trên 95% dân cư trên địa bàn huyện trong đó phần lớn là người Tày, người Dao, Mông, PàThẻn. Đặc biệt, duy nhất ở Việt Nam có tộc Người Thủy sinh sống tại Lâm Bình.

Những phụ nữ dân tộc Pà Thẻn thêu dệt những sản phầm truyền thống

Đưa chúng tôi đến các xã vùng sâu, vùng xa của là một cán bộ Phòng VHTT huyện, được thưởng ngoạn vẻ đẹp của núi rừng Việt Bắc, được chứng kiến người dân dệt thổ cẩm, thêu, rèn, đan mây, làm bún… mới thấy hết sự cần cù lao động của bà con đang gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Về mạng lưới các cơ sở lưu trú phục vụ khách du lịch.

Ông Hoàng Văn Thức – Trưởng phòng VHTT Huyện chia sẻ ”Lâm Bình danh thắng là vậy nhưng hiện toàn huyện mới có 4 điểm lưu trú là các homestay với 15 hộ gia đình kinh doanh dịch vụ phục vụ khách tham quan du lịch. Cao điểm cũng chỉ có khả năng đón được 300 khách mỗi ngày. Ngoài việc vận động các doanh nghiệp hỗ trợ người dân về cơ sở vật chất huyện cũng thường xuyên thực hiện việc tuyên truyền quảng bá trên các phương tiện truyền thông, tư vấn cho người dân mô hình sinh thái tại các homestay, thành lập các nhóm hát Then, phục vụ các món ăn đặc sắc của đồng bào dân tộc, xây dựng các tour du lịch gắn với các hoạt động vui chơi giải trí, các lễ hội dân tộc phục vụ khách du lịch song lượng khách đến đây còn rất hạn chế”.

Là một huyện có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch như: du lịch mặt hồ, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng cùng với những lễ hội truyền thống cấp Quốc gia như Lễ hội Lồng Tông của dân tộc Tày, lễ hội Nhảy Lửa của dân tộc Pà Thẻn... song do cơ sở hạ tầng còn thiếu, các cơ sở lưu trú còn nhỏ lẻ chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có của địa phương.

Cán bộ trạm kiểm lâm Lâm Song thường xuyên kiểm tra bảo vệ rừng

Khách du lịch đến đây vì sự cuốn hút của vẻ đẹp thiên nhiên đều có chung thắc mắc băn khoăn về hạ tầng viễn thông bởi không thể có sóng điện thoại di động trên khu vực lòng hồ. Du khách sẽ gặp khó khăn khăn khi du lịch lòng hồ, công tác cứu hộ, cứu nạn và bảo vệ rừng sẽ ứng phó ra sao khi không có thông tin liên lạc, khi mà bến thuyền du lịch cách điểm xa nhất của hồ lên đến 16 km cùng với độ sâu từ 50 – 120m ?

Trao đổi vấn đề này khi chúng tôi có mặt tại Trạm Kiểm lâm Song Long, đơn vị chịu trách nhiệm bảo vệ hơn 7.000 ha rừng phòng hộ của huyện. Được hỏi về những khó khăn trong quá trình thực thi nhiệm vụ trên địa bàn, ông Phan Thừa Hữu – Trạm trưởng cho biết: “Khó khăn nhất của trạm là phương tiện đi lại và thông tin liên lạc. Do không có thông tin liên lạc nên việc bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn, hiện tại rừng Lâm Bình có rất nhiều cây to thuộc loại quý hiếm, có những cây hàng nghìn năm tuổi với đường kính từ 2,5-3m. Với lực lượng nhỏ chỉ có 5 cán bộ việc bao quát kiểm tra cả khu vực 24/24h là rất khó khăn phải nhờ thêm sự hỗ trợ của người dân, tuy nhiên do không có thông tin liên lạc, người dân phải đi bộ, đi thuyền hàng chục km mới đến được trạm để trình báo. Điển hình là năm 2016 lâm tặc đã đốn hạ một cây quý hiếm với khối lượng gỗ lên đến hơn một trăm mét khối".

Trao đổi thêm với lãnh đạo huyện Lâm Bình về định hướng phát triển du lịch tại địa phương, Phó Chủ tịch huyện Nguyễn Văn Hiền cho biết: “Chúng tôi rất muốn phát triển du lịch tại địa phương song cũng còn không ít khó khăn. Là một huyện mới thành lập từ tháng 2/2011 với hơn 71% hộ nghèo, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội còn thiếu, chưa đồng bộ; nhiều tuyến đường giao thông quan trọng chưa được đầu tư, cải tạo, nâng cấp, giao thông đi lại còn khó khăn, nhất là về mùa mưa. Do thiếu kinh phí đầu tư nên hạ tầng tại các điểm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, khảo cổ chưa được đầu tư xây dựng, giao thông kết nối các tour, tuyến chưa đồng bộ, một số nét văn hóa truyền thống có nguy cơ mai một. Các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ du khách của các hộ gia đình và hạ tầng du lịch còn thiếu, chưa đồng bộ. Kỹ năng làm du lịch của các lao động mức độ thấp, khó khăn cho việc tiếp cận, giao lưu, đặc biệt là với khách du lịch nước ngoài, giao thông đi lại còn rất khó khăn dẫu cho những nỗ lực của chính quyền và người dân là không nhỏ đang là thách thức và trăn trở của lãnh đạo địa phương”.

Du lịch đang là ngành kinh tế quan trọng của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Phát triển du lịch bền vững sẽ góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát triển kinh tế và văn hóa xã hội. Giúp xóa đói giảm nghèo cho người dân, bớt đi phần nào ngân sách hỗ trợ hàng năm từ Chính phủ. Để phát triển du lịch địa phương tại vùng sâu vùng xa rất cần một định hướng chính sách vĩ mô, sự quan tâm của các cơ quan quản lý Nhà nước từ trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp đầu tư trong và ngoài nước.

Bài và ảnh: Kỳ Nam

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/phat-trien-du-lich-doi-dieu-tu-mot-huyen-vung-cao-141496.html